6/15/2021 8:53:00 AM
.

Sự phát triển của trí tuệ nhân tạo: Thách thức đối với vấn đề bản quyền


Trí tuệ nhân tạo (AI) đang được xem là một động lực cho sự phát triển kinh tế tại Việt Nam. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi thế mà AI mang lại là những thách thức xã hội và pháp lý. Và tiêu biểu trong đó là thách thức đối với vấn đề bản quyền.

Sau hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam đã có bước phát triển mạnh mẽ, trở thành nền kinh tế hội nhập, năng động, hấp dẫn đầu tư trong khu vực. Trong bối cảnh phát triển và hội nhập quốc tế, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Việt Nam xác định tập trung phát triển công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) - một mũi nhọn, được dự báo trở thành ngành công nghệ đột phá nhất trong 10 năm tới.

 Trí tuệ nhân tạo (AI) đang đi vào cuộc sống một cách mạnh mẽ, thay thế nhiều công việc thủ công, tốn sức lao động. Trên thế giới, các cường quốc đều xây dựng chiến lược phát triển riêng cho AI, lấy công nghệ AI làm cốt lõi cho sự tăng tốc của nền kinh tế. Tại Việt Nam, Chính phủ xác định công nghệ AI là sự đột phá, mũi nhọn cần được triển khai nghiên cứu. Bộ Khoa học và Công nghệ tập trung tham mưu, định hướng để thúc đẩy phát triển công nghệ, trong đó tập trung nguồn lực cho phát triển trí tuệ nhân tạo (AI); đồng thời tiếp tục phê duyệt chương trình khoa học trọng điểm, hỗ trợ nghiên cứu phát triển công nghệ trí tuệ nhân tạo, liên kết các nhà nghiên cứu, đầu tư, doanh nghiệp, thúc đẩy nghiên cứu và ứng dụng trí tuệ nhân tạo.

Tuy nhiên trí tuệ nhân tạo phát triển, đồng nghĩa với việc đặt ra nhiều thách thức, đặt biệt với vấn đề bản quyền. 

Những tác phẩm được sáng tác bởi trí tuệ nhân tạo có được bảo vệ quyền tác giả hay không, tác phẩm được trí tuệ nhân tạo làm lên là của ai? Nếu nói trí tuệ nhân tạo đã xâm phạm bản quyền thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm?... Đó là những câu hỏi thường xuyên được đặt ra.

Tại Việt Nam, theo đại diện Cục Bản quyền tác giả (Bộ VHTTDL), việc thực thi bản quyền tác giả trên môi trường số được áp dụng theo Thông tư liên tịch 07/2012/TTLT-BTTTT-BVHTTDL quy trình rõ trách nhiệm của các nhà cung cấp dịch vụ trung gian trong việc bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan trên môi trường mạng Internet và mạng viễn thông (ISP). Theo đó các ISP có quyền thiết lập hệ thống giám sát, kiểm tra, xử lý các thông tin được đưa vào, lưu trữ và truyền đi trên mạng Internet, mạng viễn thông nhằm ngăn chặn các hành vi vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan. Mặt khác, đơn phương từ chối cung cấp dịch vụ trái với các quy định của pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan.

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, dù hệ thống hành lang pháp lý đã tương đối hoàn thiện nhưng rõ ràng với tốc độ phát triển như vũ bão, với nhiều thử thách mới liên tục được đặt ra, đơn cử như sự gia tăng các sản phẩm trí tuệ nhân tạo thì công tác bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan vẫn còn phải đối phó và cần nghiên cứu để có thêm những giải pháp hữu hiệu.

Có 2 cách để luật bản quyền xử lý những vấn đề liên quan đến các tác phẩm được tạo ra không phải bởi con người. Một là phủ nhận quyền tác giả của tác phấm được tạo ra bởi chương trình máy tính; hai là quyền tác giả thuộc về người đã tạo ra chương trình máy tính đó.

Tại Châu Âu, Tòa án Tư pháp của Liên minh châu Âu (CJEU) cũng đã tuyên bố bản quyền chỉ áp dụng đối với tác phẩm gốc và sáng tạo và phải phản ánh “sự sáng tạo trí tuệ riêng của tác giả”.

Còn ở một số quốc gia như Hồng Kông, Ấn Độ, Ireland, New Zealand và Vương quốc Anh thì họ trao quyền tác giả cho lập trình viên. Cách tiếp cận này được cho là tốt nhất trong luật bản quyền của Vương quốc Anh, phần 9(3) của Đạo luật Bản quyền, Thiết kế và Bằng sáng chế (CDPA) nêu rõ: “Trong trường hợp tác phẩm văn học, kịch, âm nhạc hay nghệ thuật được tạo ra từ máy tính, tác giả sẽ là người sắp xếp cần thiết cho việc tạo ra tác phẩm được thực hiện”.

Nhanhieuviet (Theo Tạp chí Sở hữu Trí tuệ và Sáng tạo - Link gốc)

Tin trong ngày
Các tin khác
.
.
.
.

                             

TRUNG TÂM THÔNG TIN CÔNG NGHIỆP VÀ THƯƠNG MẠI VIỆT NAM - BỘ CÔNG THƯƠNG.

Giấy phép của Bộ Thông tin và Truyền thông số 55/GP-TTĐT, cấp ngày 02/6/2015.
Địa chỉ: 655 Phạm Văn Đồng - Bắc Từ Liêm - Hà Nội.
Điện thoại: 04 3934 1911  -  Email: info@nhanhieuviet.gov.vn