3/31/2017 2:32:00 PM
.

Nỗ lực nâng cao chất lượng thuốc Việt


Trước áp lực cạnh tranh ngày càng gia tăng, để có được lợi thế, các DN ngành dược buộc phải tìm cho mình một hướng đi riêng. Trong đó, nâng cấp nhà máy lên các tiêu chuẩn quốc tế là một giải pháp được nhiều DN lớn lựa chọn.

Nhiều DN đang triển khai các kế hoạch nâng cấp nhà máy lên chuẩn EU-GMP hoặc PIC/S - một trong các chuẩn mực chất lượng cao nhất - để nâng cao chất lượng thuốc, đáp ứng thói quen tiêu dùng thuốc chất lượng cao ngày càng tăng và né nhóm đấu thầu ETC (thuốc kê đơn) số 3, nơi cạnh tranh bằng giá diễn ra hết sức khốc liệt. Theo xu hướng này, Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng các DN đã và đang tiến hành đầu tư nhà máy đạt các chuẩn này như Imexpharm (IMP), Domesco (DMC), Traphaco (TRA), Dược Hậu Giang (DHG) sẽ có lợi thế hơn các công ty khác. Bởi phần lớn các công ty còn lại trong ngành sở hữu danh mục sản phẩm dễ sản xuất và trùng lắp, với tỷ trọng lớn là các thuốc kháng sinh hạ sốt. Những công ty có thể bứt phá cần có cho mình một vài sản phẩm đặc trị, có lợi thế thị phần ở một thị trường hay phân khúc sản phẩm nhất định, ví dụ như Pharmedic với thuốc sát khuẩn Povidine.

Công ty dược hàng đầu của Nhật Bản - Taisho đang hỗ trợ DHG nâng cấp dây chuyền sản xuất viên sủi theo tiêu chuẩn GMP-PIC/S. DHG đã đề xuất dự án này năm 2015 với khoản vốn 200 tỷ đồng với mục đích nâng cấp dây chuyền sản xuất theo tiêu chuẩn cao hơn để tăng cường doanh thu tại thị trường bệnh viện. Sau một thời gian, DHG đã khởi động trở lại dự án và được Taisho tư vấn kỹ thuật. Dự kiến dây chuyền này sẽ bắt đầu đóng góp doanh thu từ năm 2018 trở đi. Thông qua hợp tác chiến lược với Taisho, ban lãnh đạo DHG xác định hướng đi trong những năm tới sẽ là sản phẩm thực phẩm chức năng có nguồn gốc đông dược.

Theo dự báo của Bộ Y tế, tỷ trọng doanh thu thị trường thuốc đông dược sẽ tăng mạnh từ 1-1,5% hiện tại lên mức 30% trong 5 năm tới nhờ sự bùng nổ về tiêu thụ thực phẩm chức năng có nguồn gốc đông dược do nhu cầu giảm thiểu tác hại từ nhịp sống gấp gáp và môi trường đang ngày càng ô nhiễm. Theo đó, các DN trong nước có nhiều lợi thế để sản xuất thực phẩm chức năng có nguồn gốc đông dược nhờ vào nguồn nguyên dược liệu phong phú với khoảng 4.000 loại thảo dược cùng kinh nghiệm truyền thống về đông y. Thêm vào đó, thuế nhập khẩu đối với thực phẩm chức năng hiện nay ở mức tương đối cao (15%) nên các sản phẩm thực phẩm chức năng đông dược nội địa hầu như chiếm lĩnh phân khúc bình dân.

Ngoài ra, trong giai đoạn tới, Cục an toàn thực phẩm sẽ bắt buộc các DN sản xuất thực phẩm chức năng đáp ứng tiêu chuẩn GMP HS (tiêu chuẩn GMP đối với thực phẩm chức năng), qua đó giảm bớt tình trạng lộn xộn trên thị trường thực phẩm chức năng. Điều này kỳ vọng sẽ tạo thuận lợi cho những thực phẩm chức năng chất lượng của DHG. Theo đó, Công ty chứng khoán BSC dự báo doanh thu 2017 của DHG sẽ đạt 4.150 tỷ đồng, tăng 10,6% so với năm 2016. Trong khi đó, lợi nhuận sau thuế được dự báo sẽ tăng trưởng nhanh hơn với mức tăng 12%, đạt khoảng 730 tỷ đồng.

Tương tự, trong năm 2017, Công ty CP Dược - Trang thiết bị y tế Bình Định (DBD) sẽ tiếp tục triển khai thực hiện dự án Nhà máy sản xuất thuốc điều trị ung thư và thuốc viên non-betalactam (không phải kháng sinh) đạt tiêu chuẩn GMP-PIC/S. Trước đó, trong năm 2016, DBD đã phối hợp với Công ty Testa Tây Ban Nha lên ý tưởng thiết kế nhà máy theo chuẩn GMP-PIC/S, đã giải ngân tiền thuê đất tại KCN Nhơn Hội (diện tích 6 ha) khoảng 11,3 tỷ đồng. Khoảng năm 2018 - 2019, nhà máy theo chuẩn GMP-PIC/S của DBD sẽ đi vào hoạt động. Sau khi hoàn thành, các nhà máy mới sẽ đóng góp lớn vào kết quả kinh doanh của công ty nhờ gia tăng sản lượng sản xuất và trúng thầu vào nhóm thầu cao hơn, mang lại giá trị gia tăng cao hơn cho DBD. Theo đánh giá của Công ty chứng khoán BSC, sản phẩm thuốc điều trị ung thư của DBD được coi là không có đối thủ cạnh tranh nếu so sánh với các DN sản xuất trong nước do có dây chuyền sản xuất theo chuẩn GMP-WHO, trong khi các bên tương tự hiện chưa có và có nghiên cứu khoa học cấp nhà nước và đầy đủ cơ sở khoa học. BSC cho rằng, kết quả kinh doanh của DBD sẽ cải thiện mạnh nhờ tăng trưởng tiêu thụ và đóng góp từ nhà máy mới xây dựng theo tiêu chuẩn PIC/S.

Khác với hầu hết các DN dược nội địa tập trung vào phân khúc thuốc giá rẻ, IMP lựa chọn sản xuất thuốc chất lượng cao với giá hợp lý so với thuốc nhập khẩu. Bên cạnh đó, IMP cũng đi tiên phong trong việc xây dựng dây chuyền đạt chuẩn EU – GMP với việc 3 dây chuyền tại Bình Dương được cấp giấy chứng nhận trong tháng 9/2016. Công ty hiện đang xây dựng và dự kiến hoàn thành nhà máy thuốc đặc trị công nghệ cao theo tiêu chuẩn EU - GMP tại Bình Dương vào cuối năm 2017 và dự kiến triển khai nhà máy kháng sinh công nghệ cao tại khu công nghiệp Vĩnh Lộc. BSC dự báo IMP sẽ tăng trưởng mạnh trong năm 2017 nhờ đóng góp từ các dây chuyền đạt chuẩn EU - GMP. Theo đó, doanh thu năm 2017 ước đạt khoảng 1.200 tỷ đồng tăng 24% so với năm 2016, lợi nhuận sau thuế ước đạt 120 tỷ đồng, tăng trưởng 35%.

Trong quý III/2017, dự án Nhà máy dược Việt Nam của TRA đạt tiêu chuẩn GMP-EU với tổng mức đầu tư 477 tỷ đồng cũng sẽ được đưa vào vận hành thương mại. Hiện dự án đã cơ bản hoàn thành tất cả 11 hạng mục xây lắp, bao gồm: xưởng nhỏ mắt nhỏ mũi, xưởng thuốc nước, xưởng thuốc viên, nhà điều hành, kho nguyên liệu, kho thành phẩm, hạ tầng giao thông… Dự án cũng đã cơ bản hoàn thành nhập khẩu, lắp đặt và chạy thử các dây chuyền bao gồm: thiết bị tự động cho dây chuyền nhỏ mắt nhỏ mũi, dây chuyền thuốc nước, dây chuyền thuốc viên, kem mỡ… Công ty ước tính doanh thu năm 2017 của nhà máy dự kiến sẽ đạt 100 tỷ đồng. Trên cơ sở đó, TRA đặt kế hoạch doanh thu năm 2017 dự kiến đạt 2.000 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất dự kiến đạt 242 tỷ đồng, tăng trưởng 15%.

Theo Boston Consulting Group, tầng lớp trung lưu và giàu có của Việt Nam sẽ tăng gấp đôi lên 33 triệu người vào năm 2020 dẫn tới nhu cầu sử dụng dịch vụ y tế cao cấp sẽ tăng trưởng mạnh. Trong khi đó, Chính phủ đang tập trung đẩy mạnh từ tỷ lệ bao phủ của Bảo hiểm y tế toàn dân từ mức hiện tại là 77,1% lên mức 80% vào năm 2020. Điều này sẽ thúc đẩy tăng trưởng doanh thu các loại dược phẩm nằm trong danh mục thanh toán thuốc bảo hiểm y tế.

Nhanhieuviet (Theo baohaiquan.vn)

.
.
.
.

                             

TRUNG TÂM THÔNG TIN CÔNG NGHIỆP VÀ THƯƠNG MẠI VIỆT NAM - BỘ CÔNG THƯƠNG.

Giấy phép của Bộ Thông tin và Truyền thông số 55/GP-TTĐT, cấp ngày 02/6/2015.
Địa chỉ: 655 Phạm Văn Đồng - Bắc Từ Liêm - Hà Nội.
Điện thoại: 04 3934 1911  -  Email: info@nhanhieuviet.gov.vn