5/16/2019 8:31:00 AM
.

4 nông sản Văn Bàn được cấp chứng nhận nhãn hiệu: Đặc sản địa phương đã tìm được chỗ đứng


Mới đây, 4 nông sản Văn Bàn là “Quế -Cinanmon Lào Cai”, “Măng Văn Bàn”, “Gạo Văn Bàn” và “Hồng không hạt Tân An” đã chính thức được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu. Đây là những bước tiến giúp đặc sản địa phương tìm được chỗ đứng.

Vào sáng ngày 15/5, Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với UBND huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai đã tổ chức Hội nghị công bố và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu cho 4 nông sản trên. 

Với các nhãn hiệu đã được cấp chứng nhận bảo hộ cho các sản phẩm của địa phương, trong thời gian tới, huyện Văn Bàn chỉ đạo sản xuất tập trung để sản phẩm trở thành hàng hóa, góp phần thúc đẩy tăng giá trị, sản phẩm có tính cạnh tranh trên thị trường.

Được biết, tỉnh Lào Cai nằm trong vùng trồng quế lớn của cả nước và đã trở thành vùng quế tiềm năng. Đây là một sản phẩm chủ đạo trong chiến lược phát triển nông nghiệp nói riêng và kinh tế - xã hội nói chung của tỉnh Lào Cai, góp phần nâng cao thu nhập, xóa đói, giảm nghèo cho người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số và phụ nữ vùng cao. 

Nhãn hiệu “Quế - Cinanmon Lào Cai” được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 310981 tại Quyết định số 90615 cho các nhóm sản phẩm: Tinh dầu quế, bột quế (gia vị), vỏ quế tươi. Nhãn hiệu sản phẩm quế Lào Cai được bảo hộ góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, thúc đẩy mở rộng diện tích sản xuất, tạo đầu ra, nâng cao khả năng thương mại hóa, tăng thu nhập cho người dân Lào Cai. Tại hội nghị, 20 hộ dân thuộc xã Nậm Tha (Văn Bàn) đã được Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh trao giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu “Quế - Cinanmon Lào Cai”.

Trong khi đó măng tươi ở Văn Bàn cũng là một đặc sản địa phương nổi tiếng. Măng có vị ngọt đậm vào đầu mùa và chuyển ngăm ngăm đắng khi trời bắt đầu có sấm (sau Tết Nguyên đán). Món ăn được người dân chế biến từ sản phẩm của loại cây rừng này nghe qua cũng đủ thấy hấp dẫn, như măng xào tỏi, măng luộc, nấu canh xương, lá măng dùng làm vỏ cuốn nem…

Trước đây, bà con thường tự phát vào rừng đào măng, nhưng với chủ trương giao đất, giao rừng, nhiều hộ đã đưa cây vầu, cây sặt vào trồng trên diện tích được giao, vừa góp phần phủ xanh đất trống, vừa có thể thu hoạch măng khi đến mùa.

Vì vậy tại hội nghị, UBND huyện Văn Bàn đã công bố quyết định của Cục Sở hữu trí tuệ về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu sản phẩm "Măng Văn Bàn” do Hội Nông dân huyện là chủ giấy chứng nhận. Hội Nông dân huyện Văn Bàn cũng trao Giấy chứng nhận quyền sử dụng các nhãn hiệu “Măng Văn Bàn” cho 15 cá nhân, hộ gia đình trên địa bàn huyện.

Cũng tại hội nghị, 2 sản phẩm khác là "Gạo Văn Bàn" và "Hồng không hạt Tân An" cũng được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu.

Ngoài 4 nông sản trên, huyện Văn Bàn còn có sản phẩm rượu nếp Nậm Cần được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu thông thường; 1 sản phẩm được cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý là gạo nếp Khẩu Tan Đón mang chỉ dẫn địa lý “Thẩm Dương”; còn 2 sản phẩm đã nộp hồ sơ đăng ký nhãn hiệu tập thể đã được Cục Sở hữu trí tuệ tiếp nhận gồm “Tương ớt Khánh Yên Thượng” và “Miến đao Hòa Mạc”.

Nhanhieuviet (Theo Tạp chí Sở hữu Trí tuệ và Sáng tạo)

.
.
.
.

                             

TRUNG TÂM THÔNG TIN CÔNG NGHIỆP VÀ THƯƠNG MẠI VIỆT NAM - BỘ CÔNG THƯƠNG.

Giấy phép của Bộ Thông tin và Truyền thông số 55/GP-TTĐT, cấp ngày 02/6/2015.
Địa chỉ: 655 Phạm Văn Đồng - Bắc Từ Liêm - Hà Nội.
Điện thoại: 04 3934 1911  -  Email: info@nhanhieuviet.gov.vn