2/9/2017 8:46:00 AM
.

Tôm Việt có vượt được “rào” vào Mỹ


Số phận con tôm Việt vào thị trường Hoa Kỳ trong năm 2017 đang phụ thuộc khá nhiều vào kỳ xem xét hoàng hôn (5 năm xem xét một lần) lần thứ hai về thuế chống bán phá giá vào tháng 5/2017 tới. 

Cuối tuần trước, truyền thông Mỹ đưa tin, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) thông báo tôm Việt XK vào thị trường này sẽ tiếp tục bị áp thuế chống bán phá giá bởi DOC nhận thấy rằng việc xóa bỏ lệnh chống bán phá giá có thể dẫn tới việc bán phá giá tiếp tục tái diễn.

Liệu có sự phân biệt, đối xử?

Luật sư Jarrod Goldfeder, một người chuyên hỗ trợ DN trong các tranh chấp thương mại tại Trade Pacific PLLC nói rằng, các phán quyết về chống bán phá giá của DOC đối với con tôm Việt Nam dường như không bình thường, nó khá khác biệt với các phán quyết trong các trường hợp tương tự. Ông đưa ra dẫn chứng rằng, trong phán quyết sơ bộ hồi tháng 3/2016, DOC đã tính toán mức thuế 2,86% cho Cty Minh Phu Seafood Corp; 4,78% cho Stapimex, và 3,56% cho các nhà XK Việt Nam, các Cty chứng minh thuộc đối tượng được hưởng “mức thuế tự nguyện” không dựa trên sự kiểm soát của Chính phủ Việt Nam.

Cũng theo ông Jarrod Goldfeder, mức thuế mà DOC đưa ra trong kỳ xem xét hoàng hôn lần thứ 11 hồi tháng 11/2016 đối với các lô hàng từ ngày 1/2/2015 đến 31/1/2016 với mức thuế cho các bị đơn vẫn được duy trì ở mức tương đương như trong kỳ xem xét hoàng hôn lần thứ 10 vào tháng 9/2016. Đợt xem xét này bao gồm các lô tôm từ Ấn Độ và Việt Nam trong giai đoạn từ 1/2/2014 đến 31/1/2015. Trong kết luận sơ bộ ở kỳ này, DOC đã lựa chọn 2 DN làm bị đơn bắt buộc với mức thuế là 2,86% và 4,78%. Từ đó, mức thuế sơ bộ của các bị đơn tự nguyện là 3,56%. Điều đáng nói, trong kết luận cuối cùng, DOC chỉ lựa chọn duy nhất một bị đơn bắt buộc với mức thuế suất giữ nguyên so với quyết định sơ bộ là 4,78%. Vì vậy, các bị đơn tự nguyện cũng nhận mức thuế suất 4,78%. Thuế suất toàn quốc là 25,76%.

Theo các chuyên gia, một trong những nguyên nhân chính dẫn tới biên độ phá giá tăng đáng kể trong POR10 là do DOC tiếp tục áp dụng phương pháp định giá phân biệt, nghĩa là lại sử dụng phương pháp “quy về 0- zeroing” để tính toán biên độ phá giá. Đây là phương pháp tính nếu xét trên quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) là chưa phù hợp – nơi mà Việt Nam và Hoa Kỳ là hai nước thành viên.

Giải thích thêm về phán quyết này, ông Trương Đình Hoè, Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và XK thuỷ sản VASEP cho rằng, trong lúc đang trong đợt xem xét hoàng hôn thì thuế chống bán phá giá vẫn tiếp tục được áp dụng như trong các kỳ xem xét hành chính trước đó. “Thủ tục này xem xét 5 năm một lần là để xem nếu đủ điều kiện, tức chứng minh XK tôm Việt vào Mỹ không gây thiệt hại cho ngành công nghiệp tôm nội địa của Mỹ. Khi đó, việc áp thuế CBPG đối với tôm nhập khẩu từ Việt Nam, coi như kết thúc” – ông Hòe cho biết.

Còn nhiều “cửa”

Ông Nguyễn Huy Điền, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho rằng, dù thế nào thì dư địa thị trường của con tôm còn rất lớn, nhu cầu thị trường đối với sản phẩm tôm còn nhiều khi kinh tế thế giới đang phục hồi mạnh mẽ. Thậm chí, các tổ chức nghiên cứu thị trường đều chưa dự đoán được ngưỡng giới hạn của nhu cầu sử dụng sản phẩm tôm, trong khi đó khả năng tăng sản lượng tôm sú trên thế giới rất hạn chế.

Nhưng dù thế nào, việc XK tôm vào thị trường Mỹ vẫn có thể duy trì được sản lượng như hiện nay (đang bị áp thuế chống bán phá giá). Vì vậy, các DN cần phải chủ động giữ được sản lượng vào thị trường này trong khi phải mở rộng thêm các thị trường khác.

Dù vậy, VASEP vẫn lưu ý, trong năm 2017, các DN XK tôm sẽ phải cạnh tranh gay gắt với Ấn Độ và Thái Lan. Đây là hai quốc gia có ưu thế về nguồn cung ổn định và giá thành thấp hơn so với tôm Việt Nam. Vì vậy, người nuôi tôm cần lưu ý chú trọng hơn nữa vào quy trình nuôi để giảm dịch bệnh và hạ giá thành.

Năm nay, VASEP nhận định Canada là thị trường mới nổi mà con tôm Việt có thể gia tăng sản lượng. Thị trường này ngày càng ưa chuộng sản phẩm thủy sản chế biến, nhất là tôm chế biến và tôm đông lạnh, do tính tiện dụng cao. Nhất là mặt hàng tôm còn vỏ ướp đá hoặc đông lạnh được chuộng hơn cả.

Nhanhieuviet (Theo http://enternews.vn)

.
.
.
.

                             

TRUNG TÂM THÔNG TIN CÔNG NGHIỆP VÀ THƯƠNG MẠI VIỆT NAM - BỘ CÔNG THƯƠNG.

Giấy phép của Bộ Thông tin và Truyền thông số 55/GP-TTĐT, cấp ngày 02/6/2015.
Địa chỉ: 655 Phạm Văn Đồng - Bắc Từ Liêm - Hà Nội.
Điện thoại: 04 3934 1911  -  Email: info@nhanhieuviet.gov.vn