
Đa dạng hóa thị trường - hiệu quả được ghi nhận
Đa dạng hóa thị trường là chiến lược luôn được Bộ Công Thương chỉ đạo và Cục Xúc tiến thương mại tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện đạt những kết quả tốt, được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận.
Theo đại diện Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương, thông qua Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại, Cục đã tập trung triển khai các hoạt động tại thị trường mới và tiềm năng, như châu Mỹ Latinh, thị trường Halal, Ấn Độ, Nga và các nước Trung Đông. Điều này giúp giảm sự phụ thuộc vào một số thị trường truyền thống.
Tổ chức các chương trình hội thảo, đào tạo hỗ trợ doanh nghiệp hiểu rõ tiêu chuẩn, quy định của từng thị trường để đáp ứng yêu cầu xuất khẩu, nhất là với những thị trường Việt Nam có hiệp định thương mại tự do (FTA) để giảm rào cản thuế quan, tăng khả năng thâm nhập thị trường quốc tế.
Cùng đó, để mở rộng phạm vi hoạt động, tăng tính hiệu quả, Cục Xúc tiến thương mại cũng đã tích cực số hóa hoạt động xúc tiến thương mại. Khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin, tham gia các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới (như Amazon, Alibaba, Shopee) để tiếp cận khách hàng quốc tế. Tổ chức các chương trình tập huấn về thương mại điện tử, marketing số và sử dụng trí tuệ nhân tạo để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Thúc đẩy sản phẩm xanh thông qua hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững, đặc biệt với thị trường như EU và Bắc Âu, nơi yêu cầu khắt khe về môi trường.
Tăng cường hội chợ, triển lãm và giao thương quốc tế. Chỉ trong năm 2024, gần 6.000 lượt doanh nghiệp được hỗ trợ tham gia các hoạt động này, nhiều hợp đồng có giá trị được ký kết lên tới hàng chục triệu USD. Cục cũng cung cấp hơn 500 lượt tư vấn về thị trường, ngành hàng, giúp doanh nghiệp nắm bắt cơ hội ở các thị trường mới và lớn.
Dù vậy, đại diện Cục Xúc tiến thương mại nhìn nhận, công tác xúc tiến thương mại nói chung, xúc tiến xuất khẩu nói riêng vẫn tồn tại những hạn chế.
Đáng kể nhất là nguồn lực hạn chế của doanh nghiệp. Phần lớn doanh nghiệp Việt Nam có quy mô vừa và nhỏ, thiếu vốn và kinh nghiệm để tham gia các chương trình xúc tiến thương mại quy mô lớn hoặc điều chỉnh nhanh chóng chiến lược kinh doanh trước những rào cản thuế quan.
Nhiều doanh nghiệp chưa được cập nhật đầy đủ về chính sách thuế quan mới hoặc các quy định liên quan (như xuất xứ hàng hóa, chống lẩn tránh thuế). Các chương trình xúc tiến thương mại đôi khi chưa cung cấp thông tin chuyên sâu hoặc kịp thời giúp doanh nghiệp thích nghi.
Các quốc gia như Ấn Độ, Thái Lan và Indonesia cũng đẩy mạnh xúc tiến thương mại để tranh thủ cơ hội từ sự chuyển dịch chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc. Điều này khiến doanh nghiệp Việt Nam gặp khó khăn trong việc giữ chân đối tác, ngay cả khi được hỗ trợ bởi các chương trình xúc tiến thương mại.
Cần “liều thuốc” mạnh hơn
Dù còn hạn chế nhưng xúc tiến thương mại vẫn được ghi nhận là giải pháp căn cơ và hữu hiệu giúp đa dạng hóa thị trường, góp phần giữ ổn định xuất khẩu. Tuy nhiên trong bối cảnh thương mại bất định như hiện nay, công tác xúc tiến thương mại cần “liều thuốc” mạnh hơn làm đường dẫn.
Theo đó, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu cần hướng tới một số thị trường “đích”. Cụ thể, khu vực châu Á, tăng cường xuất khẩu sang Ấn Độ, Hàn Quốc, ASEAN (như Indonesia, Malaysia); Trung Đông (Ả Rập Xê Út, UAE) – các thị trường có nhu cầu cao về nông sản, thực phẩm chế biến và dệt may. Châu Mỹ La tinh khai thác các thị trường như Mexico, Brazil, Argentina nơi có tiềm năng lớn nhưng chưa được tận dụng triệt để.
Với thị trường Halal, đẩy mạnh xuất khẩu sang các nước Hồi giáo (Indonesia, Pakistan, Bangladesh) với các sản phẩm phù hợp tiêu chuẩn. Nga và Đông Âu tận dụng nhu cầu hàng hóa Việt Nam tăng cao do các lệnh trừng phạt đối với Nga, tập trung vào thực phẩm, thủy sản và hàng tiêu dùng.
Đổi hướng tận dụng các FTA, trong đó sử dụng các FTA giúp doanh nghiệp tiếp cận thị trường Canada, Úc, Nhật Bản, EU, Trung Quốc, ASEAN để giảm chi phí thuế quan và tiếp cận thị trường với lợi thế cạnh tranh.
Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các hội chợ lớn như Anuga (Đức), Sial (Pháp); Canton Fair (Trung Quốc), World Food Moscow hoặc Trade Expo Indonesia... để tìm kiếm đối tác mới; Tổ chức các gian hàng Việt Nam tại các sự kiện quốc tế với sự hỗ trợ về chi phí và logistics.
Về phía doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó với thuế quan thông qua hoạt động cập nhật liên tục các chính sách thuế mới; tư vấn doanh nghiệp về các biện pháp phòng vệ thương mại và cách đáp ứng yêu cầu điều tra chống lẩn tránh thuế. hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm đối tác nhằm chuyển một phần dây chuyền sản xuất sang các nước ASEAN (như Indonesia, Thái Lan) để tận dụng ưu đãi thuế quan trong các FTA; hỗ trợ doanh nghiệp tìm nguồn nguyên liệu thay thế từ các thị trường không chịu thuế cao.
Ngoài ra, Cục Xúc tiến thương mại thúc đẩy thương mại điện tử xuyên biên giới, phát triển hạ tầng dữ liệu số; mở rộng phạm vi hỗ trợ xúc tiến thương mại, không giới hạn theo loại hình doanh nghiệp hay tổ chức trung gian. Không phân biệt doanh nghiệp Việt Nam hay doanh nghiệp FDI – miễn là có đóng góp cho xuất khẩu, đầu tư và thương hiệu quốc gia.
Không chỉ giới hạn hỗ trợ qua hiệp hội, trung tâm xúc tiến thương mại địa phương, mà cần có cơ chế hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp đăng ký tham gia. Đặc biệt, cần xem xét chính sách hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp tham gia hội chợ, triển lãm chuyên ngành tại các thị trường tiềm năng, giúp tiếp cận khách hàng, nhà phân phối và đối tác chiến lược quốc tế một cách hiệu quả hơn.
Phát huy và có cơ chế tài chính, phối hợp nghiệp vụ để người Việt Nam tại nước ngoài tham gia tổ chức các sự kiện, chương trình xúc tiến thương mại và kết nối đầu tư, kinh doanh tại nước sở tại.
Nhanhieuviet (Theo Báo Công Thương - Link gốc)