6/20/2017 5:13:00 PM
.

Vốn “khủng” từ EU có vào Việt Nam?


Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) được cho là sẽ tạo động lực thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Tuy nhiên, cơ hội này chỉ có thể được khai thác khi các nhà đầu tư cảm thấy chi phí đầu tư đủ thấp, thủ tục đầu tư minh bạch và các rủi ro hầu như có thể dự đoán được.

Đánh giá về EVFTA cũng như tác động của nó đối với kinh tế và tiềm năng tăng trưởng đầu tư tại Việt Nam, ông Nicolas Audier, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), cho biết Liên minh châu Âu (EU) là một trong các đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam và cũng là một trong những nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) quan trọng đối với Việt Nam.

EuroCham tin tưởng rằng với EVFTA, Việt Nam sẽ đón nhận “một làn sóng” đầu tư mới vào Việt Nam và kim ngạch thương mại có thể gia tăng đến 50% trong những năm tới.

Kim ngạch thương mại tăng 50%

Theo ông Audier, EVFTA là cơ hội mang tính đột phát trong lịch sử quan hệ thương mại giữa Việt Nam và châu Âu. Trong tương lai, EVFTA sẽ thúc đẩy cánh cửa thương mại tự do, qua đó hàng hóa nhập khẩu từ châu Âu vào Việt Nam sẽ được hưởng mức thuế suất 0% sau 10 năm. Mức thuế 0% này cũng sẽ được áp dụng đối với 99% hàng hóa Việt Nam xuất khẩu vào thị trường châu Âu trong vòng 7 năm.

Trong tương lai, giá trị xuất khẩu của châu Âu vào Việt Nam dự kiến sẽ tăng hơn 3% mỗi năm, củng cố vị thế của Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ hai của châu Âu và là nước xuất khẩu hàng hóa lớn nhất trong khu vực ASEAN.

“Nhưng EVFTA không chỉ mang lại những lợi thế về thương mại và đầu tư, mà còn thay đổi thái độ của cộng đồng doanh nghiệp (DN). Hiệp định này tạo điều kiện để kiến thức và bí quyết kinh doanh châu Âu tiếp cận thị trường Việt Nam dễ dàng hơn, mang lại giải pháp và công nghệ mới, tiên tiến, thông minh và thân thiện với môi trường. Đồng thời hiệp định cũng tạo cơ hội để hai bên trao đổi dịch vụ chất lượng cao, thông lệ quản trị DN và đào tạo các kỹ năng quản lý cho nguồn lao động trong nước”, ông Audier cho biết.

Ngoài ra, EVFTA còn là chất xúc tác có thể thúc đẩy sự phát triển của Việt Nam theo hướng tích cực, khiến Việt Nam không chỉ sẵn sàng cho thị trường châu Âu mà còn có thể tham gia và đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu, khai thác những lợi thế của mình một cách thông minh và có trách nhiệm.

Với EVFTA được thực thi, Việt Nam có cơ hội trở thành trung tâm trong khu vực (cùng với Cộng đồng Kinh tế ASEAN), đóng vai trò là hình mẫu cho các quốc gia ASEAN khác; tăng hình ảnh, vị thế và khả năng cạnh tranh của Việt Nam không chỉ ở tầm vĩ mô, mà còn ở từng lĩnh vực, ngành cụ thể.

Tính lũy kế đến ngày 30/3/2017, FDI từ EU đứng thứ năm, sau Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore và Đài Loan, đạt 21,6 tỷ USD. Tuy nhiên, để tận dụng thu hút vốn FDI từ EU không phải là điều dễ dàng.

Chỉ ra tác động trực tiếp, ông Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), cho rằng một số cam kết của EVFTA không tương thích hoặc chỉ tương thích một phần với khuôn khổ pháp lý của Việt Nam.

Đánh giá về tác động gián tiếp, ông Thành cho biết, một trong những vấn đề nghiêm trọng của Việt Nam là hiệu lực thực thi của các quy định. Phần lớn tác động từ cam kết vẫn nằm ở những tác động gián tiếp mà Chính phủ Việt Nam cần phải nhận thức đầy đủ trong tương lai gần.

Trong khi đó, Việt Nam đang ở trình độ phát triển thấp, với hơn 90% số DN nhỏ và vừa, thể chế kinh tế và hệ thống pháp luật vẫn chưa đầy đủ, nên sẽ gặp nhiều khó khăn và thách thức khi tham gia EVFTA.

 

Tính lũy kế đến ngày 30/3/2017, FDI từ EU đứng thứ năm, sau Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore và Đài Loan, đạt 21,6 tỷ USD

Trở ngại rào cản hành chính

Gần đây, Việt Nam đã ban hành nhiều biện pháp khác nhau để cải tiến quy trình và thủ tục đầu tư cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước nhưng thực tế, vẫn còn khoảng cách lớn trong khởi sự DN giữa dự án FDI và các dự án trong nước. Cụ thể, theo PCI 2014, gần 65% DN FDI phải chờ đợi hơn một tháng để hoàn thành thủ tục đầu tư và bắt đầu hoạt động kinh doanh và 20% trong số đó phải chờ hơn ba tháng.

Bên cạnh đó, vấn đề bảo vệ nhà đầu tư vẫn là một điểm yếu của Việt Nam. Theo Chỉ số Năng lực cạnh tranh toàn cầu năm 2015 – 2016, chỉ số này của Việt Nam chỉ đạt 4,7/7 và xếp hạng 100 trong số 140 quốc gia.

“Đơn giản hóa thủ tục giải quyết tranh chấp và thực thi hợp đồng là một biện pháp có thể để tăng cường bảo vệ nhà đầu tư và tạo sự tự tin của nhà đầu tư nước ngoài đối với môi trường kinh doanh tại Việt Nam”, ông Thành kiến nghị.

Về Chỉ số Chất lượng của quy trình tư pháp, Việt Nam chỉ đạt 6,5/18, thấp hơn mức trung bình 7,6 điểm ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Theo các chuyên gia, cải cách tư pháp và nâng cao chất lượng của hệ thống tòa án dân sự và kinh tế là lĩnh vực trì trệ và cần được ưu tiên nếu Việt Nam muốn cải thiện môi trường kinh doanh để thúc đẩy đầu tư và tăng trưởng.

Trước đó, theo khảo sát của EuroCham, chỉ số môi trường kinh doanh (BCI) quý I/2017 đã giảm 7 điểm so với quý trước xuống còn 78 điểm. Đây là mức thấp nhất kể từ quý II/2016 nhưng vẫn trên mức trung bình là 50 điểm.

Khi được hỏi về tiến trình cải thiện môi trường pháp lý của Việt Nam đối với DN trong năm 2016, chỉ 2% phản hồi cải thiện đáng kể; 21% ghi nhận cải thiện đôi chút; 18% đánh giá có phần phức tạp; 14% cho rằng môi trường pháp lý của Việt Nam phức tạp hơn nhiều và 40% phản hồi rằng môi trường pháp lý không thay đổi.

Hơn nữa, khảo sát BCI đề cập đến ảnh hưởng của tham nhũng đối với hoạt động kinh doanh của DN cho biết: 2% “giảm đáng kể”, 10% “giảm nhẹ”, 46% “không thay đổi”, 15% “phần nào phức tạp hơn”, 11% “phức tạp hơn nhiều” và cuối cùng là 15% “không rõ”.

Ở chiều hướng khác, nhiều lo ngại cho rằng việc cắt giảm thuế quan từ EVFTA không tác động nhiều tới các ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam vào EU.

Hiện nay, EU là thị trường xuất khẩu đồ gỗ lớn thứ tư của Việt Nam song theo các chuyên gia, việc cắt giảm thuế quan từ EVFTA sẽ không tác động nhiều đến việc thúc đẩy thương mại ngành gỗ và sản phẩm từ gỗ Việt Nam vào EU.

Trên thực tế, EU đã áp dụng thuế nhập khẩu 0% cho hầu hết sản phẩm gỗ, đồ gỗ từ các nước phát triển. Ngược lại, DN gỗ Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức khi muốn thâm nhập thị trường này như truy xuất nguồn gốc gỗ, việc sử dụng hóa chất trong sản xuất, tuân thủ quyền sở hữu trí tuệ…

Hay đối với ngành hàng thủy sản, bà Tô Thị Tường Lan, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Thủy sản Việt Nam, đánh giá, EU là thị trường truyền thống, quan trọng đối với thủy sản Việt Nam, mặt hàng xuất khẩu chính là cá tra, phi lê. Tuy nhiên, đây là thị trường khó tính, có những điều kiện an toàn thực phẩm rất nghiêm ngặt.

Nhanhieuviet (Theo Thoibaokinhdoanh)

Tin trong ngày
Các tin khác
.

                             

TRUNG TÂM THÔNG TIN CÔNG NGHIỆP VÀ THƯƠNG MẠI VIỆT NAM - BỘ CÔNG THƯƠNG.

Giấy phép của Bộ Thông tin và Truyền thông số 55/GP-TTĐT, cấp ngày 02/6/2015.
Địa chỉ: 655 Phạm Văn Đồng - Bắc Từ Liêm - Hà Nội.
Điện thoại: 04 3934 1911  -  Email: info@nhanhieuviet.gov.vn