1/9/2018 11:54:00 AM
.

Thương hiệu Việt với tầm nhìn vĩ mô


Dư luận trong những ngày cuối tháng 10 vừa qua được rất nhiều người quan tâm là vụ khăn lụa của hãng Khaisilk danh tiếng bị phát hiện thay nhãn, đổi “mác”, không chỉ hủy hoại uy tín của chính thương hiệu Khaisilk mà còn gây mất lòng tin vào “thương hiệu Việt” nói chung. Đã có không ít người đặt câu hỏi: Liệu còn bao nhiêu vụ giả dối như thế chưa bị phát hiện? Nói một cách khái quát, đây là vụ phá hoại thương hiệu vi mô nhưng làm suy giảm thương hiệu ở tầm vĩ mô - tức là quốc gia.

Tuy vậy, ở chiều ngược lại, hình như chưa được các cấp thẩm quyền và dư luận chú ý đúng mức. Xin dẫn một ví dụ cụ thể để chúng ta dễ hình dung. Ai cũng biết thành phố Đà Lạt là “vương quốc” của ngàn hoa, nhờ đây mà thu hút du khách. Hàng ngàn vạn người đến Đà Lạt đã phải “ngơ ngẩn” trước Vườn hoa Thành phố và vô số làng hoa, tầng cao, tầng thấp nối liền, không thể tính được bao nhiêu loại hoa đua nhau khoe sắc, tất cả đều trong “nhà kính”. Với điều kiện khí hậu thích hợp để trồng hoa và rau, những năm vừa qua, Đà Lạt - Lâm Đồng đã thu hút được vốn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao. (Theo tác giả Diễm Thương, báo Lâm Đồng ngày 2-6-2017, nhờ có nhiều dự án FDI, ODA từ Nhật, Hà Lan, Bỉ… với hàng triệu đô la, diện tích nông nghiệp công nghệ cao ở Lâm Đồng đạt gần 50.000 ha, chiếm 17,7% diện tích toàn ngành, với giá trị chiếm 30%...). So với nhiều địa phương trong nước thì đây là điều đáng mừng; vậy nên khi có một chủ vườn hoa ép du khách mua hoa trái một cách thiếu văn hoá, đã bị dư luận lên án kịch liệt vì làm xấu lây cho cả “thương hiệu” địa chỉ du lịch Đà Lạt.

Điều đó là đúng, nhưng còn một góc nhìn khác: Khi đứng ở một điểm cao nhìn màu sáng trắng những nhà kính san sát chiếm mất một khoảng lớn màu xanh nguyên thủy nơi đây, chợt nghĩ: không biết các cơ quan quản lý, các nhà khoa học Đà Lạt đã nghiên cứu để phát hiện và hạn chế mặt trái (nếu có) của sự phát triển ồ ạt nhà kính đối với môi trường, sinh thái của vùng đất này chưa? Đó là chưa nói đến tình trạng “cung vượt cầu” khiến người sản xuất khốn đốn có thể xảy ra như với quả dưa hấu hay đàn lợn ở một số địa phương khác gần đây…

Một cán bộ về hưu tại Đà Lạt cho biết, điều cảnh báo nói trên cũng đã có người lên tiếng tại chính thành phố này, nhưng không được “tiếp âm” để tạo thành dư luận khiến những người, những cơ quan có trách nhiệm quan tâm vì nó chưa “hợp thời”, vì tất cả đang chạy theo mức “tăng trưởng”. Như thế, với tầm nhìn vĩ mô và lâu dài, đến lúc sự phát triển không được kiểm soát, khiến hệ sinh thái đặc trưng của Đà Lạt bị biến dạng, lượng du khách sẽ dần ít đi, vì khuynh hướng du lịch sinh thái, người ta tìm đến những vùng đất còn thân thiện với môi trường ngày càng tăng; khi đó, toàn bộ các địa chỉ du lịch trong thành phố đều bị thiệt hại, chứ không chỉ ở làng hoa ép khách gây tai tiếng!

Ở thành phố Nha Trang cũng có tình trạng tương tự. Những năm gần đây, Nha Trang là một địa chỉ du lịch có mức tăng trưởng rất cao. Về mặt kinh tế, kể cũng mừng cho “cơn sốt” du lịch Nha Trang - Khánh Hòa đã đem lại doanh thu năm 2016 là hơn 8.300 tỷ đồng, với khách quốc tế hơn 1 triệu lượt, tăng 123% so năm 2015, trong đó có 484.000 lượt khách Trung Quốc, tăng 311%! (theo Dân Trí).

Cho dù vậy, giữa trung tâm thành phố dày đặc khách sạn cao tầng, suốt 24/24 giờ trong ngày, vẫn ậm ịch tiếng máy hối hả khoan cọc, nhồi bê tông để “cắm” thêm một cái “hộp vuông” ngạo nghễ nữa!... Đó là chưa nói đến dự án lấn biển từng bị phản ứng dữ dội, nhưng chưa hẳn đã “chết”. Và chiều đến, dải bờ biển sau tháp Trầm Hương bên đường Trần Phú, nơi đô hội nhất thành phố, đông nghịt người đủ quốc tịch vùng vẫy giữa vũng nước chắc hẳn là không còn trong lành như xưa!…

Cũng như ở Đà Lạt, trong câu chuyện “bảo tồn và phát triển” - đề tài không dễ tìm lời đáp thỏa đáng - một nhà báo cho biết ở đây, tiếng nói mong muốn giữ được môi trường trong lành chẳng thể thắng nổi thế lực đồng tiền. Nếu cứ tình trạng mạnh ai nấy làm, chỉ nhăm nhăm chạy theo lợi nhuận, thì sự chen chúc khách sạn và du khách trên những tuyến phố rồi sẽ đến lúc quá tải; khi đó, người có tiền đi chơi sẽ tìm đến bãi biển khác, quốc gia khác.

Như thế, tầm vĩ mô không chỉ là ở cấp tỉnh, thành phố. Nếu các địa chỉ du lịch nổi tiếng như Nha Trang, Đà Lạt… để mất đặc trưng mà thiên nhiên ban tặng, thì chiến lược phát triển du lịch của cả nước chắc chắn bị ảnh hưởng tiêu cực.

Rất may là Chính phủ ta đã “tuyên ngôn” một cách mạnh mẽ: “Nhất quyết không hy sinh môi trường để phát triển”. Tuy vậy, chúng ta đều biết, từ lời nói đến việc làm luôn có khoảng cách xa. Thiết nghĩ, phải có sự chỉ đạo cụ thể, các bộ, ngành liên quan trực tiếp như Bộ Tài nguyên & Môi trường, Tổng cục Du lịch - Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch… phải vào cuộc quyết liệt và cụ thể, mới bảo đảm được sự phát triển bền vững của đất nước.

Nhanhieuviet (Theo thv.vn)

Tin trong ngày
Các tin khác
.
.
.
.

                             

TRUNG TÂM THÔNG TIN CÔNG NGHIỆP VÀ THƯƠNG MẠI VIỆT NAM - BỘ CÔNG THƯƠNG.

Giấy phép của Bộ Thông tin và Truyền thông số 55/GP-TTĐT, cấp ngày 02/6/2015.
Địa chỉ: 655 Phạm Văn Đồng - Bắc Từ Liêm - Hà Nội.
Điện thoại: 04 3934 1911  -  Email: info@nhanhieuviet.gov.vn