11/10/2022 10:41:00 AM
.

Tăng cường bảo hộ bản quyền để hòa nhập kinh tế quốc tế mạnh mẽ


Theo bà Phạm Thị Kim Oanh, việc thực hiện tốt vấn đề bảo hộ bản quyền sẽ góp phần thúc đẩy các hoạt động sáng tạo và phát triển công nghiệp văn hóa, tạo môi trường đầu tư an toàn để thu hút các nhà đầu tư đồng thời hòa nhập kinh tế quốc tế mạnh mẽ.

Nằm trong chuỗi sự kiện thuộc Tuần lễ Thiết kế Việt Nam 2022, ngày 8/11, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam phối hợp Vietnam Design Group tổ chức Hội thảo khoa học Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong hoạt động thiết kế sáng tạo ở Việt Nam.

Hội thảo diễn ra với các ý kiến tham luận sôi nổi liên quan đến các vấn đề bao gồm: Khuôn khổ pháp lý hiện hành về sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực thiết kế sáng tạo; thực tiễn bảo vệ và thực thi quyền sở hữu trong lĩnh vực thiết kế sáng tạo; vai trò của bảo vệ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong phát triển các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo ở Việt Nam; giải pháp thúc đẩy bảo vệ và thực thi có hiệu quả quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực văn hóa và sáng tạo ở Việt Nam...

Nói về vấn vai trò của bảo hộ sở hữu trí tuệ và bản quyền, Chủ tịch Câu lạc bộ Doanh nhân sáng tạo (VCE Club), ông Lê Quốc Vinh khẳng định, bản quyền và bảo vệ bản quyền là yếu tố sống còn của các hoạt động sáng tạo.

Ông Vinh nhận định, việc bảo hộ tốt bản quyền sẽ thúc đẩy sự sáng tạo và phát triển công nghiệp văn hóa. Do đó, dù việc bảo hộ bản quyền tác giả có thể làm hạn chế sự phổ biến của các tác phẩm, sản phẩm sáng tạo nhưng đây vẫn là yếu tố quan trọng cần phải thực thi.

Phát biểu tại Hội thảo, TS. Hoàng Lan Phương, chuyên gia nghiên cứu của dự án Tăng cường thực thi quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam (SIPE) cho rằng, tình trạng xâm phạm bản quyền tác giả, quyền liên quan diễn ra ngày càng phổ biến và trong hầu hết lĩnh vực thuộc các ngành công nghiệp văn hóa như: điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh, xuất bản, thiết kế... xâm phạm đến các quyền của tác giả, quyền của chủ sở hữu tác phẩm, gây thiệt hại cho các chủ thể sáng tạo. Trong một số lĩnh vực đặc thù, đơn cử như hội họa, hiện tượng sao chép tranh, mạo danh tác giả diễn ra một cách phổ biến và tràn lan.

Về nền tảng bị xâm phạm quyền tác giả, đối với nền tảng vật lý, thường xảy ra với các tác phẩm trong lĩnh vực hội họa, điêu khắc, kiến trúc, xuất bản, tỷ lệ các chủ thể bị xâm phạm ở nền tảng này qua khảo sát chiếm 42,5%. Với nền tảng số, tình trạng vi phạm diễn ra phổ biến hơn ở hầu hết lĩnh vực, đặc biệt là điện ảnh, nhiếp ảnh, âm nhạc, xuất bản (sách điện tử), kiến trúc... Tỷ lệ các chủ thể bị xâm phạm ở nền tảng này qua khảo sát chiếm 75%.

Cũng theo TS. Hoàng Lan Phương, qua khảo sát cho thấy nhận thức, mức độ am hiểu về sở hữu trí tuệ của các chủ sở hữu tài sản trí tuệ còn hạn chế; mức độ am hiểu pháp luật về sở hữu trí tuệ của các chủ thể hưởng thụ còn ở mức độ trung bình, đặc biệt trong các nhận thức về các hành vi xâm phạm quyền. Bởi vậy, trong các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật về sở hữu trí tuệ thời gian tới tại Việt Nam, tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức được đặt lên hàng đầu.

Tham luận về vấn đề Khuôn khổ pháp lý về bảo hộ bản quyền ở Việt Nam, bà Phạm Thị Kim Oanh, Phó cục trưởng Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) nhìn nhận, bảo hộ bản quyền sẽ góp phần thúc đẩy các hoạt động sáng tạo và phát triển công nghiệp văn hóa, tạo môi trường đầu tư an toàn để thu hút các nhà đầu tư đồng thời hòa nhập kinh tế quốc tế mạnh mẽ.

Nếu vấn đề vi phạm bản quyền tiếp tục diễn ra ở nhiều lĩnh vực với các mức độ khác nhau, việc thực thi bản quyền không nghiêm túc sẽ gây hậu quả, thiệt hại ảnh hưởng đến các hoạt động sáng tạo, môi trường đầu tư và phát triển công nghiệp văn hóa tại Việt Nam. Vì vậy cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật và nâng cao nhận thức, ý thức về công tác bảo vệ bản quyền.

Nhanhieuviet (Theo Tạp chí Sở hữu Trí tuệ - Link gốc)

.
.
.
.

                             

TRUNG TÂM THÔNG TIN CÔNG NGHIỆP VÀ THƯƠNG MẠI VIỆT NAM - BỘ CÔNG THƯƠNG.

Giấy phép của Bộ Thông tin và Truyền thông số 55/GP-TTĐT, cấp ngày 02/6/2015.
Địa chỉ: 655 Phạm Văn Đồng - Bắc Từ Liêm - Hà Nội.
Điện thoại: 04 3934 1911  -  Email: info@nhanhieuviet.gov.vn