3/21/2017 4:34:00 PM
.

Xuất khẩu tôm Thái Lan dự kiến phục hồi năm 2017


Từ 2007-2012, Thái Lan là nước sản xuất, XK tôm đứng đầu thế giới. Từ 2013 trở đi, Thái Lan tụt xuống vị trí thứ 5; sau Ấn Độ, Việt Nam, Ecuador và Trung Quốc. Năm 2015, kim ngạch XK tôm của Thái Lan chiếm khoảng 8% tổng giá trị và 6,7% tổng khối lượng XK tôm của toàn cầu.

Trong giai đoạn 10 năm (2007-2016), XK tôm của Thái Lan tăng trưởng tốt từ 2007-2011 do sản lượng trong nước tăng nhanh trong khi chưa phải chịu áp lực cạnh tranh từ các nguồn cung đối thủ. Năm 2012, Thái Lan phải đối mặt với dịch EMS ở tôm nuôi trên diện rộng, khiến sản lượng giảm mạnh, kéo theo kim ngạch XK giảm. Từ 2012-2015, XK tôm của Thái Lan giảm liên tục và giảm xuống mức thấp nhất vào năm 2015 do giá tôm toàn cầu giảm cộng với biến động tiền tệ.

Từ 2012-2015, Thái Lan phải đối mặt với nhiều rào cản từ các thị trường NK tôm của nước này như tôm hấp và chế biến của Thái Lan xuất sang EU không còn được hưởng quy chế ưu đãi GSP từ 2014 nên mức thuế tăng lên 20%. Tôm nguyên liệu đông lạnh cũng bị mất thuế GSP 4% từ tháng 1/2015 và Thái Lan phải chịu mức 12%.

Ngày 14/12/2015, hãng tin AP đã đăng phóng sự điều tra cho thấy, tình trạng bóc lột lao động như nô lệ trong ngành công nghiệp tôm của Thái Lan. Sau thông tin này, các quan chức và nhà hoạt động nhân quyền Mỹ kêu gọi người Mỹ ngưng mua tôm có nguồn gốc từ Thái Lan, trong đó có một công ty con của Tập đoàn Thai Union. Điều này có tác động không nhỏ tới hoạt động chế biến của XK tôm của Thái Lan.

Năm 2016, XK tôm của Thái Lan có dấu hiệu phục hồi. Trong năm này, giá trị XK tôm nước này đạt gần 2 tỷ USD; tăng 18,7% so với năm 2015.

Trong top các thị trường NK tôm hàng đầu của Thái Lan, Mỹ đứng ở vị trí số một, chiếm 42,3% tổng giá trị XK tôm của nước này. Nhật Bản đứng thứ hai với 22,6%. Tiếp đó là Việt Nam và Canada lần lượt chiếm 6,8% và 5,8%.

Tôm chế biến không đóng túi kín khí (HS 160521) và tôm nguyên liệu đông lạnh (HS 030617) là 2 sản phẩm XK chính của Thái Lan, lần lượt chiếm 46% và 37,4% trong tổng các sản phẩm tôm XK. Sản phẩm tôm mã HS 160521 chủ yếu được xuất sang Mỹ, Nhật Bản, Canada. Sản phẩm mã HS 030617 chủ yếu được xuất sang Mỹ, Nhật Bản và Việt Nam.

XK sang top 4 thị trường NK chính tôm Thái Lan đều tăng với XK sang Mỹ tăng 15,5%; Nhật Bản tăng 13,2%. XK sang Việt Nam và Canada tăng lần lượt 127,5% và 33,3%. Dù đứng thứ 3 về NK tôm Thái Lan trong năm 2016, nhưng XK Thái Lan sang Việt Nam tăng mạnh nhất trong top 4 thị trường NK tôm chính của Thái Lan.

Năm 2016, ngành tôm nước này đang dần phục hồi sản lượng do người nuôi đã biết cách cải tiến công nghệ nuôi nhằm chống lại dịch EMS bùng phát. Hầu hết người nuôi tôm ở Thái Lan đã biết cách đối phó với bệnh dịch bằng cách nuôi tôm trong ao sạch bằng nguồn tôm giống khỏe mạnh. Cũng trong năm 2016, chính phủ nước này đã  đưa ra các quy định mới về nuôi tôm chân trắng để khôi phục lại niềm tin về chất lượng và an toàn thực phẩm các sản phẩm tôm từ Thái Lan.

Năm 2016, sản lượng tôm của Thái Lan ước đạt 300.000 tấn, tăng 15% so với năm 2015. Theo dự đoán của Hiệp hội tôm Thái Lan, sản lượng tôm của Thái Lan năm 2017 dự kiến đạt 350.000 tấn, mức cao nhất trong 4 năm sau khi ngành tôm Thái Lan thành công trong việc đẩy lùi dịch EMS và phát triển được nguồn giống chất lượng cao. Theo đó, năm 2017, nước này dự kiến sẽ XK khoảng 230.000-250.000 tấn tôm, tăng 15-19% so với khối lượng XK trong năm 2016.

Nhanhieuviet (Theo Vasep.com.vn)

.
.
.
.
.
.

                             

TRUNG TÂM THÔNG TIN CÔNG NGHIỆP VÀ THƯƠNG MẠI VIỆT NAM - BỘ CÔNG THƯƠNG.

Giấy phép của Bộ Thông tin và Truyền thông số 55/GP-TTĐT, cấp ngày 02/6/2015.
Địa chỉ: 655 Phạm Văn Đồng - Bắc Từ Liêm - Hà Nội.
Điện thoại: 04 3934 1911  -  Email: info@nhanhieuviet.gov.vn