7/19/2019 7:57:00 AM
.

Chỉ dẫn địa lý giúp giá thanh long Bình Thuận tăng cao, vươn ra thị trường quốc tế


Việc được bảo hộ chỉ dẫn địa lý đã giúp thanh long Bình Thuận có cơ hội được xuất khẩu đi các thị trường quốc tế khó tính đồng thời giá trị cũng tăng cao.

Theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bình Thuận, trung bình giá bán của nông dân từ tháng 1 – 6/2019 khoảng 16.600 đồng/kg. Dự kiến 6 tháng cuối năm, giá thanh long sẽ tăng cao hơn.

Kết quả khảo sát thực tế nông dân cho thấy đa số nông dân cho biết giá bán thanh long năm nay cao hơn năm ngoái 2.000-3.000đ/kg.

Ông Phan Văn Tấn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNN tỉnh Bình Thuận cho biết, thanh long chính vụ tại tỉnh năm nay được giá hơn các năm là do hai yếu tố: chỉ dẫn địa lý và chất lượng trái thanh long tăng cao.

Theo ông Tấn, chỉ dẫn địa lý được bảo hộ có vai trò và ý nghĩa rất quan trọng trong việc phát triển thanh long. Các doanh nghiệp được trao quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý hiểu rõ chỉ dẫn địa lý nhằm phục vụ cho lợi ích doanh nghiệp, nhà sản xuất, góp phần giữ vững uy tín sản phẩm truyền thống của tỉnh. Đặc biệt, trên các thị trường xuất khẩu, chỉ dẫn địa lý chính là yếu tố khẳng định vị thế của thanh long Việt Nam về chất lượng so với các nước khác trên thế giới.

Tỉnh Bình Thuận đã có chỉ dẫn địa lý cho trái thanh long với nhãn hiệu “Bình Thuận Dragon Fruit và hình ảnh trái thanh long” sang 14 nước và vùng lãnh thổ có thị trường tiềm năng. Đến nay đã có 12 nước và vùng lãnh thổ đồng ý bảo hộ nhãn hiệu, dưới hình thức nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể như: Mỹ, Anh, Hà Lan, Đức, Nhật Bản...

Tỉnh Bình Thuận đã cấp chỉ dẫn địa lý “Thanh long Bình Thuận” cho 83 tổ chức, cá nhân sản xuất thanh long trên địa bàn. Đồng thời, Hiệp hội thanh long Bình Thuận còn hỗ trợ kinh phí cho sáu doanh nghiệp dán 40 triệu tem chỉ dẫn địa lý Bình Thuận lên trái thanh long khi lưu thông trên thị trường trong và ngoài nước.

Ngoài ra từ năm 2018, Trung Quốc yêu cầu áp dụng truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm nhập khẩu, cụ thể trên bao bì phải có mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói. Để đáp ứng yêu cầu trên, Cục Bảo vệ thực vật đã tiến hành cấp trên 1.200 mã số vùng trồng và 564 nhà đóng gói và tiếp tục cập nhật theo yêu cầu của các địa phương.

Bình Thuận là khu vực có diện tích sản xuất thanh long lớn nhất so với cả nước, đạt trên 26.500ha, sản lượng thu hoạch trên 500.000 tấn/năm. Trong đó, hơn 10.000ha thanh long được cấp chứng nhận VietGap; gần 1.500ha đã được xác nhận mã số vùng trồng đủ tiêu chuẩn xuất khẩu vào thị trường Mỹ, 262ha được cấp chứng nhận GlobalGap...

Hiện nay, thanh long được trồng trên 10 huyện, thị xã, thành phố tại Bình Thuận; tập trung trồng nhiều tại huyện Hàm Thuận Nam (12.497ha), Hàm Thuận Bắc (8.970ha) và Bắc Bình (4.060ha).

Nhanhieuviet (Theo Tạp chí Sở hữu Trí tuệ và Sáng tạo)

Tin trong ngày
Các tin khác
.
.
.
.

                             

TRUNG TÂM THÔNG TIN CÔNG NGHIỆP VÀ THƯƠNG MẠI VIỆT NAM - BỘ CÔNG THƯƠNG.

Giấy phép của Bộ Thông tin và Truyền thông số 55/GP-TTĐT, cấp ngày 02/6/2015.
Địa chỉ: 655 Phạm Văn Đồng - Bắc Từ Liêm - Hà Nội.
Điện thoại: 04 3934 1911  -  Email: info@nhanhieuviet.gov.vn