10/17/2022 9:34:00 AM
.

Vấn nạn xe điện, xe máy giả: Khó khăn trong việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ


Ngành công nghiệp sản xuất xe máy, xe điện ngày càng phát triển, tuy nhiên điều đó đồng nghĩa với việc gia tăng vấn nạn về hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Vài năm gần đây, xe đạp điện, xe máy điện đã trở lên phổ biến tại Việt Nam bởi ưu điểm gọn nhẹ, tiện lợi, tiết kiệm và thân thiện với môi trường. Để đáp ứng nhu cầu ngày một gia tăng của khách hàng, trên thị trường cũng xuất hiện hàng loạt thương hiệu, chủng loại xe điện với mức giá khác nhau.

Tuy nhiên, theo giới kinh doanh xe điện, ngoài những sản phẩm chính hãng, trên thị trường tồn tại rất nhiều dòng xe không có nhãn mác, nguồn gốc hợp pháp, trong đó đa phần là xe nhập lậu từ Trung Quốc. Những sản phẩm này thường có mức giá rẻ hơn, mẫu mã đa dạng hơn nên cũng được bán rộng rãi trên thị trường.

Trước tình trạng này, mới đây, tại Hà Nội, Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM) phối hợp với Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia 389 tổ chức hội thảo với chủ đề “Phòng, chống hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là xe điện, xe máy, phụ tùng xe máy - Thực trạng và giải pháp” nhằm tìm giải pháp cho vấn đề hàng giả hàng nhái nói chung, xe máy, xe điện và phụ tùng xe máy nói riêng, đồng thời đi sâu hơn về vấn đề kinh doanh hàng giả trên nền tảng thương mại điện tử trong bối cảnh chuyển đổi số và hội nhập hiện nay.

Tại hội thảo, VAMM cho biết hiện tại các thành viên của Hiệp hội (gồm Honda, Yamaha, Piaggio, Suzuki và SYM) đều chưa sản xuất/nhập khẩu xe điện để bán tại thị trường Việt Nam nhưng các mẫu xe điện gắn mác "xe máy điện Honda", "xe máy điện Vespa" lại được bán công khai tại nhiều cửa hàng, sàn thương mại điện tử.

Không chỉ xe điện mà các dòng xe nổi tiếng của các hãng như Honda Super Cub, Honda Wave, Yamaha Exciter, Piagigo Vespa... cũng bị làm nhái rất phổ biến và bán ra với mức giá cực rẻ để thu hút người dùng. Tình trạng hàng giả hàng nhái cũng xuất hiện đặc biệt nhiều ở các sản phẩm phụ tùng, phụ kiện dành cho xe máy, xe điện. Theo báo cáo, tính đến tháng 10 năm 2022, VAMM đã phát hiện và phối hợp cùng cơ quan chức năng xử lý thành công 292 trường hợp bán hàng giả, hàng nhái. Trong đó, dầu giả hơn 2000 chai, má phanh 950 cái, lọc gió 300 cái…

Với mục đích trục lợi, các đơn vị sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ đã bỏ qua các chi phí đầu tư để phát triển thương hiệu, chất lượng, kiểu dáng sản phẩm, thay vào đó lợi dụng tên tuổi và sự đầu tư sẵn có của các nhà sản xuất khác để sản xuất, kinh doanh các sản phẩm làm giả, làm nhái của mình. 

Phát biểu tại hội thảo, bà Đại Khả Quỳnh - Trưởng ban Sở hữu trí tuệ, VAMM cho biết thêm: "Cùng với vấn nạn hàng giả, hàng nhái, các thành viên của VAMM cũng gặp khó khăn trong việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ đối với các nhãn hiệu và kiểu dáng công nghiệp đã được bảo hộ tại Việt Nam. Trong các mẫu xe máy điện, xe máy 50cc đang được bày bán trên thị trường với đủ các mẫu mã, chủng loại, có không ít các sản phẩm mang yếu tố xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu và/hoặc kiểu dáng công nghiệp của các nhà sản xuất thuộc VAMM như: xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu và/hoặc kiểu dáng công nghiệp xe “Cub” của Honda, xe “Vespa” của Piaggio.

Tinh vi hơn, các đơn vị sản xuất xe máy điện nhái kiểu dáng công nghiệp của các dòng xe có thương hiệu chỉ thay đổi một số chi tiết nhỏ trong kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ để áp dụng cho sản phẩm của mình, khiến việc xử lý càng trở nên khó khăn hơn.

Điều đáng bàn là các thành viên VAMM chưa sản xuất/nhập khẩu xe điện để bán tại thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, các xe điện, xe máy 50cc mượn danh các nhãn hiệu này đang được bày bán công khai tại nhiều cửa hàng và cả trên nền tảng thương mại điện tử như xe máy điện Dibao Pansy, xe máy điện Vespa Sunshine, xe máy điện Honda EV-cub. Thậm chí, các dòng xe phổ biến đã được bảo hộ kiểu dáng công nghiệp tại Việt Nam như SH của Honda… cũng bị nhái kiểu dáng".

Tuy nhiên, cũng theo VAMM thì các vụ việc được cơ quan chức năng xử lý chỉ là bề nổi của tảng băng chìm. Đơn cử trong năm 2021, đã phát hiện và xử lý 394 trường hợp phụ tùng xe máy, xe điện hàng giả hàng nhái, nhưng theo VAMM ước tính có tới 5681 cửa hàng vi phạm trên toàn quốc.

Chính vì thế, để xử lý thực trạng này cần có sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng cũng như các doanh nghiệp và đơn vị có chuyên môn. Đồng thời, cần có những quy định pháp luật chặt chẽ hơn, chế tài xử phạt nặng hơn, cũng như có thêm những công cụ chính sách mạnh mẽ để châm dứt hàng giả, hàng nhái.

Nhanhieuviet (Theo Tạp chí Sở hữu Trí tuệ - Link gốc)

.
.
.
.

                             

TRUNG TÂM THÔNG TIN CÔNG NGHIỆP VÀ THƯƠNG MẠI VIỆT NAM - BỘ CÔNG THƯƠNG.

Giấy phép của Bộ Thông tin và Truyền thông số 55/GP-TTĐT, cấp ngày 02/6/2015.
Địa chỉ: 655 Phạm Văn Đồng - Bắc Từ Liêm - Hà Nội.
Điện thoại: 04 3934 1911  -  Email: info@nhanhieuviet.gov.vn