4/12/2023 9:27:00 AM
.

Vi phạm quyền tác giả: Quy định xử phạt chưa đủ sức răn đe


Mới đây, Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã tổ chức hội nghị tổng kết, đánh giá việc thực hiện Nghị định số 131/2013/NĐ-CP ngày 16/10/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan.

Tại Hội nghị, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả Trần Hoàng cho biết, sau 10 năm thi hành Nghị định 131/2013/NĐ-CP, các điều khoản xử phạt hành chính, hành lang về pháp lý đã có những thay đổi. Việt Nam đã tham gia một loạt các điều ước quốc tế song phương, khu vực và đa phương về quyền tác giả, quyền liên quan. Trong đó, có Hiệp định CPTPP và EVFTA, gia nhập 2 Hiệp ước của Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới về quyền tác giả, quyền liên quan trên không gian mạng là Hiệp ước về quyền tác giả (WCT) và Hiệp ước về cuộc biểu diễn và bản ghi âm (WPPT). Đặc biệt, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ được Quốc hội thông qua năm 2022. Vì thế, các cơ quan, đơn vị, địa phương, tổ chức, cá nhân liên quan cần đánh giá việc thực hiện Nghị định để tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, đáp ứng yêu cầu của đời sống.

Bà Phạm Thị Kim Oanh, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả cũng báo cáo kết quả 10 năm thực hiện Nghị định 131. Bà cho biết, Nghị định được ban hành kịp thời, phù hợp với sự phát triển chung của xã hội; góp phần cụ thể hóa, thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với hoạt động văn hóa nói chung, góp phần tích cực trong việc đấu tranh, phòng chống vi phạm hành chính trong tình hình mới; đảm bảo tính răn đe, phòng ngừa vi phạm, giúp cho các cá nhân, tổ chức hiểu rõ hơn về những hành vi vi phạm hành chính, từ đó có những hành vi ứng xử phù hợp với  quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, ưu điểm của việc xử lý bằng biện pháp hành chính là cơ chế nhanh, gọn, có tính răn đe; đồng thời động viên, khích lệ, tạo động lực cho đội ngũ sáng tạo văn hóa nghệ thuật tiếp tục cống hiến, tích cực sáng tạo và phổ biến những tác phẩm có giá trị đến công chúng. Việc áp dụng biện pháp dân sự, hình sự sẽ ít hiệu quả trong những trường hợp không xác định được giá trị sản phẩm vi phạm hoặc giá trị hàng hóa xâm phạm là không cao, trong khi việc xác định giá trị hàng hóa xâm phạm phức tạp và có thể không phản ánh được giá trị của sự sáng tạo. Trình tự, thủ tục giải quyết các tranh chấp về quyền tác giả, quyền liên quan tại tòa án phức tạp, gây tốn kém về thời gian, công sức, tiền bạc cho các chủ thể quyền, khó đáp ứng nhu cầu xác định nhanh và chấm dứt ngay hành vi xâm phạm quyền.

Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả cũng chỉ ra những tồn tại, bất cập trong khi thực thi Nghị định. Theo bà, mức xử phạt đối với các hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan còn thấp; mức phạt tiền chỉ dựa vào hành vi, không căn cứ vào mức độ gây thiệt hại của hành vi.

Những sửa đổi, bổ sung về hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan và giới hạn quyền sở hữu trí tuệ tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2022 chưa được quy định tại Nghị định.

Cụ thể, bà cho biết, mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan đối với cá nhân là 250.000.000 đồng, đối với tổ chức là 500.000.000 đồng. Tuy nhiên, trong Nghị định số 131/2013/NĐ-CP, mức xử phạt đối với các hành vi xâm phạm quyền nhân thân, quyền tài sản của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan đối với cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng nhìn chung còn ở mức thấp.

Nghị định quy định mức phạt tiền chỉ dựa vào hành vi, không căn cứ vào mức độ gây thiệt hại của hành vi, không căn cứ vào giá trị số lượng hàng hóa sao chép lậu, chưa có sự phân loại theo đối tượng quyền tác giả, quyền liên quan bị xâm phạm dẫn đến việc xử phạt vi phạm hành chính chưa phù hợp, chưa đảm bảo tính răn đe, chưa tương xứng mức độ gây thiệt hại của hành vi đối với một số hành vi vi phạm, đặc biệt là vi phạm trên môi trường số, chẳng hạn: Hành vi truyền đạt tác phẩm đến công chúng mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả với hình phạt áp dụng là phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 35.000.000 đồng đối với cá nhân; không có hình phạt bổ sung là chưa đủ sức răn đe, đặc biệt với các tổ chức, doanh nghiệp đăng ký kinh doanh ở các lĩnh vực như website, app, media...

Bên cạnh đó, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả cũng cho rằng, việc phân định thẩm quyền xử phạt giữa các lực lượng có thẩm quyền xử phạt các ngành, lĩnh vực có liên quan đối với từng hành vi cụ thể còn chưa rõ ràng, cụ thể, dẫn đến khó khăn trong thực thi pháp luật quyền tác giả, quyền liên quan.

Về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Thanh tra, phân định thẩm quyền của Thanh tra Văn hóa, thể thao và du lịch/Văn hóa và Thểthao/Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch và Thanh tra Thông tin và Truyền thông đối với hành vi vi phạm trên môi trường số cần phân định rõ để khắc phục khó khăn trong thực thi pháp luật quyền tác giả, quyền liên quan giữa các đơn vị trong xử lý vụ việc vi phạm hành chính cụ thể. Thẩm quyền xử phạt trong một số trường hợp không giao cho cơ quan trực tiếp quản lý hoạt động chuyên môn, ví dụ: hành vi vi phạm quy định về đăng ký quyền tác giả, đăng ký quyền liên quan, trong đó phổ biến là kê khai không trung thực các giấy tờ, tài liệu trong hồ sơ để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký; hành vi vi phạm quy định về hoạt động của tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan… do đó để xử lý cần chuyển hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền xử phạt, dẫn đến giảm tính tức thời răn đe, giáo dục, ảnh hưởng đến hiệu quả thực thi pháp luật quyền tác giả, quyền liên quan.

Nhanhieuviet (Theo Tạp chí Sở hữu Trí tuệ - Link gốc)

.

                             

TRUNG TÂM THÔNG TIN CÔNG NGHIỆP VÀ THƯƠNG MẠI VIỆT NAM - BỘ CÔNG THƯƠNG.

Giấy phép của Bộ Thông tin và Truyền thông số 55/GP-TTĐT, cấp ngày 02/6/2015.
Địa chỉ: 655 Phạm Văn Đồng - Bắc Từ Liêm - Hà Nội.
Điện thoại: 04 3934 1911  -  Email: info@nhanhieuviet.gov.vn