6/15/2020 3:17:00 PM
.

Thị trường nông sản ngày 15/6: Vải thiều chính vụ đang được thu hoạch và tiêu thụ thuận lợi


Thông tin từ UBND tỉnh Bắc Giang cho hay đến thời điểm này vải thiều sớm của Bắc Giang đã được tiêu thụ hết. Vải thiều chính vụ đã bắt đầu vào thu hoạch và đang được tiêu thụ thuận lợi cả ở thị trường trong và ngoài nước theo đúng kịch bản mà tỉnh đã xây dựng từ đầu năm.

Dẫn nguồn Thương trường, tại Co.op Mart măng cụt, bơ sáp, chôm chôm nhãn, vải thiều… đồng loạt giảm đến 15%.

Tại hệ thống VinMart, táo queen New Zealand còn 62.000 đồng/kg; nho đen không hạt Úc có giá 147.000 đồng/kg; dưa hấu Sài Gòn loại 1 giảm còn 24.000 đồng/kg; táo breaburn New Zealand giá 43.000 đồng/kg…

Ở Smart Fruits, lê má hồng Nam Phi giảm còn 80.000 đồng/kg; cherry Mỹ size 10 giá 225.000 đồng/hộp; kiwi vàng New Zealand còn 200.000 đồng/kg; nho ngón tay Úc có giá 199.000 đồng/kg…

Dẫn nguồn Người Lao động, hiện giá vải thiều tại Bắc Giang cao nhất từ 40.000 - 45.000 đồng/kg; bình quân cao hơn từ 7.000 - 8.000 đồng/kg so với đầu vụ.

Những ngày qua, hoạt động thu mua vải thiều trên địa bàn tỉnh Bắc Giang rất sôi động, với trên 300 điểm cân; dự kiến giá vải trên địa bàn tỉnh còn tiếp tục tăng trong những ngày tới.

Trước đó, tỉnh Bắc Giang đã tổ hội nghị trực tuyến xúc tiến tiêu thụ vải thiều năm 2020 với 62 điểm cầu trong nước và 4 điểm cầu quốc tế đã thành công tốt đẹp.

Lô vải Thanh Hà đầu tiên khoảng 30 tấn đang vận chuyển vào nhà máy xử lý tại Tiền Giang trước khi đưa đi chiếu xạ và lên tàu biển đến Mỹ. Sau nhiều năm tìm kiếm, thử nghiệm, năm nay Vina T&T Group có thể bảo quản được trái vải tươi 45 ngày nên có thể đưa hàng sang Mỹ bằng đường biển, giúp quả vải đến tay người tiêu dùng tại Mỹ với giá hợp lý.

Dẫn nguồn Kinh tế và Tiêu dùng, năm 2020, vụ thu hoạch vải thiều của Trung Quốc kéo dài từ tháng 4 đến tháng 8. Trong đó, khoảng 70% sản lượng vải tươi chính vụ được thu hoạch từ trung tuần tháng 6 đến cuối tháng 7, không lệch quá nhiều so với mùa vải thiều của Việt Nam.

Tuy nhiên, ngoài nhu cầu dùng vải tươi, Trung Quốc còn dùng vải sấy khô làm mứt, bánh kẹo, thuốc, nước ép, ủ rượu. Hàng năm sản lượng vải tươi Trung Quốc đạt khoảng 1,55 triệu tấn, chiếm 50% tổng sản lượng trên thế giới, nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu nội địa.

Đầu tháng 6/2020, Việt Nam đã cho phép 309 thương nhân Trung Quốc nhập cảnh vào Việt Nam để thu mua vải thiều Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang nhưng phải thực hiện cách li 14 ngày để phòng dịch COVID-19. Do vậy, trong các tháng tới, nhập khẩu vải thiều của Trung Quốc từ Việt Nam sẽ tăng mạnh.

Cũng theo Trung tâm Thương mại Quốc tế, Trung Quốc nhập khẩu vải thiều chủ yếu từ 2 thị trường là Việt Nam và Thái Lan. Năm 2019, nhập khẩu vải thiều tươi của Trung Quốc từ Việt Nam đạt 65.600 tấn, trị giá 28,8 triệu USD, tăng 108,4% về lượng và tăng gàn 78,4% về trị giá so với năm 2018.

Tỉ trọng nhập khẩu vải thiều từ Việt Nam chiếm tới 98,6% trong tổng lượng nhập khẩu của Trung Quốc. Trong khi đó, tỉ trọng nhập khẩu từ Thái Lan chỉ chiếm 1,4% tổng lượng nhập khẩu, đạt 933 tấn, trị giá 972.000 USD, giảm 6% về lượng và giảm 15% về trị giá so với năm 2018.

Nhanhieuviet (Theo VITIC tổng hợp – Link gốc)

Tin trong ngày
Các tin khác
.

                             

TRUNG TÂM THÔNG TIN CÔNG NGHIỆP VÀ THƯƠNG MẠI VIỆT NAM - BỘ CÔNG THƯƠNG.

Giấy phép của Bộ Thông tin và Truyền thông số 55/GP-TTĐT, cấp ngày 02/6/2015.
Địa chỉ: 655 Phạm Văn Đồng - Bắc Từ Liêm - Hà Nội.
Điện thoại: 04 3934 1911  -  Email: info@nhanhieuviet.gov.vn