4/24/2023 9:51:00 AM
.

Xuất khẩu thủy sản tìm hướng đi trong khó khăn


Trong bối cảnh xuất khẩu (XK) thủy sản đang giảm sâu do đơn hàng của doanh nghiệp tại nhiều thị trường lớn giảm sút, các doanh nghiệp thủy sản luôn phải trong tâm thế tìm hướng đi mới để phát triển.

Đơn hàng xuất khẩu giảm 20-50%

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), thủy sản là một trong những ngành gặp nhiều khó khăn trong XK, khiến kim ngạch giảm mạnh. Trong quý 1/2023, kim ngạch XK chỉ đạt 1,85 tỷ USD, giảm hơn 27% so với quý 1/2022. Kết quả XK thủy sản trong quý đầu năm cho thấy, hai mặt hàng XK chủ lực của thủy sản Việt Nam là tôm và cá tra đều giảm sâu. Tính đến hết quý 1/2023, XK tôm mang về 577 triệu USD, giảm 40%, cá tra đạt 447 triệu USD, thấp hơn 32% so với cùng kỳ và cá ngừ giảm 31% đạt 179 triệu USD.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Chủ tịch VASEP, những tháng đầu năm 2023, lạm phát khiến nhu cầu tiêu thụ thủy sản giảm ở hầu hết các thị trường chính và tác động xấu đến sản xuất trong nước khiến cho lượng đơn hàng XK của các doanh nghiệp giảm từ 20-50%, lượng tồn kho tăng. Thị trường khó khăn, sản xuất nguyên liệu trong nước bị chững lại. "Chi phí sản xuất nguyên liệu tăng cao cùng với sự tăng giá bao bì, vật tư, năng lượng, nhân công… trong khi thủy sản Việt Nam đang bị áp lực cạnh tranh về nguồn cung và giá bán với các nước Ecuador, Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia tại các thị trường lớn"- bà Thu Sắc nhận định.

Trong đó, các doanh nghiệp XK tôm của Việt Nam đang gặp khó khăn về lợi thế cạnh tranh khi các nước như Ấn Độ, Indonesia, Ecuador... có giá tôm nguyên liệu quá lý tưởng. Theo ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Thực phẩm Sao Ta (FMC), vào mùa thu hoạch chính vụ, giá tôm nguyên liệu cỡ 40 con/kg tại Ecuador chỉ 100.000 đồng/kg, còn tại Việt Nam là 150.000 đồng/kg. Không chỉ vậy, chi phí nuôi tôm của Việt Nam hiện ở mức khá cao, nên giá thành tôm Việt cao, dẫn đến giảm sức cạnh tranh.

Theo đánh giá của VASEP, xu hướng XK một số sản phẩm thủy sản trong nửa đầu năm 2023 vẫn rất khó khăn. Trong đó, XK tôm sẽ hồi phục chậm vì cạnh tranh gay gắt với Ấn Độ, Ecuador, Indonesia. XK cá tra sẽ khả quan hơn trong bối cảnh lạm phát và kinh tế suy giảm ở nhiều thị trường và có thêm cơ hội lớn sau khi Trung Quốc mở cửa trở lại hoàn toàn sau Covid-19. Để giúp cho ngành thủy sản tăng trưởng không còn gì khác bằng việc nâng giá trị sản phẩm thủy sản.

Kỳ vọng thị trường châu Á

Trong bối cảnh XK thủy sản đang giảm sâu do đơn hàng của doanh nghiệp từ nhiều thị trường lớn giảm sút, các doanh nghiệp thủy sản vẫn trong tâm thế tìm hướng đi mới để phát triển. Theo ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch Công ty Thủy sản Thuận Phước, các doanh nghiệp thủy sản cần có giải pháp thích ứng với tình hình. Cần giữ khách hàng nhập khẩu, chấp nhận giảm chi phí sản xuất và lợi nhuận. Tình hình XK sẽ có chuyển biến trong các quý tiếp theo khi nhu cầu từ thị trường các nước châu Á, như: Trung Quốc, Hàn Quốc, khối ASEAN gia tăng.

Trong đó, đáng chú ý là thị trường Trung Quốc. Việc Trung Quốc mở cửa trở lại là chất xúc tác cho ngành thủy sản năm 2023. Trong 3 tháng đầu năm, Hoa Kỳ, Trung Quốc vẫn là các thị trường nhập khẩu thủy sản lớn nhất của nước ta lần lượt đạt giá trị là 237 triệu USD và 230 triệu USD. Cả hai thị trương này đều có sự sụt giảm từ 9-50%. Tuy nhiên, với thị trường Trung Quốc chỉ giảm trị giá XK trong tháng 1 còn tháng 2 và tháng 3 đều tăng từ 25-30% so với cùng kỳ. Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP, để gia tăng XK vào Trung Quốc, thời gian tới cần có biện pháp đặc thù để tiếp thị vào thị trường Trung Quốc một cách hiệu quả hơn so với hiện nay. Trong đó, thiết lập cơ quan bán hàng trực tiếp của người Việt. Tuy nhiên, cần xem xét chọn lựa địa phương nào phù hợp.

Ông Hồ Quốc Lực cho rằng, việc thâm nhập vào thị trường Trung Quốc đối với mặt hàng tôm, đặc biệt là tôm thẻ chân trắng rất khó khăn. Do đó chỉ có cá tra và tôm sú mới thâm nhập được. Chính vì vậy, theo ông Hồ Quốc Lực, sách lược trước mắt đối với ngành tôm là tập trung vào thị trường ưa chuộng sản phẩm tôm có hàm lượng giá trị gia tăng cao mà Ecuador và Ấn Độ chưa thể thâm nhập như Nhật Bản, Tây Âu.

Để đáp ứng yêu cầu trên, lãnh đạo FMC kiến nghị tăng cơ sở nuôi đạt tiêu chuẩn ASC đáp ứng các thị trường lớn. Hiện nay diện tích nuôi đạt chuẩn ASC còn quá thấp, chưa tới 1% diện tích nuôi, trong khi của Ecuador là 20%, và tôm của họ chiếm lĩnh thị trường EU, nơi yêu cầu chuẩn này rất phổ biến. “Do thực trạng ngành nuôi tôm của Việt Nam mạnh mún, nhỏ lẻ, tự phát, khó đáp ứng yêu cầu. Giải pháp khắc phục là khuyến khích nhà đầu tư tích tụ đất hình thành trang trại nuôi càng lớn càng tốt. Càng lớn thì thuận lợi đầu tư khoa học công nghệ để giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh”- ông Lực đề xuất.

Nhận định về thị trường trong thời gian tới, đại diện VASEP cho biết, Trung Quốc sẽ trở thành thị trường nhập khẩu lớn nhất, nhưng áp lực cạnh tranh rất lớn vì các nhà XK và các thương gia các nước cũng tập trung vào thị trường này. XK sang các thị trường EU, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc khó bứt phá vì lạm phát, khiến người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu và giá nhập khẩu trung bình giảm so với năm trước. Từ thực tế biến động thị trường, các doanh nghiệp thủy sản có điều chỉnh hợp lý các sản phẩm XK. Ví dụ, với Trung Quốc thì ngoài sản phẩm đông lạnh, doanh nghiệp nên tận dụng lợi thế về vị trí địa lý gần để tăng XK tôm, hải sản tươi/sống cho phân khúc nhà hàng, khách sạn, du lịch. Với các thị trường lớn khác như Mỹ, EU, doanh nghiệp quan tâm hơn đến xu hướng nhập khẩu hàng cho các siêu thị châu Á, nghĩa là các dòng sản phẩm truyền thống của người châu Á vẫn đang hút khách...

Dự báo XK thủy sản Việt Nam chỉ có thể hồi phục dần từ quý 3/2023. Tập trung lớn nhất của ngành thủy sản hiện nay là sản xuất, chế biến trong nước phải sẵn sàng nguồn cung ứng ngay khi thị trường hồi phục. Trước diễn biến hiện nay, các doanh nghiệp sẽ tập trung triển khai các biện pháp, như: Chủ động, tìm kiếm cân đối nguồn nguyên liệu và tài chính để giữ khách hàng truyền thống và sẵn sàng nguồn cung khi thị trường hồi phục trở lại; điều chỉnh cơ cấu thị trường XK và cơ cấu sản phẩm. Đồng thời tìm kiếm nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất XK và gia công XK cho các thị trường nhằm tận dụng năng lực chế biến, tăng kim ngạch XK và duy trì việc làm ổn định cho người lao động; tận dụng hơn nữa ưu đãi thuế quan của các FTA để giữ được vị thế cạnh tranh trên thị trường thế giới; tích cực tham gia các hội chợ thủy sản quốc tế, tham gia các chương trình giao thương B2B tìm kiếm đối tác, tăng đơn hàng...

Nhanhieuviet (Theo Haiquanonline – Link gốc)

Tin trong ngày
Các tin khác
.
.
.
.
.
.

                             

TRUNG TÂM THÔNG TIN CÔNG NGHIỆP VÀ THƯƠNG MẠI VIỆT NAM - BỘ CÔNG THƯƠNG.

Giấy phép của Bộ Thông tin và Truyền thông số 55/GP-TTĐT, cấp ngày 02/6/2015.
Địa chỉ: 655 Phạm Văn Đồng - Bắc Từ Liêm - Hà Nội.
Điện thoại: 04 3934 1911  -  Email: info@nhanhieuviet.gov.vn