12/25/2019 9:09:00 AM
.

Tại sao cần phải đăng ký nhãn hiệu cho nông sản địa phương


Tại Việt Nam, nông sản địa phương luôn đóng trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp tuy nhiên giá trị của chúng vẫn còn chưa được đánh giá cao do chưa được đăng ký bảo hộ đầy đủ.

Mặc dù sản phẩm nông sản địa phương luôn là yếu tố đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế nông nghiệp của nước ta hiện nay nhưng có thể dễ dàng nhận thấy giá trị nông sản Việt vẫn còn chưa được đánh giá cao về chất lượng, nguồn gốc xuất xứ và số lượng.

Điều này xảy ra phần lớn là do hiện tượng các sản phẩm địa phương vẫn còn tràn lan rất nhiều trên thị trường làm cho người tiêu dùng khó có thể nhận diện đúng nông sản của địa phương sản xuất do đó làm thiệt hại đến cả sức khỏe cũng như uy tín của nơi sản xuất nông sản. Chính vì vậy việc đăng ký nhãn hiệu nông sản Việt là rất cần thiết và quan trọng.

Khi đăng kí nhãn hiệu nông sản cho các sản phẩm tại địa phương sẽ giúp khẳng định tên tuổi cho các vùng địa lý được bảo hộ nhãn hiệu, nâng cao chất lượng làm cho nhiều người biết đến cả trong nước và nước ngoài. Hơn nữa, bảo hộ nhãn hiệu cho các nông sản địa phương sẽ góp phần tạo điều kiện giúp cho các mặt hàng nông sản được xuất khẩu ra thế giới nhờ có được các minh chứng về tên tuổi, nguồn gốc xuất xứ.

Các đối tượng đăng kí bảo hộ bao gồm: Nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu liên kết…

Theo quy định của Luật SHTT để đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm nông nghiệp, người nộp đơn cần chuẩn bị các tài liệu, hồ sơ sau đây: Giấy ủy quyền đăng ký nhãn hiệu; Tờ khai đăng ký nhãn hiệu theo mẫu; Mẫu nhãn hiệu cần đăng ký; Danh mục sản phẩm nông sản cần đăng ký nhãn hiệu nêu ở trên; Chứng từ nộp lệ phí và lệ phí theo quy định

Ngoài việc thực hiện bảo hộ và đăng ký nhãn hiệu theo quy định, các địa phương cũng cần thực hiện các hành động bổ trợ để khẳng định tên tuổi và thương hiệu cho sản phẩm nông sản bằng cách: Tuyên truyền, vận động bà con ở những vùng có đặc sản tích cực tham gia vào các hội, hiệp hội, làng nghề để cùng nhau chung sức, chung lòng xây dựng, phát triển và bảo vệ các đặc sản truyền thống. Tránh trường hợp mạnh ai người ấy làm như lâu nay, dẫn đến tự cạnh tranh lẫn nhau, làm mai một danh tiếng của đặc sản. Ngoài ra, chính quyền địa phương nơi có đặc sản nên có chính sách khuyến khích, hỗ trợ bà con về việc chọn lựa, khôi phục cây giống, con giống, tạo nên và giữ được đặc sản đúng là truyền thống.

Đồng thời, địa phương và các tổ chức kinh doanh nông sản cũng cần thường xuyên tổ chức việc quảng bá các đặc sản với các hình thức khác nhau như: mở các cuộc triển lãm, đưa sản phẩm vào các siêu thị, trưng biển hiệu; Tiến hành quản lý tốt các đối tượng này sau khi đăng ký, thông qua các quy chế sử dụng, quy chế quản lý và cần xử lý nghiêm các sai phạm do lợi dụng danh tiếng của đặc sản mà làm ăn gian dối, mang sản phẩm ở vùng khác đến bán để kiếm lời, …; Liên kết để tạo ra mạng lưới phân phối chặt chẽ, nghiêm ngặt và có hiệu quả tại các siêu thị, trung tâm thương mại và cũng phải tính đến cả xuất khẩu để đặc sản thực sự phát huy thế mạnh và tạo nên thương hiệu mạnh của địa phương; ... để nâng cao giá trị và mức độ nhận diện cũng như tăng khả năng nhận thức của người tiêu dùng đối với các nông sản tại địa phương.

Nhanhieuviet (Theo Tạp chí Sở hữu Trí tuệ và Sáng tạo)

.
.
.
.

                             

TRUNG TÂM THÔNG TIN CÔNG NGHIỆP VÀ THƯƠNG MẠI VIỆT NAM - BỘ CÔNG THƯƠNG.

Giấy phép của Bộ Thông tin và Truyền thông số 55/GP-TTĐT, cấp ngày 02/6/2015.
Địa chỉ: 655 Phạm Văn Đồng - Bắc Từ Liêm - Hà Nội.
Điện thoại: 04 3934 1911  -  Email: info@nhanhieuviet.gov.vn