5/5/2020 2:26:00 PM
.

Cái giá phải trả khi doanh nghiệp “thờ ơ” với đăng ký nhãn hiệu


Mặc dù doanh nghiệp nào cũng hiểu tầm quan trọng của nhãn hiệu, tài sản trí tuệ nhưng hiện nay vẫn còn không ít doanh nghiệp thờ ơ với việc đăng ký, bảo hộ nhãn hiệu và dẫn tới hậu quả nghiêm trọng.

Theo số liệu của Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), Việt Nam đã có 35 năm phát triển sở hữu trí tuệ (SHTT) nhưng đến nay, khung pháp lý cho SHTT vẫn chưa đến được với tất cả doanh nghiệp (DN).

Trong nhiều năm qua, câu chuyện về kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam bị đánh cắp trên thị trường quốc tế diễn ra khá phổ biến.

Để xảy ra tình trạng này là do các DN Việt Nam có tài sản sở hữu trí tuệ song lại chưa quan tâm hoặc không quan tâm nhiều, hay có quan tâm nhưng mức độ quan tâm chưa thỏa đáng về sở hữu trí tuệ. Điều này đã gây ra vấn đề lớn và DN phải trả giá đắt bằng việc bị đánh cắp kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu của mình.

Đánh giá về vấn đề này, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết: Hiện nay, Việt Nam đã có những cam kết rất cao thậm chí là cao nhất liên quan đến sở hữu trí tuệ. Điều này được thể hiện ở việc Việt Nam đã trở thành thành viên của các hệ thống sở hữu trí tuệ mang tính cốt lõi của thế giới như Công ước Paris, Công ước Rome, Công ước Berne, Công ước Stockholm, và hiện nay Việt Nam đang trong quá trình gia nhập công ước La Hay về đăng ký kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu cho DN Việt Nam.

Trong bối cảnh mới khi thế giới đang tiến tới nền kinh tế tri thức, kinh tế số, kinh tế thông minh, việc tuân thủ các cam kết về sở hữu trí tuệ, đặc biệt là kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu của DN là việc làm rất cần thiết, Chính sự quan tâm không thỏa đáng của DN đã gây ra những vấn đề lớn và DN Việt phải trả giá rất đắt. Việc những thương hiệu Việt bị đánh cắp trên thế giới đã và đang diễn ngày càng nhiều, gây ra những tổn hại rất lớn cho DN.

Thực tế cho thấy, nhiều nhãn hiệu hàng hóa Việt Nam nổi tiếng đã bị các thương gia nước ngoài “đánh cắp” và tiến hành đăng ký bảo hộ ở nước ngoài để sử dụng cho hàng hóa của họ lưu thông trên thương trường quốc tế, có thể kể đến như: Kẹo dừa Bến Tre; Cà phê Trung Nguyên; Cà phê Buôn Ma Thuột; Nước mắm Phú Quốc; Sản phẩm Vifon… Khi các DN Việt Nam tiến hành các biện pháp đòi lại gặp rất nhiều gian nan, trong nhiều trường hợp không thể đòi lại được.

Bảo hộ kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu cho DN Việt Nam là một trong những tiêu chuẩn quan trọng của quá trình hội nhập. Đây cũng chính là nội dung được quan tâm nhiều nhất trong các hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là các hiệp định tự do thương mại thế hệ mới.

Nhanhieuviet (Theo Tạp chí Sở hữu Trí tuệ và Sáng tạo - Link gốc)

.
.
.
.

                             

TRUNG TÂM THÔNG TIN CÔNG NGHIỆP VÀ THƯƠNG MẠI VIỆT NAM - BỘ CÔNG THƯƠNG.

Giấy phép của Bộ Thông tin và Truyền thông số 55/GP-TTĐT, cấp ngày 02/6/2015.
Địa chỉ: 655 Phạm Văn Đồng - Bắc Từ Liêm - Hà Nội.
Điện thoại: 04 3934 1911  -  Email: info@nhanhieuviet.gov.vn