4/2/2021 12:41:00 PM
.

Nike: Tên tuổi gắn liền với những vụ chống vi phạm bản quyền đình đám


Suốt hàng thập kỷ qua, Nike đã ngày càng lớn mạnh và “bành trướng” thương hiệu của mình. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc Nike là một trong những thương hiệu bị đạo nhái nhiều nhất và vướng vào nhiều vụ kiện bản quyền.

Nike tố “Đôi giày của quỷ” vi phạm nhãn hiệu

Nike, gã khổng lồ ngành giày thể thao của Mỹ đã gửi đơn kiện công ty MSCHF Product Studio có trụ ở đặt tại New York (Mỹ) vì vi phạm thương hiệu trong mẫu giày Santa mới nhất.

Theo thông tin ghi nhận từ TMZ, Nike đã có hành động chống lại MSCHF vì công ty này in logo đặc trưng của Nike lên mẫu giày Santan hay còn gọi là “đôi giày máu” trong lần hợp tác gần đây nhất với nam rapper người Mỹ Lil Nas.

Đôi giày có in hình ngôi sao năm cánh, biểu tượng của Cơ đốc giáo thời cổ đại và được những người theo đạo Satan ngày nay sử dụng. MSCHF cũng cho biết trong mỗi chiếc giày đều có chứa một giọt máu và được bán ra thị trường với số lượng có hạn, chỉ 666 đôi.

Truyền thông Mỹ ghi nhận, MSCHF đã mở bán trực tuyến 666 đôi giày Satan với giá 1.018 USD/đôi và cháy hàng trong vòng chưa đầy 1 phút. Rapper Lil Nas X cho biết sẽ chọn ngẫu nhiên một người sở hữu đôi giày Satan cuối cùng trong số những người chia sẻ bài viết của anh trên Twitter.

Theo thông tin từ Nike, MSCHF đã mua lại mẫu giày Nike Air Max 97 và tự ý điều chỉnh thiết kế thành chủ đề ma quỷ với tên gọi ‘giày của Satan’, kèm theo một dòng Kinh thánh về sự sụp đổ của Satan cùng với một giọt máu người, được cho là máu của nhân viên công ty MSCHF.

Chiếc giày Satan đã gây ra sự phẫn nộ trong thế giới thể thao. Trevor Lawrence và Nick Young, hai cầu thủ nổi tiếng cũng đã tỏ sự phẫn nộ với sản phẩm ‘đôi giày của quỷ’. Young cho biết: “Tôi sẽ cân nhắc về việc liệu có nên tiếp tục sử dụng các sản phẩm đến từ hãng Nike hay không nếu việc mỗi đôi giày Satan đều chứa một giọt máu là thật”.

Nike cho biết người tiêu dùng hiện đang có sự nhầm lẫn do có sự xuất hiện của logo Swoosh, một biểu tượng đặc trưng của Nike trên ‘đôi giày máu’. Khách hàng cho rằng Nike đã cấp phép sản xuất giày Satan. Chính điều này đã dẫn tới những lời kêu gọi tẩy chay sản phẩm đến từ công ty sản xuất giày thể thao hàng đầu tại Mỹ nhằm phản đối giày Satan của MSCHF.

Trong đơn kiện nộp lên Toà án liên bang New York, Nike khẳng định họ chưa từng cho phép cũng như không liên quan tới dự án giày Satan này.

Nike giành chiến thắng trong vụ kiện bản quyền logo "Jumpman" với một nhiếp ảnh gia

Được biết, hình ảnh phóng khoáng và mạnh mẽ của “The Jumpman” xuất hiện lần đầu tiên trên những đôi giày Air Jordan III vào năm 1988 và gây dựng nên một đế chế thực sự của đôi sneaker kinh điển này. Đương nhiên, ai cũng biết, logo này mô phỏng bước chân thần kỳ của huyền thoại bóng rổ Michael Jordan.

Nike đã từng tham vọng đồng nhất các logo trên các sản phẩm của họ, tuy nhiên chưa một hình ảnh nào có thể xóa được “The Jumpman” trên những phiên bản Air Jordan cho đến thời điểm này.

Mặc dù vậy logo này cũng đã gây rắc rối cho Nike suốt thời gian dài vừa qua.

Cụ thể, nhiếp ảnh gia Rentmeester đã cáo buộc Nike ăn cắp bản quyền. Người đàn ông này cho rằng Nike đã tạo ra logo "Jumpman" từ một bức ảnh anh ta chụp Michael Jordan thuở còn làm tân binh cho Chicago Bulls vào năm 1984.

Trong bức ảnh được ghi lại bởi Rentmeester, Michael Jordan đã bật rất cao trong tư thế mang tính biểu tượng, phía sau là bầu trời Chicago. Dù đã được Nike trả 15.000 USD cho bức ảnh này vào năm 1985, nhiếp ảnh gia tuyên bố rằng việc tạo ra logo "Jumpman" của Nike đã vi phạm những thỏa thuận ban đầu của họ.

Năm 2018, Tòa Phúc thẩm Liên Bang Hoa Kỳ Khu Vực 9 (Ninth U.S. Circuit Court of Appeals) đã đưa ra phán quyết cuối cùng, đó là logo Jumpman của Nike không giống với bức ảnh của Rentmeester dựa trên những quy định của luật bản quyền.

Qua hình ảnh có thể thấy, logo của Nike không có nền, ánh sáng và các yếu tố thị giác khác như bức ảnh chụp Michaerl Jordan của nhiếp ảnh gia Rentmeester.

"Chúng tôi rất vui mừng vì Tòa Phúc thẩm đã khẳng định tuyên bố của ông Rentmeester là không có giá trị. Một chiến thắng thực sự cho Jumpman, biểu tượng này sẽ tiếp tục truyền cảm hứng cho các vận động viên để đạt được tiêu chuẩn cao hơn của sự vĩ đại." Đại diện của Nike tuyên bố sau phiên tòa.

Nike chiến thắng trong vụ kiện giành bản quyền logo “Klaw”

Ngôi sao của đội bóng rổ nhà nghề Mỹ Los Angeles Clippers đã bị tòa án xử thua trong vụ kiện vi phạm bản quyền logo “Klaw” với gã khổng lồ đồ thể thao Nike.

Vụ việc bắt dầu vào năm 2011, khi Leonard còn hợp tác với Nike, anh đã chia sẻ 1 ý tưởng logo ’Klaw’, sau đó, đội ngũ của hãng sản xuất này đã thiết kế, sửa đổi logo dựa trên bản phác thảo của nam cầu thủ. Sau đó logo được cả hai bên xác nhận và cùng sử dụng trong nhiều năm.

Tuy nhiên, khi hợp đồng của họ kết thúc vào năm 2018, ngôi sao bóng rổ tuyên bố anh có quyền tiếp tục sử dụng logo “Klaw” và cáo buộc Nike đã đăng ký bản quyền logo trái phép.

Đáp lại khiếu kiện của Leonard, Nike đã đệ trình một số đơn phản tố lên tòa án trong đó có cáo buộc Leonard vi phạm hợp đồng và vi phạm bản quyền.

Theo Nike, hãng thừa nhận logo ’Klaw’ được tạo nên dựa trên bản phác thảo ý tưởng do Kawhi Leonard vẽ thời còn học đại học. Tuy nhiên, Nike quả quyết cho rằng hãng chỉ lấy ý tưởng, phần thiết kế và hoàn thiện logo là hoàn toàn là công sức của đội ngũ nhân viên công ty và họ hoàn toàn có đủ thẩm quyền để giữ lại mẫu logo này cho riêng mình.

Trong bản phác thảo ban đầu của Leonard, các chữ cái và số chỉ giới hạn ở một phần của bàn tay. Tuy nhiên, trong phiên bản Nike, logo lại là hình toàn bộ bàn tay dựa trên thiết kế của ngôi sao bóng rổ.

Năm 2020, tòa án đã đưa ra kết luận cuối cùng cho vụ việc với phần thua thuộc về ngôi sao bóng rổ.

Theo đó, sau khi xem xét đơn kiện, thẩm phán Michael W.Mosman đưa ra phán quyết rằng: "Logo, được Nike tạo ra dưới sự giúp đỡ của Kawhi Leonard, thuộc sở hữu trí tuệ của chính công ty này. Về cơ bản, bản phác thảo có khác biệt rất lớn so với thiết kế sau cùng".

Nike kiện Adidas vi phạm sở hữu trí tuệ

Vào năm 2006, hãng sản xuất đồ thể thao lớn nhất thế giới Nike (Mỹ) đâm đơn kiện đối thủ truyền kiếp - Adidas vì cho rằng hãng này đã vi phạm bản quyền sáng chế loại giày có sử dụng công nghệ “đệm SHOX”. 

Nike đã nghiên cứu và phát triển công nghệ đệm SHOX được 20 năm và có tới 19 bằng sáng chế về công nghệ này.

Công nghệ đệm SHOX lần đầu tiên được Nike đưa vào sản xuất năm 2000. “Mặc dù Nike đã đăng ký bản quyền sáng chế song Adidas vẫn cho sản xuất loại giày có sử dụng công nghệ đệm SHOX mà không có sự đồng ý của Nike”, đại diện của Nike cho biết. 

Nhanhieuviet (Theo Tạp chí Sở hữu Trí tuệ và Sáng tạo - Link gốc)

.
.
.
.

                             

TRUNG TÂM THÔNG TIN CÔNG NGHIỆP VÀ THƯƠNG MẠI VIỆT NAM - BỘ CÔNG THƯƠNG.

Giấy phép của Bộ Thông tin và Truyền thông số 55/GP-TTĐT, cấp ngày 02/6/2015.
Địa chỉ: 655 Phạm Văn Đồng - Bắc Từ Liêm - Hà Nội.
Điện thoại: 04 3934 1911  -  Email: info@nhanhieuviet.gov.vn