2/13/2024 7:23:00 PM
.

Làm bông lúa siêu to khổng lồ để định vị thương hiệu du lịch Lai Châu


Với đặc sản gạo Séng Cù nổi tiếng, Lai Châu có thể làm biểu trưng bông lúa hay hạt gạo siêu to khổng lồ để định vị thương hiệu, thu hút khách du lịch.

Đó là chia sẻ của ông Vũ Văn Tuyên, giám đốc Công ty du lịch Travelogy Việt Nam, tại tọa đàm đánh giá sản phẩm du lịch Lai Châu do tỉnh này tổ chức đầu tháng 11.

Cần định vị rõ nét thương hiệu du lịch Lai Châu

Với hơn 20 năm làm lĩnh vực du lịch, ông Tuyên khẳng định Lai Châu có những tiềm năng để phát triển du lịch mà các tỉnh thành khác không có được.

"Hiếm có tỉnh thành nào hội tụ tất cả một chuỗi, một hệ sinh thái du lịch từ du lịch cộng đồng, du lịch mạo hiểm, du lịch nghỉ dưỡng đến du lịch bảo vệ môi trường" - ông Tuyên nói.

Dù có tiềm năng song theo ông Tuyên, du lịch Lai Châu vẫn còn nhiều thách thức nếu muốn phát triển mạnh về du lịch.

Đầu tiên là việc đánh giá thương hiệu, điểm đến du lịch của Lai Châu chưa rõ nét.

Thứ hai, tất cả các chuỗi cung ứng về du lịch của Lai Châu đang bị đứt, từ hệ thống giao thông cũng như khách sạn, nhà hàng. Đặc biệt nhân sự hoạt động trong các lĩnh vực du lịch chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường.

Tiếp đến, hệ sinh thái du lịch còn non so với các tỉnh thành khác, nhất là "ba anh hàng xóm" vô cùng cao to, đẹp trai, nhiều kinh nghiệm Sa Pa (Lào Cai), Điện Biên Phủ (Điện Biên) và Mộc Châu (Sơn La).

Để phát triển du lịch Lai Châu, ông Tuyên đề nghị tỉnh cần làm rõ nét những điểm du lịch. Ví dụ du lịch trekking thì Lai Châu có ba ngọn núi đẹp nhất Việt Nam, thậm chí các nước Đông Nam Á còn phải ghen tị.

"Ngoài nóc nhà Đông Dương của Sa Pa, đây là những điểm đến vô cùng hấp dẫn, nhưng sản phẩm du lịch cũng như truyền thông về ba nơi này chưa rõ nét. Do đó cần phải định vị lại thông điệp truyền thông để làm sao du khách đến Lai Châu trải nghiệm một lần trong đời" - ông Tuyên nói.

Cũng theo ông Tuyên, huyện Than Uyên là một điểm nhấn để phát triển du lịch của tỉnh nhưng không có slogan, logo hay biểu trưng nào rõ nét.

"Ví dụ Than Uyên có đặc sản gạo Séng Cù, nên chăng chúng ta làm biểu trưng một bông lúa, một hạt gạo siêu to khổng lồ... giống như bà Tân Vlogs. Nếu làm được thì bất kỳ khách du lịch khi đi qua Than Uyên cũng phải dừng lại để chụp ảnh.

Chúng ta có thể làm định vị thương hiệu như thế, từ đó giúp du lịch của địa phương phát triển hơn" - ông Tuyên gợi ý.

Tạo ra các sản phẩm du lịch độc đáo

Bà Trần Thị Ngân Giang - phó hiệu trưởng, trưởng khoa du lịch Trường cao đẳng Đại Việt - cũng cho rằng Lai Châu đang có rất nhiều tiềm năng về tài nguyên, về văn hóa, phong tục, tập quán, thậm chí cả đa dạng sinh học. Tuy nhiên tỉnh chưa khai thác, tạo thành sản phẩm du lịch độc đáo cho chính địa phương cũng như du khách muốn trải nghiệm sự độc lạ.

Tỉnh phải làm sao phát huy và xây dựng được nhiều làng du lịch cộng đồng bền vững và phát huy được tất cả các giá trị văn hóa của địa phương và tất cả người dân cùng tham gia vào hoạt động du lịch.

Chẳng hạn hộ gia đình có điều kiện có thể sử dụng nhà ở của họ để làm nơi lưu trú cho khách, các hộ khác thì có thể làm ẩm thực, các sản phẩm văn hóa, sản phẩm nông nghiệp...

Bà Giang cũng kiến nghị Lai Châu cần mở thêm du lịch học tập, du lịch kết hợp nghỉ dưỡng vì có tiềm năng rất lớn về tài nguyên sinh học.

Trên cơ sở các ý kiến thảo luận, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Lai Châu Tống Thanh Hải khẳng định tỉnh sẽ tiếp thu các ý kiến tham gia, đề xuất của các cơ quan chuyên môn, các doanh nghiệp lữ hành, cơ quan truyền thông để tiếp tục hoàn thiện, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch Lai Châu, dần đáp ứng nhu cầu thị trường, du khách và xu hướng phát triển của du lịch trong thời gian tới.

Nhanhieuviet (Theo Tuổi trẻ - Link gốc)

.
.
.
.

                             

TRUNG TÂM THÔNG TIN CÔNG NGHIỆP VÀ THƯƠNG MẠI VIỆT NAM - BỘ CÔNG THƯƠNG.

Giấy phép của Bộ Thông tin và Truyền thông số 55/GP-TTĐT, cấp ngày 02/6/2015.
Địa chỉ: 655 Phạm Văn Đồng - Bắc Từ Liêm - Hà Nội.
Điện thoại: 04 3934 1911  -  Email: info@nhanhieuviet.gov.vn