8/1/2016 9:22:00 AM
.

WTO: Khác biệt quan điểm về cơ chế tự vệ nông nghiệp


 Đã có sự tranh luận gay gắt giữa các thành viên WTO khi đàm phán về một cơ chế tự vệ nông nghiệp mới cho các nước đang phát triển. Các quốc gia ủng hộ là những nước được hưởng nhiều lợi ích từ cơ chế trên, trong khi những quốc gia phản đối là những nước chuyên xuất khẩu nông sản. Những quốc gia này lo ngại rằng cơ chế tự vệ mới sẽ gây hại cho thương mại nông nghiệp toàn cầu.

Vòng đàm phán diễn ra vào ngày 21 tháng 7 năm 2016 có chủ đề chính là nông nghiệp, và  khuyến khích tất cả các thành viên WTO tham gia. Trong vòng đàm phán này, các thành viên của G-33 đã có khác biệt quan điểm lớn với các quốc gia phát triển và các quốc gia đang phát triển thuộc nhóm Cairns (Cairns Group) - nhóm các quốc gia chuyên xuất khẩu nông sản.

Đại sứ New Zealand Vangelis Vitalis,người chủ trì vòng đàm phán thương mại nông nghiệp, đã tổ chức một phiên họp riêng giữa các quan chức thương mại theo ý kiến của bộ trưởng các nước đưa ra tại Hội nghị Bộ trưởngWTO thứ 10 diễn ra vào cuối tháng 12/2015 tại Nairobi (Kenya).

Tại cuộc họp trên, các thành viên G-33 cho rằng WTO cần thúc đẩy các cuộc đàm phán về vấn đề "cơ chế tự vệ đặc biệt" mới, hay còn gọi là SSM (“special safeguard mechanism”), với mục đích giúp các nước đang phát triển bảo vệ các nhà sản xuất trong nước trước việc hàng nhập khẩu đột ngột tăng cao, hoặc giá sản phẩm bỗng sụt giảm mạnh.

Tuy nhiên, các nước xuất khẩu nông sản lại cho rằngSSM chỉ nên là một phần của gói mở rộng về vấn đề cải thiện tiếp cận thị trường nông nghiệp.Hiện tại, cả nhóm G-33 lẫn nhóm Cairns đều không thay đổi quan điểm của mình.

Báo cáo của G-33: có 1.464 biện pháp tự vệ nông nghiệp đã được thực thi

Tại cuộc họp, liên minh G-33 đã công bố kết quả khảo sát đối với việc sử dụng cơ chế tự vệ đặc biệt hiện tại (hay còn gọi là SSG). SSG đã được các thành viên WTO chấp thuận và là một phần của Vòng đàm phán thương mại Uruguay được ký kết vào năm 1994. Tuy nhiên, các nước đang phát triển cho biết khó sử dụng SSG trong thực tế vì nhiều dòng thuế không đủ điều kiện để áp dụng SSG.

Về cơ bản, SSG cho phép các thành viên WTO nâng thuế suất trong trường hợp hàng nhập khẩu đột ngột tăng cao hoặc giá sản phẩm bỗng sụt giảm mạnh, mà không cần phải chứng minh ngành công nghiệp nội địa của họ bị tổn hại. Tuy vậy, SSG chỉ áp dụng được cho những loại hàng hóa vận chuyển qua biên giới đã được áp dụng hàng rào thuế quan.

Bên cạnh đó, nếu một quốc gia muốn sử dụng SSG, thì trước đó quốc gia này phải bảo lưu quyền sử dụng SSG đối với các loại hàng hóa trên trong “lịch trình” đã được WTO phê chuẩn, đồng thời cũng phải thỏa mãn được một số yêu cầu khác.

Peru và Guatemala hiện vẫn đang đánh giá báo cáo khảo sát trên của nhóm G-33, vì vậy báo cáo trên sẽ không bao gồm quan điểm của 2 quốc gia này.

Dựa trên phân tích của Ban thư ký WTO, báo cáo của nhóm G-33 cho biết SSG đã được áp dụng hơn 1.454 lần trong thập kỷ đầu tiên sau khi vòng đàm phán Uruguay hoàn tất. EU, Nhật Bản và Mỹ chiếm ¾ số lần sử dụng SSG này.

Báo cáo của G-33 cũng cho thấy những nước đang phát triển đủ điều kiện sử dụng SSG lại không sử dụng nhiều lần cơ chế này.

Theo G-33, các nước đang phát triển như Barbados, Costa Rica, Nicaragua, và Philippines chỉ sử dụng 52 biện pháp tự vệ dựa trên giá và dựa trên khối lượng trong giai đoạn năm 1995-2004.

Nhóm G-33 cho biết, nhiều nước đang phát triển có lẽ không có khả năng theo dõi tổng số lượng nhập khẩu tại tất cả các cửa khẩu biên giới một cách kịp thời, trong khi đây lại là một yêu cầu quan trọng nếu một nước muốn áp dụng các biện pháp tự vệ dựa trên khối lượng.

Báo cáo của nhóm G-33 cũng cho thấy các biện pháp tự vệ dựa trên giá chiếm gần 2/3 trong số 1.464 biện pháp SSG được sử dụng trong thời gian phân tích của báo cáo.

Theo nhóm G-33, một số nước đã nhiều lần áp dụng các biện pháp bảo vệ đối với một số sản phẩm đặc biệt. Chẳng hạn như EU và Mỹ đã áp dụng SSG trên 46 sản phẩm trong nhiều năm thuộc giai đoạn 1995-2006.

Tiếp tục tuân thủ SSG?

Các nước xuất khẩu nông sản thường muốn loại bỏ SSG trong đàm phán nhằm cải thiện vấn  đề tiếp cận thị trường tại WTO.

Một dự thảo năm 2008 được chuẩn bị cho Vòng đàm phán thương mại Doha, đã yêu cầu các nước phát triển giảm 1% số lượng dòng thuế đủ điều kiện áp dụng SSG và cơ chế tự vệ này phải được loại bỏ hoàn toàn trong vòng 7 năm.

Một quốc gia thành viên của nhóm Cairns cho biết việc tuân thủ SSG nghiêm ngặt hơn vẫn mang lại nhiều lợi ích.

Ban thư ký WTO hiện đang chuẩn bị một báo cáo phân tích, trong đó cập nhật các thông tin về vấn đề sử dụng SSG nhằm giúp các thành viên WTO có thể hiểu rõ hơn phương thức sử dụng SSG hiện tại của nhiều quốc gia.

Tuy nhiên, các quy định mới về SSG có khả năng sẽ được thảo luận trong các cuộc đàm phán nông nghiệp của WTO về vấn đề mở cửa thị trường, cho dù G-33 đã công bố báo cáo theo dõi đối với SSM.

Ngoài ra, ông Vitalis sẽ tiếp tục triệu tập các nhà đàm phán thương mại nông nghiệp vào giữa tháng 10 năm 2016.

Nhanhieuviet (Theo hoinhap.org.vn)

.

                             

TRUNG TÂM THÔNG TIN CÔNG NGHIỆP VÀ THƯƠNG MẠI VIỆT NAM - BỘ CÔNG THƯƠNG.

Giấy phép của Bộ Thông tin và Truyền thông số 55/GP-TTĐT, cấp ngày 02/6/2015.
Địa chỉ: 655 Phạm Văn Đồng - Bắc Từ Liêm - Hà Nội.
Điện thoại: 04 3934 1911  -  Email: info@nhanhieuviet.gov.vn