5/10/2018 8:50:00 AM
.

Xuất khẩu dầu của Iran sang châu Âu, châu Á bị ảnh hưởng sau quyết định của Trump


Xuất khẩu dầu mỏ của Iran sang Trung Quốc, châu Âu và các nước khác sẽ giảm cuối năm nay và trong năm 2019, nếu Mỹ có thể thực hiện quyết định của Tổng thống Donald Trump về tái áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế ở mức cao nhất nhắm vào giao dịch dầu mỏ với Iran.

Nguồn tin từ các công ty lọc dầu cho biết các nhà máy lọc dầu châu Á đã chuyển nhập khẩu sang các nước xuất khẩu khác để chuẩn bị với các lệnh trừng phạt mới của Mỹ chống lại Iran. Hiện nay xuất khẩu của Iran khoảng 2,5 triệu thùng/ngày, Trung Quốc, Ấn Độ và các nước châu Á khác là các khách hàng chính.

Ngày 8/5, Tổng thống Trump đã thông báo rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran và áp đặt các lệnh trừng phạt mới ở mức cao nhất đối với Tehran. Bob McNally, chủ tịch của tổ chức tư vấn Rapidan Energy Group tại Washington cho biết “chúng tôi hy vọng nó sẽ ngăn cản một số khách hàng mua dầu thô Iran”. Thỏa thuận năm 2015 đã hạn chế tham vọng hạt nhân của Iran đổi lấy việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt của Mỹ, châu Âu chống lại quốc gia Trung Đông này.

Iran hiện nay sản xuất khoảng 3,8 triệu thùng dầu mỗi ngày, chiếm khoảng 4% nguồn cung toàn cầu. Bất kỳ sự sụt giảm nào trong xuất khẩu sẽ không diễn ra ngay do các lệnh trừng phạt sẽ có hiệu lực sau 180 ngày.

Các đồng minh của Mỹ tại châu Âu cho biết họ đã đang tìm cách giữ lại những gì còn lại của thỏa thuận này. Tuy nhiên các nhà nhập khẩu châu Âu và châu Á có thể sớm phải tìm cách đối mặt lựa chọn kinh doanh với Mỹ hoặc Iran. Quỹ đạo bán dầu có thể phù hợp với những gì xảy ra sau khi các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc của phương Tây được đưa ra đầu năm 2012. Sau đó, doanh số bán ra nước ngoài của Iran giảm xuống chỉ hơn 1 triệu thùng/ngày, với 4 khách hàng chính là Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Hiện nay, khách hàng dầu thô lớn nhất của Iran là Trung Quốc, nhập khẩu của nước này đã đạt đỉnh khoảng 900.000 thùng/ngày trong giữa năm 2016 nhưng đã giảm xuống khoảng 600.000 thùng/ngày trong năm 2018, theo số liệu của Thomson Reuters.

Các nhà máy lọc dầu Trung Quốc cho biết Iran hiện nay có thị phần tương đối thấp trong nguồn cung của họ và sự thay thế sẽ dễ dàng thấy ở Nga, Saudi Arabia, Tây Phi và Mỹ. Trong tuần này, giá dầu quốc tế đã lên mức cao nhất kể từ cuối năm 2014 do lo lắng Mỹ khôi phục các lệnh trừng phạt sẽ thắt chặt nguồn cung toàn cầu. Các nhà phân tích của Moody cho biết các lệnh trừng phạt sẽ giảm sản lượng của Iran khoảng 400.000 thùng/ngày.

Mỹ có thể vật lộn để thực thi các lệnh trừng phạt chống lại Iran với mức tương tự như trong đầu thập kỷ này. Sau đó sự hỗ trợ của EU đối với các biện pháp của Mỹ đã làm khó khăn cho vận chuyển và mua dầu thô của các nhà máy lọc dầu.

Thời điểm này, các nước châu Âu không hỗ trợ chính sách của Mỹ. Chính phủ Pháp, Đức và Anh tất cả cho biết họ muốn duy trì thỏa thuận và kêu gọi Mỹ không ngăn cản điều đó.

Các nhà máy lọc dầu châu Á thực hiện các kế hoạch thay thế

Một số các nhà máy lọc dầu tại Nhật Bản và Hàn Quốc cho biết họ đã sẵn sàng thực hiện các biện pháp để chuẩn bị cho khả năng hạn chế nguồn cung của Iran bằng cách chuyển sang lựa chọn thay thế.

Một nguồn tin từ công ty hóa dầu Hàn Quốc cho biết vấn đề chính với các nhà nhập khẩu Hàn Quốc đang tìm kiếm thông số dầu tương đương với các nguồn cung cấp của Iran.

Các nhà máy lọc dầu đã được thế kế để sử dụng chất lượng dầu cụ thể và các cơ sở Hàn Quốc được thiết kế cho khí ngưng tụ Iran, một dạng dầu thô siêu nhẹ. Trong khi đó có sự thay thế từ Mỹ và Qatar, với thông số kỹ thuật và giá cả khác nhau.

Nguồn tin cho biết “chúng tôi có thể bắt đầu từ Qatar”. “Trong trường hợp dầu thô nhẹ của Mỹ, không kinh tế khi sử dụng tại thời điểm này và không phù hợp với các cơ sở của Hàn Quốc”.

Trong các vòng cấm vận mới nhất, Ấn Độ được miễn trừ, cho phép họ tiếp tục nhập khẩu khối lượng dầu thô hạn chế từ Iran theo một chế tài tài chính nhất định, gồm thanh toán cho Iran bằng đồng rupee thay cho đồng USD.

Iran là nhà sản xuất lớn thứ ba trong tổ chức OPEC. Nhà sản xuất hàng đầu của tổ chức này, Saudi Arabia sẽ làm việc với các nhà sản xuất trong và ngoài OPEC để giảm nhẹ tác động của việc thiếu hụt nguồn cung, một quan chức năng lượng của Saudi Arabia cho biết.

Dự trữ dầu mỏ tại các quốc gia phát triển chủ chốt đã giảm mạnh trong một năm rưỡi qua xuống 2,85 tỷ thùng, cao hơn mức trung bình 5 năm một chút, sau khi các nhà sản xuất trong và ngoài OPEC thực hiện cắt giảm nguồn cung từ đầu năm 2017 để xóa bỏ dư thừa trên toàn cầu. Hiện nay một số thương nhân cho biết thị trường này có thể thắt chặt mạnh sau nhiều năm dư cung.

Eric Nuttal, quản lý danh mục đầu tư và đối tác tại Ninepoint Partners ở Toronto cho biết “chúng tôi dự kiến dự trữ đang tiếp cận mức thấp nhất 10 năm vào cuối năm nay”.

Nhanhieuviet (Theo VITIC/Retuers)

Tin trong ngày
Các tin khác
.
.
.
.
.
.

                             

TRUNG TÂM THÔNG TIN CÔNG NGHIỆP VÀ THƯƠNG MẠI VIỆT NAM - BỘ CÔNG THƯƠNG.

Giấy phép của Bộ Thông tin và Truyền thông số 55/GP-TTĐT, cấp ngày 02/6/2015.
Địa chỉ: 655 Phạm Văn Đồng - Bắc Từ Liêm - Hà Nội.
Điện thoại: 04 3934 1911  -  Email: info@nhanhieuviet.gov.vn