11/25/2019 1:57:00 PM
.

Blizzard và hành trình tranh chấp bản quyền game bom tấn


Blizzard đã không ít lần phải đưa những vụ tranh chấp bản quyền game ra tòa. Mới đây, công ty phát triển và phát hành trò chơi nổi tiếng nước Mỹ đã thắng kiện một đơn vị liên quan đến việc vi phạm bản quyền game Overwatch.

Blizzard thắng kiện bản quyền công ty Trung Quốc

Theo báo cáo của Shine, tòa án nhân dân khu vực Pudong đã đưa ra phán quyết rằng các tựa game của 4399 Network đã vi phạm bản quyền các yếu tố thuộc tựa game Overwatch bao gồm thiết kế nhân vật, lối chơi và bản đồ.

Trò chơi di động Clash of Fighters của nhà phát hành Trung Quốc 4399 Network và tựa game trực tuyến Gunplay Battlefront đều bị phát hiện vi phạm bản quyền trò chơi của Blizzard.

Sau quá trình điều tra, đấu tranh và kiên trì tìm kiếm sự công bằng, Blizzard đã thắng kiện công ty 4399. Công ty vi phạm bản quyền đã phải đền bù số tiền 4 triệu Nhân dân tệ, tương đương 569.000 USD (trong số đó có chia cho NetEase – công ty cũng tham gia khởi kiện 4399).

Trước khi chịu phán quyết của tòa án, 4399 Network lập luận rằng Blizzard không sở hữu các yếu tố đó nên không thể đòi quyền lợi và việc khởi kiện là vô căn cứ. Đồng thời hãng này tuyên bố các sản phẩm của họ là tự phát triển từ các ý tưởng chính họ nghĩ ra. Tuy nhiên, mọi kháng cáo đều không có giá trị và bị bác bỏ.

Blizzard đưa Sina Games ra tòa vì tranh chấp bản quyền World of WarCraft

Vào tháng 8/2019, Blizzard Entertainment cũng đệ đơn kiện lên một tòa án tại bang California, cáo buộc tựa game có tên Glorious Saga đã "sao chép gần như toàn bộ từ trò chơi Warcraft và các sản phẩm liên quan". Đây là một tựa game di động miễn phí thuộc thể loại chiến thuật do Sina Games (Trung Quốc) phát hành trên toàn cầu, với mức doanh thu hàng tháng được đánh giá là cực lớn. 

Trong đơn kiện được gửi lên tòa án, cha đẻ của World of WarCraft đã đề nghị tòa ra lệnh ngăn chặn hành vi "xâm phạm và gây thiệt hại nghiêm trọng và không thể khắc phục được đối với Blizzard và công việc kinh doanh của hãng", theo Polygon.

Bên cạnh đó, Blizzard đề nghị mức bồi thường 150.000 USD cho mỗi trường hợp vi phạm, cũng như bên bị cáo phải chịu các phí tổn cho luật sư và các chi phí phát sinh trong quá trình kiện cáo.

Theo các luật sư của Blizzard, Sina Games đã thu hút hàng ngàn người tải xuống và kiếm được rất nhiều tiền từ tựa game đạo nhái này.

Ngoài việc ăn cắp các thiết kế độc quyền, rất nhiều chi tiết khác như tên nhân vật, nhạc nền cũng bị Sina Games sao chép trắng trợn. “Mỗi con quái, sinh vật và cả phương tiện di chuyển trong Glorious Saga đều nhại theo series Warcarft. Vũ khí, bùa hộ mệnh, các vật phẩm khác được lấy thẳng từ tựa game của chúng tôi mà không thèm chỉnh sửa. Nhạc nền, hiệu ứng âm thanh cũng vậy”. Ngay cả icon của game cũng là hình ảnh một bên là phe con người, một bên là sinh vật Orc đang gầm gừ với nhau, giống y như Warcraft. Theo Blizzard, việc Sina Games sử dụng các tài nguyên của Warcraft là “cố tình và có chủ đích”.

Blizzard tố Dota truyền kỳ vi phạm bản quyền

Năm 2015, công ty game bom tấn Blizzard Entertainment, Inc cũng đã công bố một văn bản nói rằng game mobile top 1 doanh thu ở Trung Quốc và đang được phát hành tại Việt Nam là DoTa Truyền Kỳ chưa hề tiếp nhận bản quyền từ phía Blizzard, qua đó vi phạm sao chép nhiều nhân vật và bối cảnh trong hai sản phẩm Warcraft và World of Warcraft. Vì vậy, Blizzard chính thức khởi tố vụ kiện vi phạm luật bản quyền và luật thương hiệu này tới các công tố viên ở Đài Bắc.

Ông Paul Sam, COO của Blizzard Entertainment, phát biểu: “Blizzard nhấn mạnh rằng ‘DoTa Truyền Kỳ’ đã xâm hại tới bản quyền thương hiệu của ‘Warcraft’ và ‘World of Warcraft’, và sẽ thông qua pháp luật để bảo vệ quyền lợi bản thân. Trong vai trò là một công ty nghiên cứu phát triển nội dung, tự bảo vệ bản quyền trí tuệ là một công việc rất quan trọng, chúng tôi sẽ duy trì cố gắng theo đuổi vụ kiện này ở khu vực có luật pháp phù hợp Đài Loan và nhiều khu vực khác trên thế giới, bảo vệ bản quyền trí tuệ của mình khỏi bị xâm hại. Vì các bạn đồng nghiệp mà tạo nên môi trường ngành game lành mạnh, nhấn mạnh tính quan trọng của việc bảo vệ bản quyền trí tuệ".

Nhanhieuviet (Theo Tạp chí Sở hữu Trí tuệ và Sáng tạo)

Tin trong ngày
Các tin khác
.
.
.
.

                             

TRUNG TÂM THÔNG TIN CÔNG NGHIỆP VÀ THƯƠNG MẠI VIỆT NAM - BỘ CÔNG THƯƠNG.

Giấy phép của Bộ Thông tin và Truyền thông số 55/GP-TTĐT, cấp ngày 02/6/2015.
Địa chỉ: 655 Phạm Văn Đồng - Bắc Từ Liêm - Hà Nội.
Điện thoại: 04 3934 1911  -  Email: info@nhanhieuviet.gov.vn