11/7/2022 9:46:00 AM
.

Từ việc KFC bị phản ứng vì tên chi nhánh: Hiểu đúng về cách đặt tên thương hiệu


Cũng như KFC, nhiều doanh nghiệp thường sử dụng tên đường để đặt tên cho chi nhánh mới, vậy việc đặt tên thương hiệu hiện nay được quy định như thế nào?

Vừa qua, thương hiệu KFC khai trương chi nhánh mới trên đường Thích Quảng Đức (quận Phú Nhuận, TP.HCM) và sử dụng cụm từ "KFC Thích Quảng Đức" trên một số thông tin quảng cáo, tuyển dụng. Điều này gây bức xúc trong một bộ phận cộng đồng Phật tử. Họ không đồng tình việc sử dụng tên của vị Danh tăng Phật giáo để đặt tên cho cửa hàng gà rán.

Nhận định sự việc dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng văn phòng Luật sư Kết Nối cho rằng việc doanh nghiệp đặt tên cửa hàng theo tên đường hiện nay đã trở nên phổ biến và không còn xa lạ.

Tại Điều 41 Luật Doanh nghiệp 2020 và Điều 18, 19 Nghị định 01/2021 cho phép người đăng ký doanh nghiệp có quyền tự do đặt và đăng ký tên cho doanh nghiệp của mình, bao gồm cả tên tiếng Việt hoặc tên tiếng nước ngoài nhưng phải tuân thủ không được trái các quy định.

Cụ thể, không đặt tên trùng hoặc tên gây nhầm lẫn với tên của doanh nghiệp đã đăng ký được quy định tại Điều 41 của Luật Doanh nghiệp; không sử dụng tên cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, tên của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp để làm toàn bộ hoặc một phần tên riêng của doanh nghiệp, trừ trường hợp có sự chấp thuận của cơ quan, đơn vị hoặc tổ chức đó; không sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc.

Theo Luật sư Hùng, một trong những tiêu chí khi xem xét tên doanh nghiệp có vi phạm hay không (đang gây nhiều tranh cãi) là trường hợp tên doanh nghiệp có sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc, mà thế nào là vi phạm những điều vừa nêu thì chưa có văn bản pháp luật nêu rõ.

“Hiện pháp luật trao quyền xem xét, đánh giá tên doanh nghiệp có bị xem là phạm luật hay không cho cơ quan đăng ký kinh doanh, nên việc có cấp phép trong các trường hợp tranh cãi hay không phụ thuộc ý chí chủ quan của cơ quan này", luật sư Hùng nói.

Theo luật sư Hùng, nếu KFC đã đăng ký tên thương hiệu "KFC Thích Quảng Đức" cho chi nhánh mới của mình và được cơ quan chức năng đã cấp phép, chứng tỏ tên gọi của cửa hàng này không vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc. 

Tuy nhiên theo ghi nhận thực tế, KFC không hề sử dụng tên Danh tăng trên biển hiệu, mà tên gọi "KFC Thích Quảng Đức" chỉ được sử dụng trong quảng cáo, và đơn thuần là cách gọi cửa hàng theo tên đường. Thực tế, lâu nay không chỉ KFC, nhiều doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh thường có xu hướng lấy tên đường, tên khu vực dân cư,... để đặt tên cho chi nhánh. Từ đó, người tiêu dùng dễ dàng định vị được vị trí của chi nhánh đó.

Bên cạnh đó, theo quy định hiện nay, ngoài những tên gọi theo Luật Doanh nghiệp, thì doanh nghiệp còn có một loại tên khác là tên thương mại theo Luật Sở hữu trí tuệ.

Khoản 21 Điều 4 Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) quy định: Tên thương mại là tên gọi của tổ chức, cá nhân dùng trong hoạt động kinh doanh, để phân biệt với các tổ chức, cá nhân khác trong cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh – tức là khu vực địa lý nơi tổ chức, cá nhân ấy có đối tác, khách hàng hoặc có danh tiếng.

Để được bảo hộ theo pháp luật Sở hữu trí tuệ, tên thương mại còn phải đáp ứng một số yêu cầu khác. Cụ thể: Chứa thành phần tên riêng, trừ trường hợp đã được biết đến rộng rãi; không trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với tên thương mại mà người khác đã sử dụng trong cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh; không trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của người khác hoặc với chỉ dẫn địa lý đã được bảo hộ trước ngày tên thương mại đó được sử dụng.

Luật Sở hữu trí tuệ không cấm doanh nghiệp cùng lúc sử dụng từ hai tên thương mại trở lên. Theo hướng đó, doanh nghiệp có quyền sử dụng hơn một tên thương mại, miễn là chứng minh việc sử dụng hợp pháp tên thương mại của mình theo đúng Luật Sở hữu trí tuệ. 

Do tên thương mại thường là tên doanh nghiệp sử dụng thường xuyên trong hoạt động kinh doanh, nên quyền sở hữu tên thương mại được xác lập trên cơ sở thực tiễn, sử dụng hợp pháp tương ứng với khu vực và lãnh thổ kinh doanh, mà không cần thực hiện thủ tục đăng ký tên thương mại đó tại cục Sở hữu trí tuệ. 

Trước đó, một cửa hàng KFC ở TP.HCM quảng cáo khai trương với tên gọi “KFC Thích Quảng Đức”, cách đặt tên trên đã khiến cộng đồng Phật tử bức xúc. Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã ra công văn đề nghị Tổng Giám đốc KFC Việt Nam xem xét và thay đổi tên gọi "KFC Thích Quảng Đức" để phù hợp với truyền thống, văn hoá nước sở tại.

Ngay sau đó, trên website của thương hiệu KFC Việt Nam, phần hệ thống nhà hàng đã cập nhật thành "KFC đường Thích Quảng Đức". Các trang bán hàng trực tuyến cũng đã cập nhật thành "KFC đường Thích Quảng Đức". Ngoài ra, KFC Việt Nam cũng đã gỡ bỏ phần thông tin tuyển dụng tại chi nhánh "KFC Thích Quảng Đức".

Nhanhieuviet (Theo Tạp chí Sở hữu Trí tuệ - Link gốc)

.
.
.
.

                             

TRUNG TÂM THÔNG TIN CÔNG NGHIỆP VÀ THƯƠNG MẠI VIỆT NAM - BỘ CÔNG THƯƠNG.

Giấy phép của Bộ Thông tin và Truyền thông số 55/GP-TTĐT, cấp ngày 02/6/2015.
Địa chỉ: 655 Phạm Văn Đồng - Bắc Từ Liêm - Hà Nội.
Điện thoại: 04 3934 1911  -  Email: info@nhanhieuviet.gov.vn