7/4/2019 8:52:00 AM
.

Taylor Swift bất lực trong cuộc tranh chấp bản quyền thu âm gốc: Nỗi trăn trở của các sao Âu Mỹ


Taylor Swift đã trở thành nạn nhân mới nhất gặp rắc rối với chuyện bản quyền thu âm gốc. Trước Taylor Swift, The Beatles, Prince cũng đã tốn thời gian và tiền bạc để đòi quyền sở hữu bản thu âm ca khúc của họ từ các hãng đĩa.

Taylor Swift đã khiến các fan hâm mộ trên toàn thế giới xôn xao khi viết tâm thư giãi bày tâm trạng buồn bã và ghê tởm của mình trước hành động thâu tóm thành quả sự nghiệp âm nhạc từ Scooter Braun. Chuyện là Scooter Braun đã bỏ ra 300 triệu USD (hơn 7 nghìn tỷ đồng) để sở hữu hãng thu âm Big Machine Records, nơi mà Taylor Swift đầu quân trước khi rời đi vào cuối năm 2018. Điều đó đồng nghĩa là Scooter Braun có quyền sở hữu toàn bộ 6 album đã được phát hành của Taylor Swift. 

Cô nói gần như không còn cơ hội mua lại quyền sở hữu các sáng tác của mình khi Scooter lên nắm quyền bởi hai người từng xích mích.

Được biết, năm 15 tuổi, Taylor Swift ký hợp đồng với Big Machine Label Group. Hãng này sở hữu toàn bộ thu âm gốc các ca khúc thuộc sáu album, từ Taylor Swift (năm 2006) đến Reputation (năm 2017). Ca sĩ vẫn giữ quyền sở hữu trí tuệ các bài hát và được biểu diễn trực tiếp chúng tại các liveshow hay trên truyền hình. Tuy nhiên, cô không được sử dụng các bản thu hoặc các ấn phẩm (CD, nhạc số) làm từ các bản thu mà Big Machine Label Group nắm bản quyền.

Theo PopSugar, sau khi mua lại hãng, Scooter Braun có quyền cho phép bên thứ ba sử dụng ca khúc đã phát hành mà không cần sự đồng ý từ Taylor. Điều này dẫn đến việc nhạc của cô có thể bị dùng trong các dự án nữ ca sĩ không mong muốn. Cô phải đợi 35 năm (tính từ ngày ký hợp đồng) để chấm dứt việc nhượng bản quyền với hãng đĩa và đòi lại các bản thu của mình - theo Luật Bản quyền Mỹ.

Trước vấn đề này, luật sư trong lĩnh vực giải trí là Ben Mclane đã lên tiếng giải thích. Theo ông, một nghệ sĩ ký hợp đồng thu âm với một hãng đĩa thường vào thời điểm chưa được ai biết tới, như Taylor lúc mới khởi đầu sự nghiệp. Khi đó, hãng đĩa này có quyền sở hữu những bản thu âm gốc - hay được gọi là file master. Điều này trở thành ‘chuyện thường ngày ở huyện’ trong lĩnh vực âm nhạc bởi hãng đĩa đã phải trả tiền thu âm, quảng bá cho sản phẩm của nghệ sĩ. Nói cách khác, hãng đĩa là ‘bệ phóng’ giúp ca sĩ nổi tiếng bằng các album, single được họ phát hành hợp pháp.

Về sau, khi nghệ sĩ đã nổi tiếng, họ sẽ cố gắng bỏ tiền để mua lại các file master này. Đó cũng chính là điều Taylor Swift đã cố gắng làm bởi ngày nay cô đã có tên tuổi, đồng nghĩa những file master trở nên có giá trị lên tới hàng trăm triệu đô la. Vì thế, hãng đĩa thường được cho là ‘dở trò’, hét giá quá cao so với số tiền mà các nghệ sĩ sẵn lòng bỏ ra. Cách duy nhất để Taylor Swift có được quyền sử dụng các file master về mặt pháp lý là thương lượng với Scooter Braun. Và cái giá ‘chát’ như thế nào thì chỉ có người trong cuộc mới hiểu thấu. 

Đây không phải lần đầu tiên các sao Âu Mỹ gặp rắc rối này. Trước đó, Prince là nghệ sĩ đầu tiên đứng lên đòi quyền sở hữu bản thu gốc từ các hãng đĩa. Ca sĩ đấu tranh với công ty Warner Bros trong nhiều năm. Ông không đồng ý cách hãng liên tục phát hành các album tổng hợp ca khúc của ông để kiếm lợi nhuận. Từ năm 1994 đến năm 1996, Prince sản xuất năm album để đáp ứng điều khoản chấm dứt hợp đồng với Warner Bros. Bên cạnh đó, ông liên tục đổi nghệ danh để gây khó khăn cho hãng đĩa trong khâu xuất bản và truyền thông. Ca sĩ thường xuất hiện trên sân khấu với từ "Nô lệ" viết bằng bút dạ trên mặt để thể hiện sự phản đối công ty chủ quản. Năm 1996, Prince nói với tờ Rolling Stone: "Nếu bạn không có quyền sở hữu bản thu gốc, các hãng đĩa đang sở hữu bạn".

Theo CNN, luật Bản quyền Mỹ lần đầu được thông qua năm 1976 và có hiệu lực từ năm 1978. Trong đó quy định bản thu gốc là phiên bản thu âm cuối cùng, dùng để sửa đổi và sản xuất thành các CD, file nhạc số, MV... Doanh thu từ các xuất bản phẩm này về túi người sở hữu bản quyền thu âm gốc. Bên còn lại sẽ nhận được tiền nhuận, trích từ doanh thu theo thỏa thuận trong hợp đồng.

Luật quy định các nhạc sĩ có sáng tác sau năm 1978 (giống trường hợp của Taylor Swift) có quyền chấm dứt việc nhượng bản quyền thu âm gốc sau 35 năm từ ngày ký hợp đồng. Những nhạc sĩ có sáng tác phát hành trước năm 1978 (giống trường hợp của ban nhạc The Beatles) được đòi lại bản quyền thu âm gốc sau 56 năm từ ngày bài hát phát hành.

Luật ở Mỹ cho phép một nghệ sĩ hỏi mua lại quyền sở hữu bản thu gốc trước thời hạn nếu cảm thấy hợp đồng ban đầu thiếu công bằng. Tuy nhiên, nghệ sĩ đó cần thuyết phục được hãng đĩa và thường phải trả những mức giá "trên trời".

Nhanhieuviet (Theo Tạp chí Sở hữu Trí tuệ và Sáng tạo)

.
.
.
.

                             

TRUNG TÂM THÔNG TIN CÔNG NGHIỆP VÀ THƯƠNG MẠI VIỆT NAM - BỘ CÔNG THƯƠNG.

Giấy phép của Bộ Thông tin và Truyền thông số 55/GP-TTĐT, cấp ngày 02/6/2015.
Địa chỉ: 655 Phạm Văn Đồng - Bắc Từ Liêm - Hà Nội.
Điện thoại: 04 3934 1911  -  Email: info@nhanhieuviet.gov.vn