9/26/2016 3:53:00 PM
.

Thúc đẩy xuất nhập khẩu nông, lâm, thủy sản qua Lào Cai


Ngày 21/9, Sở Công Thương Lào Cai đã phối hợp với Vụ Thương mại miền núi (Bộ Công Thương) tổ chức Hội nghị Kết nối các thương nhân Việt Nam và Trung Quốc xuất nhập khẩu nông, lâm, thủy sản qua Lào Cai với sự tham dự của gần 100 doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc.

Trung Quốc hiện là thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản lớn nhất của Việt Nam, chiếm 28,5% tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam ra thế giới. Việt Nam đang xuất khẩu sang Trung Quốc 9 nhóm mặt hàng nông, lâm, thủy sản, trong đó có 5 nhóm mặt hàng chiếm tỷ trọng cao trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước bao gồm: Sắn và các sản phẩm từ sắn (chiếm 87%), rau quả (65%), cao su (50%), dăm gỗ (48%), gạo (30%). Ngoài ra, Việt Nam còn xuất sang Trung Quốc các mặt hàng điều, chè, thủy sản, cà phê.

Hoạt động xuất khẩu hàng hóa nông, lâm, thủy sản qua cửa khẩu Lào Cai đang có nhiều yếu tố thuận lợi. Ngoài sự tiếp sức của cơ chế, chính sách từ trung ương đến địa phương thì tuyến đường cao tốc Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng đã đi vào vận hành thông suốt rút ngắn đáng kể thời gian và chi phí vận tải cho doanh nghiệp. Nhu cầu nhập khẩu nhóm hàng nông, lâm, thủy sản của Trung Quốc rất lớn và đang có xu hướng ngày càng gia tăng. Các ưu đãi trong Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA) đã và đang tạo lợi thế cho hàng nông, thủy sản của Việt Nam xuất sang Trung Quốc. Đến nay Trung Quốc đã cắt giảm 95,4% tổng số dòng thuế đối với hàng hóa Việt Nam, chiếm 91,6% tổng kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam; ngoại trừ cà phê, hạt tiêu hiện vẫn còn thuế nhập khẩu thì hầu hết các mặt hàng nông, thủy sản đã được cắt giảm thuế về 0%.

Tuy nhiên, thực tế thời gian gần đây cho thấy, việc xuất khẩu hàng hóa nông, lâm, thủy sản Việt Nam sang Trung Quốc qua Lào Cai cũng gặp khá nhiều khó khăn, đặc biệt là xuất khẩu nông sản theo đường tiểu ngạch do ảnh hưởng từ chính sách quản lý biên mậu của Trung Quốc. Một số mặt hàng nông sản, thủy sản phía Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho xuất khẩu, bên phía Trung Quốc áp dụng các biện pháp kiểm dịch rất ngặt khiến kéo dài thời gian thông quan hàng hóa. Các doanh nghiệp chưa khai thác hiệu quả vận chuyển hàng hóa chạy suốt tuyến giao thông đường bộ Hải Phòng - Hà Nội - Lào Cai - Côn Minh và ngược lại, nhất là đối với mặt hàng thủy hải sản.

Lãnh đạo Sở Công Thương Lào Cai cho biết, để thúc đẩy xuất nhập khẩu nông, lâm, thủy sản qua địa bàn, tỉnh Lào Cai đã đề xuất Chính phủ cho mở rộng Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai; thực hiện thí điểm kéo dài thời gian mở cửa khẩu thông quan với mặt hàng thủy sản và quả vải tươi đến 22 giờ tại cửa khẩu quốc tế đường bộ số II (Kim Thành); rà soát, điều chỉnh các loại phí, lệ phí tại cửa khẩu quốc tế; triển khai thực hiện tốt các hoạt động giao lưu, hợp tác kinh tế thương mại với các địa phương của Trung Quốc; hỗ trợ doanh nghiệp tham gia Hội chợ Trung Quốc - Nam Á kết hợp hội chợ hàng hóa xuất nhập khẩu Côn Minh - Trung Quốc; tổ chức các kỳ hội chợ thương mại biên giới; tổ chức các hội nghị chuyên đề về xúc tiến xuất khẩu... Nhờ vậy, thương mại hai chiều giữa các tỉnh, thành phố của Việt Nam nói chung và tỉnh Lào Cai nói riêng với tỉnh Vân Nam – Trung Quốc đã có những tăng trưởng đáng khích lệ.

Tuy nhiên, kết quả đạt được vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và mong muốn của cả hai bên. Tại Hội nghị nêu trên, đại diện Sở Công Thương Lào Cai đã đề nghị tỉnh Vân Nam cùng Lào Cai báo cáo Chính phủ 2 nước áp dụng thời gian làm việc tại cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành (Lào Cai) - Bắc Sơn (Hà Khẩu, tỉnh Vân Nam) đến 22h (giờ Hà Nội) - 23h (giờ Bắc Kinh) hàng ngày, từ ngày 01/01/2017. Tiếp tục thúc đẩy tiện lợi hóa thông quan hàng hóa, cải thiện và nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính và dịch vụ tại cửa khẩu, nhất là dịch vụ logistics, khai báo hải quan, áp dụng mạnh mẽ thông quan điện tử để rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa.

Để thúc đẩy xuất nhập khẩu hàng hóa nông, lâm, thủy sản qua Lào Cai – Hà Khẩu các đại biểu tham dự hội nghị cho rằng, tỉnh Lào Cai và tỉnh Vân Nam cần thường xuyên trao đổi thông tin về chính sách, cơ chế xuất nhập khẩu, kịp thời tháo gỡ hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp; kịp thời thông tin tới các thương nhân các điều chỉnh, thay đổi trong điều hành hoạt động thương mại biên giới của mỗi nước.

Sở Công Thương Lào Cai đề nghị Ty Thương vụ Vân Nam cung cấp thông tin về các điều kiện nhập khẩu hàng thủy hải sản của Việt Nam vào tỉnh Vân Nam về chủng loại, số lượng, các chính sách có liên quan đến kiểm dịch, vận tải, lựa chọn doanh nghiệp. Hai bên tăng cường công tác giao thương, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, phát triển thị trường để khai thác tối đa lợi ích của các hiệp định thương mại hai bên tham gia. Mở rộng quy mô, chất lượng và hiệu quả Hội chợ quốc tế Thương mại biên giới Việt - Trung (Lào Cai - Vân Nam) hàng năm trở thành hình mẫu trong giao lưu, hợp tác kinh tế thương mại giữa các tỉnh biên giới Việt - Trung.

Về phía doanh nghiệp hai nước, đơn vị chức năng khuyến cáo, cần tìm hiểu kỹ, lựa chọn đối tác tin cậy để hợp tác kinh doanh; cần thông qua các cơ quan quản lý nhà nước, các hiệp hội, ngành hàng và các kênh thông tin tin cậy để tìm hiểu cơ chế, chính sách, thị trường, nhu cầu, đối tác, tập quán, phương thức giao nhận hàng hóa… nhằm hạn chế rủi ro, tối đa hóa lợi ích, hai bên cùng thắng.

Nhanhieuviet (Theo Báo công thương)

Tin trong ngày
Các tin khác
.
.
.
.
.
.

                             

TRUNG TÂM THÔNG TIN CÔNG NGHIỆP VÀ THƯƠNG MẠI VIỆT NAM - BỘ CÔNG THƯƠNG.

Giấy phép của Bộ Thông tin và Truyền thông số 55/GP-TTĐT, cấp ngày 02/6/2015.
Địa chỉ: 655 Phạm Văn Đồng - Bắc Từ Liêm - Hà Nội.
Điện thoại: 04 3934 1911  -  Email: info@nhanhieuviet.gov.vn