9/17/2020 8:53:00 AM
.

Bảo hộ nhãn hiệu lê Đông Khê, Cao Bằng: Gìn giữ nguồn giống bản địa


Việc bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận lê Đông Khê, huyện Thạch An (Cao Bằng) đã giúp bảo tồn nguồn giống bản địa, đồng thời quảng bá thương hiệu sản phẩm đến đông đảo người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.

Lê Đông Khê luôn là niềm tự hào của người dân Cao Bằng, nổi tiếng với vị ngọt thơm đặc trưng. Loại quả này được coi là sản vật quý nơi núi rừng tây bắc. Năm 2012, lê Đông Khê lọt vào top 50 trái cây nổi tiếng của Việt Nam do Tổ chức Kỷ lục Việt Nam bình chọn. 

Giống cây này cho trái to, khi ăn cảm nhận được vị ngọt thanh thường được chế biến ra nhiều sản phẩm như bánh mứt kẹo, làm ô mai, ngâm rượu, nước giải khát... Với giá bán từ 60.000 - 70.000 đồng/kg, trái lê Đông Khê giúp người dân nâng cao đời sống và trở thành cây trồng chủ lực.

Ở Cao Bằng, cây lê được trồng nhiều tại các huyện Thạch An, Trà Lĩnh, Bảo Lạc, Nguyên Bình, Hà Quảng… Vùng nổi tiếng nhất và cho ra loại quả thơm ngon nhất là ở huyện Thạch An. 

Huyện Thạch An có gần 90 ha lê giống địa phương, với khoảng 3,6 vạn cây được trồng chủ yếu ở các xã Lê Lai, Lê Lợi, Đức Long, Vân Trình và thị trấn Đông Khê; riêng vùng trồng tập trung 40 ha tại 2 xã Đức Long, Lê Lợi. Đến nay đã mở rộng diện tích trồng tại 11 xã, thị trấn.

Tuy nhiên, loại trái cây này đang đứng trước nguy cơ mai một, với diện tích trồng khiêm tốn và tỷ lệ cây cho hạt chất lượng chỉ chiếm khoảng 20% tổng số cây; 80% số cây đã già, thoái hóa, không ra quả. Thời tiết khắc nghiệt cũng ảnh hưởng đến tỷ lệ ra quả của lê Đông Khê.

Nhận thấy tiềm năng phát triển rất lớn nhưng diện tích và năng suất sản phẩm còn thấp, huyện Thạch An đã xây dựng Đề án phát triển sản xuất bền vững cây lê Đông Khê giai đoạn 2017 – 2020, nhằm bảo tồn nguồn gen quý của loại quả này. Theo đó, huyện đã chủ động phối hợp với Viện Nghiên cứu Rau quả triển khai xây dựng vườn ươm, ghép giống lê địa phương, số lượng 15.000 cây giống để cung ứng giống cây trồng cho người dân. Cùng với đó, xây dựng các mô hình điểm, áp dụng kỹ thuật công nghệ vào sản xuất, chuyển giao khoa học, kỹ thuật trồng để người dân trên địa bàn được tham gia tập huấn kỹ thuật áp dụng vào trồng và chăm sóc cây lê đạt hiệu quả. Ngoài ra, huyện cũng phối với các doanh nghiệp, hợp tác xã bao tiêu sản phẩm cho người dân, quy hoạch vùng phát triển sản xuất cây lê, diện tích quy hoạch lên tới 60 ha (tương đương 30.000 cây).

Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền hướng dẫn các hộ sản xuất lê Đông Khê theo quy trình, công cụ và biện pháp kỹ thuật thâm canh. Người dân trên địa bàn huyện sản xuất và áp dụng khoa học, kỹ thuật vào phục tráng giống, tạo giống, nhằm nâng cao giá trị sản phẩm. Bên cạnh đó, tạo điều kiện để doanh nghiệp kết nối, đồng hành và hỗ trợ các hộ nông dân sản xuất; tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm mở rộng thị trường tiêu thụ…

Mới đây, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Cao Bằng đã trao giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu lê Đông Khê. Giấy chứng nhận được trao cho Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng. Danh mục hàng hóa mang nhãn hiệu thuộc nhóm 31: Quả lê tươi (quả lê được sản xuất từ giống lê vàng Đông Khê)…

Theo mô tả, nhãn hiệu chứng nhận có nguồn gốc địa lý là giống lê vàng Đông Khê được trồng tại 10 xã (gồm xã Đức Long, Đức Xuân, Lê Lai, Lê Lợi, Danh Sỹ, Vân Trình, Thái Cường, Trọng Con, Thị Ngân, Thị Hùng) và  thị trấn Đông Khê, huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng.

Nhãn hiệu chứng nhận có quả hình cầu, tròn đều, một số ít hơi dẹt hoặc cao thành; vỏ quả khi chín có những đốm nâu sẫm trên nền nâu vàng hoặc nâu phớt xanh; chiều cao quả từ 65 - 72 mm; khối lượng quả trung bình 280 - 400g, tối đa không quá 1,2 kg. Quả có vị ngọt, chát, chua và có hương thơm tự nhiên…

Việc đăng ký bảo hộ NHCN lê Đông Khê là giải pháp quan trọng nhằm bảo tồn nguồn giống bản địa, nâng cao giá trị, quảng bá sản phẩm, từ đó thay đổi nhận thức quản lý, trồng, chăm sóc, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm lê Đông Khê; đưa cây lê trở thành cây chủ lực, tạo sinh kế bền vững cho người dân, duy trì cây đặc sản của địa phương, góp phần giảm nghèo và từng bước phát triển bền vững. Qua đó, thúc đẩy hiệu quả Chương trình tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới của huyện, Đề án nông nghiệp thông minh của tỉnh.

Nhanhieuviet (Theo Tạp chí Sở hữu Trí tuệ và Sáng tạo - Link gốc)

.
.
.
.

                             

TRUNG TÂM THÔNG TIN CÔNG NGHIỆP VÀ THƯƠNG MẠI VIỆT NAM - BỘ CÔNG THƯƠNG.

Giấy phép của Bộ Thông tin và Truyền thông số 55/GP-TTĐT, cấp ngày 02/6/2015.
Địa chỉ: 655 Phạm Văn Đồng - Bắc Từ Liêm - Hà Nội.
Điện thoại: 04 3934 1911  -  Email: info@nhanhieuviet.gov.vn