6/16/2023 10:58:00 AM
.

“Ma trận” hàng giả, hàng nhái: Làm thế nào để bảo vệ người tiêu dùng?


Buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái không chỉ là lực cản đang làm suy yếu nền kinh tế đất nước mà còn gây ra nhiều hệ lụy khác.

Vấn nạn hàng giả, hàng nhái vẫn tràn lan không chỉ gây tổn hại đến quyền và lợi ích chính đáng của người tiêu dùng. Thế nhưng, câu chuyện "biết rồi, khổ lắm, nói mãi" chưa khi nào hết nhức nhối, thậm chí ngày càng phức tạp hơn khi còn tràn sang các kênh thương mại điện tử, gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong việc phát hiện và xử lý...

Giả như thật - đó là cụm từ không chỉ người dân mà cả lực lượng chức năng cũng phải thốt lên khi tiếp cận các mặt hàng được làm giả, làm nhái nhãn hiệu nổi tiếng. Thậm chí, nhiều người tiêu dùng khi bước chân vào những cửa hàng sang trọng, hay trung tâm thương mại lớn vẫn “ngã ngửa” khi họ trả tiền thật nhưng lại mua phải hàng giả. Thực tế cho thấy, không chỉ ở các chợ dân sinh, chợ sinh viên dành cho đối tượng khách hàng có thu nhập thấp, nhu cầu giá rẻ thì hàng giả, hàng nhái mới có “đất sống”.

Mới đây, vào ngày 10/3, các Đội Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh tiến hành kiểm tra 15 vụ, trong đó có 11 vụ kinh doanh hàng hóa có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu được đăng ký bảo hộ tại Việt Nam như Nike, Adidas, Dior, Chanel, Louis Vuitton, Burberry, Rolex,…; 04 vụ vi phạm về nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa, hóa đơn, chứng từ và niêm yết giá. Cơ quan chức năng đã tạm giữ 3.508 đơn vị sản phẩm hàng hóa vi phạm các loại, trong đó có 598 đơn vị sản phẩm hàng hóa có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu được bảo hộ tại Việt Nam để tiếp tục thẩm tra, xác minh và xử lý theo quy định pháp luật.

Cũng tại TP. Hồ Chí Minh, ngày 11/3, các Đội Quản lý thị trường tiếp tục đồng loạt kiểm tra 16 địa điểm kinh doanh tại quận 1, 3, 11, 12, Bình Thạnh, huyện Bình Chánh. Cơ quan chức năng tạm giữ 2.487 đơn vị sản phẩm hàng hóa là quần áo, đồng hồ, thực phẩm, giày dép, rượu. Trong đó có 11 vụ hàng giả, hàng hóa tạm giữ 637 đơn vị sản phẩm hàng hóa các loại.

Theo Quản lý Thị trường TP. Hồ Chí Minh, trong 4 tháng đầu năm 2023, thành phố kiểm tra chuyên ngành và liên ngành hơn 12.000 vụ, giảm 60% so với cùng kì năm trước, nhưng số vụ vi phạm tăng gần gấp đôi.

Cụ thể, đơn vị đã phạt hành chính và tịch thu hàng hóa trị giá hơn 23 tỉ đồng, tăng 151% so với cùng kì 2022. Trị giá hàng hóa tiêu hủy gần 15 tỉ đồng (tăng 15,27% so với cùng kì năm trước). Trị giá hàng tịch thu chờ bán khoảng 102 tỉ đồng. Trị giá hàng hóa chờ tiêu hủy khoảng 18,7 tỉ đồng.

Trong tháng 4, các Đội Quản lý thị trường đã kiểm tra, xử lý 90 vụ vi phạm kinh doanh hàng hóa nhập lậu, tạm giữ 185.545 đơn vị sản phẩm. 111 vụ vi phạm hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ, tạm giữ 49.187 đơn vị sản phẩm. Về hàng giả, có 129 vụ vi phạm về kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu; xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, tạm giữ 12.321 đơn vị sản phẩm quần áo, giày dép, túi xách, ví, đồng hồ… giả nhãn hiệu Rolex, Hermes, Burberry, Dior...

Trên thực tế, Chính phủ đã khẳng định, buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả không chỉ là lực cản đang làm suy yếu nền kinh tế đất nước mà còn liên quan, gắn bó và nảy sinh tệ nạn tham nhũng, làm suy yếu chức năng quản lý, đấu tranh của các cơ quan thực thi pháp luật. Với quyết tâm ngăn chặn và đẩy lùi quốc nạn này, hàng loạt tổ chức đã ra đời như Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389); lực lượng Quản lý thị trường tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước; Hiệp hội chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam (Vatap). Mới đây nhất, Hội Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam đã thành lập Viện chống gian lận thương mại và hàng giả.

Ông Bùi Văn Quyền - Viện trưởng Viện chống giam lận thương mại và hàng giả cho biết, viện ra đời nhằm tập hợp, quy tụ sức mạnh về công nghệ trên cả nước để ứng dụng trong chống gian lận thương mại. Sự ra đời của Viện đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong công cuộc phòng chống gian lận thương mại và hàng giả, tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, chất lượng hàng hóa tiêu dùng.

Để làm được điều này, Viện chống gia lận thương mại và hàng giả sẽ thực hiện tuyên truyền phổ biến đưa chính sách, pháp luật của Nhà nước đến các doanh nghiệp. Đồng thời tập huấn, nâng cao nhận thức người tiêu dùng, doanh nghiệp về phòng chống gian lận thương mại và hàng giả.

Ông Trần Văn Dũng - Phó Trưởng Văn phòng Đại diện tại TP. Hồ Chí Minh - Tổng Cục Quản lý thị trường cho rằng, sau dịch Covid-19, các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn, trong bối cảnh đó, Viện chống gia lận thương mại và hàng giả ra đời được kỳ vọng sẽ hỗ trợ các cơ quan chức năng trong hành trình phòng chống gian lận thương mại và hàng giả trong thời gian tới.

Bằng quyết tâm và sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan chức năng liên quan, công tác đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng đã đạt được những thành quả đáng khích lệ, nhiều vụ việc được người tiêu dùng và các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính ủng hộ và đánh giá cao. Tuy nhiên, cuộc chiến với vấn nạn này vẫn còn nhiều công phu, lâu dài và vô cùng khó khăn.

Liệu vấn nạn này có sớm được cải thiện, và việc kiểm soát hàng giả, hàng nhái có thực sự hiệu quả? Điều đó cũng cần thời gian, lộ trình cũng như các giải pháp của lực lượng chức năng. Dù vậy, người tiêu dùng vẫn có quyền tin tưởng và kỳ vọng vào sự quyết liệt của cơ quan chức năng, cùng với sự đồng thuận của xã hội, sự phối hợp có hiệu quả của nhiều cơ quan, ban ngành và đặc biệt là sự đồng tình ủng hộ của công chúng người tiêu dùng và các doanh nghiệp chân chính, chúng ta sẽ sớm kiểm soát được vấn đề này.

Nhanhieuviet (Theo Báo Công Thương - Link gốc)

.

                             

TRUNG TÂM THÔNG TIN CÔNG NGHIỆP VÀ THƯƠNG MẠI VIỆT NAM - BỘ CÔNG THƯƠNG.

Giấy phép của Bộ Thông tin và Truyền thông số 55/GP-TTĐT, cấp ngày 02/6/2015.
Địa chỉ: 655 Phạm Văn Đồng - Bắc Từ Liêm - Hà Nội.
Điện thoại: 04 3934 1911  -  Email: info@nhanhieuviet.gov.vn