1/13/2020 8:44:00 AM
.

Bắc Ninh: Bảo hộ nhãn hiệu cho nhiều đặc sản làng nghề


UBND huyện Thuận Thành, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bắc Ninh đã phối hợp với UBND huyện Thuận Thành tổ chức Hội nghị công bố văn bằng bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận và nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm làng nghề của huyện Thuận Thành (Bắc Ninh).

Tại buổi lễ, Ban tổ chức trao các nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm “Nem Bùi, Ninh Xá, Thuận Thành”, “Đậu Trà Lâm, Trí Quả, Thuận Thành”, “Tương Đình Tổ, Thuận Thành” và nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm “Đồ gỗ mỹ nghệ Bình Cầu, Hoài Thượng, Thuận Thành”.

Được biết, nghề làm đậu Trà Lâm (xã Trí Quả, huyện Thuận Thành) ra đời từ khoảng năm 1640. Đến nay, nghề làm đậu được nhiều thế hệ người dân kế tục. Đậu Trà Lâm có vị ngọt bùi, màu trắng ngà, mềm mại, khi ăn thường chấm với nước mắm. Hiện nay, thôn Trà Lâm có 320/624 hộ trực tiếp làm đậu, giải quyết nhu cầu cho hơn 700 lao động, với mức thu nhập trung bình trên 3 triệu đồng/người/tháng.

Nghề làm tương Đình Tổ (xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành) có hàng trăm năm. Tương Đình Tổ khác với các tương khác do nguyên liệu chính là ngô, đỗ tương và gạo nếp cái hoa vàng, được ủ và lên men tự nhiên nên tạo nên hương vị riêng. Tương Đình Tổ có màu đỏ nâu, sánh mịn đặc, có mùi thơm đậm đà với vị ngọt bùi tự nhiên từ ngô và gạo nếp cái hoa vàng lên men và vị béo của đậu tương. Hiện nay, trong thôn có 10 hộ làm tương để bán ra thị trường.

Nghề làm nem Bùi (xã Ninh Xá, huyện Thuận Thành) ra đời cách ngày nay hơn 100 năm. Trải qua thời gian thăng trầm, món nem đã trở thành một sản phẩm đặc trưng của huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Nem Bùi có hương vị nổi bật bởi sự kết hợp của vị ngọt béo từ thịt, vị bùi của thính rang và vị chát của lá sung tươi, kết hợp với nước chấm cay. Hiện nay, trong thôn có 250 hộ làm nem Bùi, trong đó có khoảng 70 hộ làm nghề thường xuyên.

Nghề điêu khắc gỗ thôn Bình Cầu (xã Hoài Thượng, huyện Thuận Thành) ra đời cách ngày nay khoảng 200 năm. Sản phẩm chính của làng nghề là các loại đồ thờ: hoành phi, câu đối, cuốn thư… Ngoài ra, các xưởng sản xuất đồ gỗ trong địa phương cũng làm thêm các sản phẩm đồ gia dụng. Điểm nổi bật sản phẩm gỗ Bình Cầu là màu sơn thiếp trên chất liệu gỗ dổi, mít, gỗ vàng tâm. Trong thôn hiện có 142 hộ tham gia các công đoạn cung ứng nguyên liệu, tạo ra và tiêu thụ sản phẩm, trong đó có 35 hộ trực tiếp làm nghề, giải quyết nhu cầu việc làm cho hơn gần 200 lao động, với mức thu nhập trung bình 6 triệu đồng/người/tháng.

Việc bảo hộ nhãn hiệu cho các sản phẩm làng nghề giúp đẩy mạnh việc xây dựng uy tín của sản phẩm trên thị trường, tăng cường quản lý chất lượng sản phẩm, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, phát triển làng nghề trên địa bàn huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.

Nhanhieuviet (Theo Tạp chí Sở hữu Trí tuệ và Sáng tạo)

.
.
.
.

                             

TRUNG TÂM THÔNG TIN CÔNG NGHIỆP VÀ THƯƠNG MẠI VIỆT NAM - BỘ CÔNG THƯƠNG.

Giấy phép của Bộ Thông tin và Truyền thông số 55/GP-TTĐT, cấp ngày 02/6/2015.
Địa chỉ: 655 Phạm Văn Đồng - Bắc Từ Liêm - Hà Nội.
Điện thoại: 04 3934 1911  -  Email: info@nhanhieuviet.gov.vn