6/29/2011 2:19:00 PM
.

Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm: Thành công và vấn đề đặt ra


6 tháng đầu năm, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, với mức tăng trưởng GDP ước đạt 5,6%. Năm 2010, Việt Nam đã đạt được vị thế quốc gia có thu nhập trung bình. Việt Nam đã có những bước chuyển đổi nhanh chóng về mặt kinh tế - xã hội, nhưng cũng đang phải đối mặt với không ít thách thức.

Trong hơn 2 năm sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, Việt Nam đã đạt được mức tăng trưởng ổn định, qua đó đã củng cố địa vị của Việt Nam là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương và đạt được vị thế quốc gia có thu nhập trung bình với GDP bình quân đầu người đạt khoảng 1.200 USD trong năm 2010. Tỷ lệ tăng GDP năm 2009 là 5,23% và năm 2010 là 6,78%. Những tháng đầu năm 2011, Việt Nam tiếp tục đạt được tỷ lệ tăng trưởng kinh tế cao với mức 5,43% trong 3 tháng đầu năm và 6 tháng đầu năm ước đạt 5,6%.

Tuy vậy, việc Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), lượng ngoại tệ ồ ạt đổ vào trong những năm 2007 - 2008, cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu và sự bất ổn định của thị trường ngoại tệ cùng với việc phụ thuộc quá vào mức tăng trưởng nhờ đầu tư, đã đặt ra các thách thức cho việc quản lý nền kinh tế vĩ mô, đặc biệt là việc kiểm soát lạm phát. 4 tháng đầu năm, tỷ lệ lạm phát lên mức cao, lên đến 13,95%, vượt xa chỉ tiêu 7% cho cả năm do Quốc hội đề ra.

Việt Nam đang phải đối mặt với các áp lực lạm phát lớn hơn nhiều so với nhiều khu vực trên thế giới. Giá thực phẩm, chi phí vận tải và nhà ở gia tăng là một trong nhiều nguyên nhân khiến lạm phát tăng cao. Theo một số ý kiến, trong thập kỷ qua, Việt Nam đã có mức lạm phát cao nhất trong khu vực và trên thế giới. Liên hợp quốc tại Việt Nam cho rằng, nguyên nhân của hiện tượng này một phần do các yếu tố nội tại, như các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam dành ưu tiên cho việc đạt được tỷ lệ tăng trưởng cao hơn là đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô. Việc sử dụng chính sách tiền tệ và tài chính còn lỏng lẻo trong một thời gian dài đã có những tác động tiêu cực đối với sự ổn định kinh tế vĩ mô và dẫn đến những giai đoạn lạm phát cao lặp đi lặp lại, kể cả những tháng đầu năm 2011.

Nhiều ý kiến cho rằng, đầu tư công thiếu hiệu quả là một vấn đề diễn ra song song với thâm hụt ngân sách đáng kể. Đầu tư công thiếu hiệu quả được thể hiện qua hệ số ICOR rất cao, lên đến mức 6-7, cao hơn khoảng 1,5 lần so với mức trung bình 3-5 ở các quốc gia khác trong khu vực. Tỷ lệ lợi nhuận tính trên giá trị cổ phiếu của doanh nghiệp nhà nước cũng rất thấp, chỉ ở mức 6,3% so với 17,6% của các công ty có cổ phiếu niêm yết trên thị trường chứng khoán và 28% của các doanh nghiệp nước ngoài. Đầu tư công thiếu hiệu quả đã dẫn tới lượng hàng nhập khẩu tăng, gây lên thâm hụt thương mại trầm trọng hơn. Vinashin là một ví dụ của những doanh nghiệp nhà nước hoạt động thiếu hiệu quả, gây kìm hãm sự phát triển của nền kinh tế. Chính sách tiền tệ lỏng lẻo đã dẫn đến lượng cung ứng tiền tệ cao, và cũng đã gây lên hiện tượng tăng trưởng tín dụng. Theo các số liệu của ADB, mức cung tiền đã tăng trung bình mỗi năm thêm 31,2% trong giai đoạn 2000-2009. Mặc dù Chính phủ đã thực thi chính sách thắt chặt tiền tệ, nhưng mức cung tiền năm 2010 cũng vẫn ở mức cao, tới 27%. Tuy cung tiền cao có thể giúp duy trì mức lãi suất thấp trong thời gian ngắn, nhưng đã không tránh khỏi việc dẫn đến hiện tượng giá cả cao hơn trong một thời gian dài. Mặt khác, Chính phủ đã sử dụng chính sách thắt chặt tiền tệ nhằm hạ nhiệt nền kinh tế nhưng chưa điều chỉnh kịp thời chính sách tài chính, trong đó có chi tiêu công. Điều này đã dẫn tới các doanh nghiệp tư nhân đã bị ảnh hưởng nhiều nhất do lãi suất ngân hàng tăng cao, trong khi các doanh nghiệp nhà nước vẫn được “ưu ái” với lượng chi tiêu và đầu tư công cao.

Theo một nghiên cứu do Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) tiến hành mới đây dưới sự tài trợ của Liên hợp quốc cho thấy mặc dù giá cả thế giới có tác động trực tiếp lên giá cả sản xuất, nhưng những đợt lạm phát cao phần lớn là do các nhân tố nội tại. Có thể thấy, việc Chính phủ ban hành Nghị quyết số 11 đã thể hiện một bước chuyển đổi chính sách quan trọng từ ưu tiên tăng trưởng kinh tế sang đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô trong thời gian dài hạn hơn.

Việt Nam đang nỗ lực kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội. Việc giảm đầu tư cho những doanh nghiệp nhà nước hoạt động kém hiệu quả là một dấu hiệu tích cực. Tuy vậy, cần có những hành động quyết liệt hơn trong việc cắt giảm các chương trình đầu tư công có quy mô lớn nhưng chưa cần thiết, trong đó có những chương trình do doanh nghiệp nhà nước thực hiện. Bên cạnh đó, cũng cần phải củng cố hệ thống đánh giá quốc gia các dự án đầu tư công, dựa trên các tiêu chí minh bạch để đảm bảo thu được lợi ích kinh tế, đánh giá các tác động xã hội, bảo vệ môi trường và khả năng chống biến đổi khí hậu./.

 (Nguồn: ĐCSVN)

.

                             

TRUNG TÂM THÔNG TIN CÔNG NGHIỆP VÀ THƯƠNG MẠI VIỆT NAM - BỘ CÔNG THƯƠNG.

Giấy phép của Bộ Thông tin và Truyền thông số 55/GP-TTĐT, cấp ngày 02/6/2015.
Địa chỉ: 655 Phạm Văn Đồng - Bắc Từ Liêm - Hà Nội.
Điện thoại: 04 3934 1911  -  Email: info@nhanhieuviet.gov.vn