11/14/2017 8:40:00 AM
.

Cam Lạc Thủy được cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể


Lễ công bố đón nhận văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể Cam Lạc Thủy vừa được diễn ra tại sân vận động xã Cố Nghĩa, huyện Lạc Thủy, Hòa Bình. Tại buổi lễ còn có hội chợ cam 2017 với 60 gian hàng trưng bày sản phẩm cam và các nông sản đặc trưng của huyện.

Tại Hòa Bình, ngoài cam Cao Phong nức tiếng gần xa thì người dân nơi đây còn tự hào với giống cam Lạc Thủy. Loại cam này quả to, đều 4-5 quả/1kg, nhiều nước, ngọt và có mùi thơm mát.

Tuy nhiên do cam Lạc Thủy chưa được cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể nên người dân gặp nhiều khó khăn trong việc buôn bán cam, cam chưa được giá. Vì vậy mới đây, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH và CN) đã công nhận nhãn hiệu tập thể “Cam Lạc Thủy”.

Được biết, huyện Lạc Thủy vốn có lợi thế về thổ nhưỡng và chất đất, cây cam là cây trồng thế mạnh. Sau khi có định hướng chung của huyện về phát triển cây ăn quả có múi, đến nay, toàn huyện đã có gần 1.000 ha diện tích cây có múi. Trong đó, diện tích cam chiếm 67%. Chủ yếu là cam xã đoài, cam V2, cam đường canh. Năng suất đạt từ 25 đến 30 tấn/ha, tổng sản lượng đạt gần chín nghìn tấn. Doanh thu từ 500 đến 600 triệu/ ha. Những vùng cam rộng lớn nhất của Lạc Thủy phải kể đến xã Liên Hòa có 214 ha, xã Phú Thành 286 ha, thị trấn Thanh Hà 140 ha, Thanh Nông 50 ha, Phú Lão 40 ha. 

Các hộ trồng cam ở Lạc Thủy đều áp dụng quy trình chăm sóc, sử dụng các chế phẩm sinh học, bón phân hữu cơ trộn với vôi, đảm bảo an toàn thực phẩm, không gây ô nhiễm môi trường.

Sản phẩm Cam Lạc Thủy là nhãn hiệu tập thể đầu tiên trên địa bàn huyện được đón nhận văn bằng bảo hộ. Đây là tiền đề để huyện Lạc Thủy tiếp tục xây dựng và phát triển một số mặt hàng nông sản có thế mạnh của địa phương.

Phát biểu tại buổi lễ công bố đón nhận văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể Cam Lạc Thủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình Nguyễn Văn Quang nhấn mạnh, bảo hộ nhãn hiệu tập thể “Cam Lạc Thủy” là cơ hội lớn để huyện Lạc Thủy giới thiệu, quảng bá sản phẩm. Tuy nhiên, để bảo vệ và phát triển bền vững thương hiệu cam Lạc Thủy, trong thời gian tới, huyện Lạc Thủy cần chú trọng việc ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất, phát triển diện tích với quy mô tập trung, làm tốt công tác quy hoạch vùng và tuyển chọn giống đảm bảo chất lượng. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá sản phẩm; liên kết xây dựng, hình thành các chuỗi tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt, phải xử lý nghiêm các vi phạm về buôn bán cam không rõ nguồn gốc.

Cũng trong buổi lễ, huyện Lạc Thủy đã tổ chức hội chợ cam năm 2017 với 60 gian hàng trưng bày sản phẩm cam và các nông sản đặc trưng của huyện. Các chủ vườn đã nhân cơ hội này để giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.

Nhanhieuviet (Theo Tạp chí Sở hữu Trí tuệ và Sáng tạo)

.
.
.
.

                             

TRUNG TÂM THÔNG TIN CÔNG NGHIỆP VÀ THƯƠNG MẠI VIỆT NAM - BỘ CÔNG THƯƠNG.

Giấy phép của Bộ Thông tin và Truyền thông số 55/GP-TTĐT, cấp ngày 02/6/2015.
Địa chỉ: 655 Phạm Văn Đồng - Bắc Từ Liêm - Hà Nội.
Điện thoại: 04 3934 1911  -  Email: info@nhanhieuviet.gov.vn