8/17/2017 1:40:00 PM
.

APEC 2017: Cơ hội, sao doanh nghiệp thờ ơ?


Trong khi các tổ chức, cơ quan quản lý và chính quyền Đà Nẵng hết sức quan tâm sự kiện Tuần lễ cấp cao APEC 2017 sẽ diễn ra vào tháng 11 tới, phần lớn doanh nghiệp địa phương lại tỏ ra thờ ơ. Vì sao như vậy?

Sự kiện Tuần lễ cấp cao APEC 2017 (APEC Summit 2017) được coi là một cơ hội lớn để các doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm, dịch vụ của mình với thế giới. Ấy vậy mà nhiều doanh nghiệp sở tại e dè, thậm chí nói thẳng, họ chịu không nổi chi phí cho quảng bá!

APEC không dành cho tất cả

Trước thực tế này, bà Nguyễn Thị Thúy Mai, Phó giám đốc Sở Công Thương Đà Nẵng nhận dịnh, phần lớn doanh nghiệp sản xuất tại Đà Nẵng có quy mô nhỏ nên hầu như không mong tìm thấy cơ hội tham gia vào các sự kiện lớn như Tuần lễ cấp cao APEC. Chỉ có các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, doanh nghiệp có vốn nước ngoài, doanh nghiệp Trung ương hoặc ở các địa phương khác có đầu tư ở Đà Nẵng mới chú ý tới cơ hội tham gia cùng APEC 2017.

Đây đúng là quan điểm khá phổ biến trong các doanh nghiệp Đà Nẵng. Thậm chí có doanh nghiệp thẳng thừng từ chối khi nghe đề cập đến các sự kiện quy mô quốc tế với lý do “mình nhỏ làm việc nhỏ, mơ chi sự kiện to”.

Giám đốc một nhà máy vật liệu xây dựng ở KCN Hòa Khánh bày tỏ: “Không, không có cơ hội nào cả. Việc gì chúng tôi quan tâm đến một sự kiện chẳng ăn nhập gì vào hoạt động của chúng tôi”. Với doanh nhân này, các gói thầu cung ứng cho các dự án đầu tư cơ sở vật chất phục vụ APEC 2017 diễn ra trên địa bàn cũng không dùng đến sản phẩm đơn vị ông, vì các đầu mối lớn ở hai đầu đất nước đã đảm nhận hết rồi.

“Làm ăn là cả một hệ thống. Sự thật khi một dự án được duyệt đầu tư cho APEC, các quan hệ hợp tác đều đã có từ trước, không hề có cơ hội cho doanh nghiệp địa phương như chúng tôi”, doanh nhân này lý luận như vậy.

Ngay một số doanh nghiệp du lịch, lữ hành Đà Nẵng khi nói đến APEC 2017, cũng bày tỏ thái độ hờ hững. Họ cho biết, hệ thống các địa điểm lưu trú, trải nghiệm sản phẩm du lịch ở địa phương trong thời gian chuẩn bị và cả diễn ra APEC đều đã được “chấm chọn” và đã có đơn vị cung ứng rồi. Đơn cử như Vietravel sẽ là đơn vị đảm nhận khâu vận chuyển, phục vụ các đại biểu tham dự APEC khi ra khỏi các điểm tổ chức chính thức. Nên với các doanh nghiệp du lịch khác, cơ hội để có thêm khách lưu trú trong dịp này là không thể. Thời điểm tháng 11/2017 cũng không phù hợp để Đà Nẵng khai thác du khách, càng khiến việc nhìn nhận cơ hội của các doanh nghiệp thêm hạn chế.

Trái lại, một số doanh nghiệp đầu tư quy mô lớn lại rất háo hức với APEC. Lãnh đạo Tổng công ty cổ phần Dệt may Hòa Thọ cho biết, đơn vị đã đề nghị tài trợ sản phẩm cà vạt cao cấp để làm quà tặng cho tất cả đại biểu, khách mời tham gia APEC 2017. Công ty cổ phần Cafe Mê Trang cho biết, đã đề nghị tài trợ quà tặng sản phẩm cao cấp cho các đại biểu và phục vụ cafe tại tất cả các điểm diễn ra các sự kiện liên quan đến APEC ở Đà Nẵng.

Cần nâng tầm vóc doanh nghiệp

Lãnh đạo Sở Ngoại vụ Đà Nẵng nhìn nhận, APEC 2017 thật sự là một sự kiện quốc tế tầm cỡ, có thể nói nằm ngoài định liệu của nhiều doanh nghiệp về cơ hội quảng bá, tiếp cận hình ảnh, thương hiệu ra bên ngoài. Sự việc 21 nguyên thủ của các nền kinh tế lớn hội tụ về Đà Nẵng được xem là điểm nóng của các dự án đầu tư có vốn nước ngoài, các dự án có tầm khao khát vươn ra khu vực. Kể cả con số hơn 1.000 nhà báo, đại diện truyền thông quốc tế đến Đà Nẵng dịp này cũng cực kỳ hấp dẫn các tổ chức, doanh nghiệp muốn hướng đến tầm vóc khu vực và quốc tế.

Song, một khi các doanh nghiệp địa phương chỉ đặt mục tiêu ổn định thị phần, nắm chắc cơ hội khả dĩ tại địa phương và quốc nội, rõ ràng yêu cầu tham gia vào sự kiện APEC là bất khả thi.

“Sự kiện nào, tầm cỡ đó” là tiêu chí quan trọng để các cơ quan quản lý tại đây đặt quan hệ thông tin, kết nối với các đơn vị doanh nghiệp Đà Nẵng nhằm quảng bá thiết thực cho APEC 2017.

“Dĩ nhiên nên đặt vấn đề về tầm nhìn của các doanh nghiệp, tại sao họ chưa thể mạnh dạn nắm lấy cơ hội tốt hơn? Phát triển luôn là mơ ước của các doanh nghiệp, nhưng kể từ cuộc đua thuyền buồm quốc tế Cliper trước đây mà Đà Nẵng từng chấp nhận tài trợ lớn, cho đến Lễ hội pháo hoa quốc tế được xã hội hóa 2 tháng trước, đều không thấy doanh nghiệp địa phương mặn mà nắm lấy cơ hội quảng bá, tiếp thị hình ảnh doanh nghiệp. Phải chăng vẫn còn những góc khuất nào đó trong thiết lập quan hệ hỗ trợ, hợp tác giữa chính quyền và các doanh nghiệp, giữa những nhà quản lý và làm chính sách với các đơn vị thụ hưởng chính sách”? Lãnh đạo một đơn vị chuyên về xúc tiến đầu tư kinh tế ở Đà Nẵng băn khoăn như vậy.

Theo lãnh đạo Sở Du lịch Đà Nẵng, thật sự để các doanh nghiệp quan tâm hơn vào các sự kiện quy mô, những cơ hội cuốn hút đầu tư, có bề sâu hơn ở tương lai mà địa phương đã cố gắng tạo ra, nhất thiết nên có những cơ chế, chính sách kích thích và vận động phù hợp hơn. Đây là lý do để Sở Du lịch Đà Nẵng đang lên một kế hoạch, lựa chọn một số sản phẩm du lịch tiêu biểu của địa phương, vận động các doanh nghiệp có dự án đầu tư tương quan, để mạnh dạn đề xuất và giới thiệu tại các hoạt động, diễn đàn kinh tế liên quan trong thời gian diễn ra APEC 2017 sắp tới.

“Một khi các doanh nghiệp nhìn thấy rõ cơ hội cho họ tại các sự kiện quốc tế lớn, họ mới đủ tự tin để quyết tâm đầu tư và qua đó, nâng tầm vóc vượt khỏi quy mô địa phương”, ông Nguyễn Xuân Bình, Phó giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng đánh giá như vậy../.

Nhanhieuviet (Theo Enternews)

.

                             

TRUNG TÂM THÔNG TIN CÔNG NGHIỆP VÀ THƯƠNG MẠI VIỆT NAM - BỘ CÔNG THƯƠNG.

Giấy phép của Bộ Thông tin và Truyền thông số 55/GP-TTĐT, cấp ngày 02/6/2015.
Địa chỉ: 655 Phạm Văn Đồng - Bắc Từ Liêm - Hà Nội.
Điện thoại: 04 3934 1911  -  Email: info@nhanhieuviet.gov.vn