10/1/2019 8:50:00 AM
.

Tại sao số lượng đơn sáng chế của người Việt Nam còn khiêm tốn?


Mặc dù người Việt Nam luôn sáng tạo không ngừng nhưng so với các nước khác thì số lượng đơn sáng chế và giải pháp hữu ích của người Việt Nam vẫn còn khiêm tốn. Vậy nguyên nhân từ đâu?

Một chỉ số quan trọng và khách quan để đánh giá thành tựu khoa học của một nước là số bằng sáng chế. Số bằng sáng chế không chỉ phản ánh hiệu quả thực tiễn của các kết quả nghiên cứu lý thuyết, mà còn cho biết tiềm lực về nghiên cứu ứng dụng. Thực tế cho thấy những nước có nhiều bằng sáng chế thì thường xuất khẩu những sản phẩm công nghệ cao và thu được nhiều lợi nhuận.

Bằng sáng chế là hình thức sở hữu trí tuệ. Nó bao gồm một tập hợp các quyền độc quyền được cấp bởi một nhà nước có chủ quyền cho một nhà phát minh, hoặc nhận chuyển nhượng của họ trong một khoảng thời gian giới hạn để đổi lấy việc công bố công khai một kết quả sáng chế. 

Theo thông tin từ phía Cục Sở hữu Trí tuệ, tại Việt Nam, tuy số lượng đơn sở hữu trí tuệ nhận và xử lý tăng, nhưng số lượng đơn sáng chế, giải pháp hữu ích của người Việt Nam vẫn còn tương đối khiêm tốn và chưa đáp ứng được đòi hỏi phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa dựa trên sự phát triển khoa học công nghệ, công nghệ ứng dụng mà trong đó vai trò của các bằng độc quyền sáng chế là hết sức quan trọng.

Nguyên nhân chủ yếu do các chủ thể tại Việt Nam chưa hiểu hết được tầm quan trọng của việc xác lập và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Nhiều doanh nghiệp chưa biết tạo lợi thế cạnh tranh bằng công nghệ so với các chủ thể kinh doanh nước ngoài.

Mặt khác, do tâm lý sợ mất bản quyền khi bộc lộ các thông tin bí mật nên nhiều người không chọn cách đăng ký sáng chế, giải pháp hữu ích mà chọn cách bảo hộ khác như bảo hộ bí mật kinh doanh.

Chia sẻ với PV Sở hữu trí tuệ về vấn đề này, PGS.TS. Mai Hà, Chủ tịch Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Khoa học và Công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết: "Đúng là số lượng đơn sáng chế và giải pháp hữu ích của người Việt Nam vẫn còn khiêm tốn, mặc dù người Việt Nam yêu lao động và có đầu óc sáng tạo trong mọi lĩnh vực hoạt động xã hội. Khó khăn trong việc thúc đẩy đăng ký, thương mại hóa sáng chế có 2 khâu: Thứ nhất, do thiếu vắng môi trường cạnh tranh lành mạnh, nói cách khác là thiếu vắng môi trường tôn trọng và đánh giá sáng tạo (đó là khi sáng tạo cũng không hơn gì mấy so với không sáng tạo, hay sáng tạo xong thì bị người khác cướp công…), nên người dân không hào hứng sáng tạo. Thứ hai, việc quản lý và bảo hộ sở hữu trí tuệ chưa thật hiệu quả nên người dân chưa hiểu biết cách thức để đăng ký và cũng chưa quan tâm đến việc đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ và thương mại hóa".

Cũng theo ông, để các nhà sáng chế có điều kiện được cống hiến tối đa năng lực và đam mê sáng tạo, thì cần quan tâm đến nhiều yếu tố: "Việc đầu tiên là phải hình thành cho được môi trường cạnh tranh lành mạnh, một môi trường cần sáng tạo, môi trường tôn trọng sáng tạo. Nói thì có vẻ đơn giản, song đó là việc đảm bảo môi trường pháp lý và thực thi pháp lý nghiêm túc, phù hợp với kinh tế thị trường và thông lệ quốc tế. Khi có được môi trường cạnh tranh lành mạnh, thì việc làm tiếp theo là cải tổ hoạt động đầu tư và quản lý khoa học và công nghệ. Hình thành hệ thống quốc gia về đổi mới".

Nhanhieuviet (Theo Tạp chí Sở hữu Trí tuệ và Sáng tạo)

.
.
.
.

                             

TRUNG TÂM THÔNG TIN CÔNG NGHIỆP VÀ THƯƠNG MẠI VIỆT NAM - BỘ CÔNG THƯƠNG.

Giấy phép của Bộ Thông tin và Truyền thông số 55/GP-TTĐT, cấp ngày 02/6/2015.
Địa chỉ: 655 Phạm Văn Đồng - Bắc Từ Liêm - Hà Nội.
Điện thoại: 04 3934 1911  -  Email: info@nhanhieuviet.gov.vn