2/21/2017 10:40:00 AM
.

APEC 2017: Việt Nam gặp khó khăn nâng cao nhận thức cộng đồng về sở hữu trí tuệ


Ngày 19/2, hơn 100 đại biểu đến từ các nền kinh tế APEC tiếp tục cuộc họp nhóm chuyên gia về Sở hữu trí tuệ.

Ngày 19/2, trong khuôn khổ các hoạt động của Hội nghị lần thứ 1 quan chức cấp cao APEC (SOM1), hơn 100 đại biểu đến từ các nền kinh tế APEC tiếp tục cuộc họp nhóm chuyên gia về Sở hữu trí tuệ.

Đây một trong sáu cuộc họp của các nhóm công tác APEC đã khai mạc từ hôm qua. Đó là: Phát triển nguồn nhân lực; Ứng phó với tình trạng khẩn cấp; Chống tham nhũng và minh bạch hóa; Đối tác chính sách về khoa học, công nghệ và sáng tạo; Nhóm chuyên gia về sở hữu trí tuệ; Nhóm chuyên gia về khai thác gỗ trái phép và thương mại liên quan…

Tại cuộc họp của nhóm chuyên gia về Sở hữu trí tuệ, các đại biểu tập trung đối thoại về chính sách sở hữu trí tuệ và thảo luận các biện pháp nhằm tăng cường tính hiệu quả của hệ thống bảo hộ sở hữu trí tuệ, thực hiện Hiệp định về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ; Nỗ lực triển khai có hiệu quả Kế hoạch hành động tập thể về sở hữu trí tuệ nhằm đạt các mục tiêu của APEC về tự do hóa thương mại và đầu tư vào năm 2020;
Phát triển nguồn nhân lực về sở hữu trí tuệ cho các nền kinh tế đang phát triển và chậm phát triển. Đồng thời, qua đó nâng cao nhận thức của công chúng về sở hữu trí tuệ; Khuyến khích sử dụng, khai thác và thương mại hóa quyền sở hữu trí tuệ.

Đoàn chủ nhà Việt Nam do ông Lê Ngọc Lâm, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ làm Trưởng đoàn đã trình bày 2 nội dung quan trọng, gồm: Quy trình xử lý đơn đăng ký quốc tế nhãn hiệu theo Hệ thống Madrid tại Cục Sở hữu trí tuệ và Hoạt động đổi mới, sáng tạo của Việt Nam.

Ông Lê Ngọc Lâm cho biết, thực hiện chính sách về quyền sở hữu trí tuệ là một trong những vấn đề mà Chính phủ và các doanh nghiệp Việt Nam rất quan tâm, đẩy mạnh hoạt động đổi mới sáng tạo về mặt kỹ thuật để giúp cho hoạt động kinh doanh phát triển mạnh mẽ, tạo sức cạnh tranh đối với các sản phẩm ngoại nhập.

Phía Việt Nam cũng chia sẻ với đại biểu của các nền kinh tế thành viên quy trình xử lý đơn đăng ký quốc tế nhãn hiệu theo Hệ thống Madrid tại Cục Sở hữu trí tuệ, nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nước ngoài đăng ký nhãn hiệu trong nước cũng như các doanh nghiệp Việt Nam khi đăng ký nhãn hiệu ở nước ngoài. 

Tuy vậy, Việt Nam cũng đang gặp nhiều khó khăn trong nâng cao nhận thức của xã hội, của công chúng, doanh nghiệp và người dân về quyền sở hữu trí tuệ, tôn trọng cũng như hiểu biết về quyền sở hữu trí tuệ để khai thác tài sản sở hữu trí tuệ cho hoạt động của mình.

Ông Lê Ngọc Lâm, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ cho biết: "Trong bối cảnh về các nguyên tắc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ ngày càng được nâng cao sẽ gây nên những khó khăn cho xã hội chúng ta. Những biện pháp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ ngày càng cao như thế này, yêu cầu người dân phải tuân thủ. Đó là những khó khăn. Nhưng mặt khác nó tạo những điều kiện thuận lợi, môi trường pháp lý rất vững mạnh cho các nhà sáng tạo nhằm bảo vệ sự sáng tạo; trong đó có những người sáng của trong nước của chúng ta"./.

Nhanhieuviet (Theo vov.vn)

.
.
.
.

                             

TRUNG TÂM THÔNG TIN CÔNG NGHIỆP VÀ THƯƠNG MẠI VIỆT NAM - BỘ CÔNG THƯƠNG.

Giấy phép của Bộ Thông tin và Truyền thông số 55/GP-TTĐT, cấp ngày 02/6/2015.
Địa chỉ: 655 Phạm Văn Đồng - Bắc Từ Liêm - Hà Nội.
Điện thoại: 04 3934 1911  -  Email: info@nhanhieuviet.gov.vn