5/23/2018 8:23:00 AM
.

Alibaba và những cuộc tranh chấp bản quyền căng thẳng


Alibaba đã không ít lần bị kiện tại Mỹ và Trung Quốc vì vấn đề bản quyền. Ông lớn này cũng từng khởi kiện nhiều công ty khác vì vấn đề liên quan đến luật sở hữu trí tuệ. Dưới đây là những cuộc tranh chấp hàng tỷ đồng của Alibaba.

Đại gia Alibaba bị kiện vì tiếp tay bán hàng giả

Vào tháng 5/2015, các nhãn hiệu thời trang cao cấp như Gucci, Yves Saint Laurent cùng một số thương hiệu khác sở hữu bởi Kering (Pháp) đã đệ đơn kiện "người khổng lồ" trong lĩnh vực thương mại điện tử của Trung Quốc Alibaba lên Tòa án Manhattan (Mỹ) vì đã cho những nhà bán lẻ kinh doanh hàng giả đến khắp nơi trên thế giới thông qua website của mình.

Nhóm các nhà sản xuất cáo buộc Alibaba có dự tính sản xuất, chào bán và tạo điều kiện chuyển giao hàng giả mang các nhãn hiệu của mình mà không được sự cho phép. Và đây cũng là lần thứ hai trong chưa đầy 12 tháng qua, Kering kiện Alibaba với cáo buộc bán các mặt hàng giả mạo.

Đơn kiện cáo buộc Alibaba thông đồng trong việc sản xuất, chào bán và vận chuyển các sản phẩm hàng giả, hàng nhái mang nhãn hiệu của các công ty nguyên đơn, mà không được sự cho phép của các công ty này.

Lá đơn lấy bằng chứng là một chiếc túi Gucci nhái, được một nhà cung cấp Trung Quốc rao bán với giá 2-5 USD mỗi chiếc cho khách mua từ 2.000 chiếc trở lên. Trong khi đó, một chiếc túi Gucci hàng thật được bán lẻ với giá 795 USD.

Alibaba đã khởi kiện hai nhà bán lẻ trên nền tảng thương mại điện tử Taobao

Vào năm 2017, Alibaba đã khởi kiện hai nhà bán lẻ trên nền tảng thương mại điện tử Taobao của mình, vì hành vi bán đồng hồ Swarovski giả. Đây là lần đầu tiên Alibaba phải sử dụng tới biện pháp mạnh tay này, cho thấy quyết tâm chấm dứt vấn nạn hàng giả hàng nhái.

Đây cũng là lần đầu tiên một trang web thương mại điện tử ở Trung Quốc kiện người bán hàng. Alibaba cho biết họ sẽ đòi số tiền bồi thường 1,4 triệu Nhân dân tệ (khoảng 202.000 USD) đối với 2 nhà bán lẻ này.

Trong vụ việc đó, sau khi phát hiện 2 nhà bán lẻ đã đăng tải thông tin của những chiếc đồng hồ Swarovski giả, Alibaba đã thông báo cho phía cảnh sát và cùng hợp tác điều tra. Kết quả, cảnh sát Thâm Quyến đã đột kích vào nơi những kẻ bán hàng giả này đang lẩn trốn và phát hiện 125 chiếc đồng hồ giả. 

Alibaba đệ đơn kiện Alibabacoin do vi phạm nhãn hiệu

Trong đơn khiếu nại nộp tại Tòa án Hoa Kỳ ở Manhattan, Alibaba cho biết việc Alibabacoin sử dụng thương hiệu của mình một cách cố ý và lặp đi lặp lại nhằm gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng, khiến họ nghĩ rằng sản phẩm đến từ Alibabacoin có mối liên kết hoặc được xác nhận bởi nhà bán lẻ trực tuyến Trung Quốc.

Alibaba đã buộc tội Alibabacoin “tận dụng thương hiệu để kiếm lợi" bằng cách sử dụng danh tiếng của hãng vào việc bán đồng tiền kỹ thuật số (crypto). Mặc dù Alibaba nhiều lần tuyên bố "không quan tâm đến việc đầu tư vào đồng tiền crypto", sự nhầm lẫn này đã lan truyền một cách không kiểm soát trên các phương tiện truyền thông. Khiếu nại cũng cho biết Alibabacoin đã "không làm gì để chống lại hoặc sửa chữa sự nhầm lẫn này". Luật sư của Alibaba cũng từ chối bình luận thêm.

Mỹ cáo buộc Alibaba bán hàng giả, hàng vi phạm bản quyền

Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) đã chính thức đưa trang bán hàng trực tuyến Taobao của Alibaba trở lại danh sách “Notorious Markets” (tạm dịch: “Những chợ hàng giả khét tiếng”).

Lí do được USTR đưa ra là bởi số lượng hàng giả, hàng nhái, xâm phạm sở hữu trí tuệ “khổng lồ” được phát hiện trên Taobao.

Alibaba cũng bị ngưng tư cách thành viên của Liên minh Chống hàng giả quốc tế (IACC) do các lo ngại về việc làm giả hàng hóa. Hơn 250 thành viên của IACC đã dọa rời tổ chức này để phản đối quyền thành viên của Alibaba. 

Nhanhieuviet (Theo Tạp chí Sở hữu Trí tuệ và Sáng tạo)

Tin trong ngày
Các tin khác
.
.
.
.

                             

TRUNG TÂM THÔNG TIN CÔNG NGHIỆP VÀ THƯƠNG MẠI VIỆT NAM - BỘ CÔNG THƯƠNG.

Giấy phép của Bộ Thông tin và Truyền thông số 55/GP-TTĐT, cấp ngày 02/6/2015.
Địa chỉ: 655 Phạm Văn Đồng - Bắc Từ Liêm - Hà Nội.
Điện thoại: 04 3934 1911  -  Email: info@nhanhieuviet.gov.vn