7/25/2019 10:42:00 AM
.

Doanh nghiệp xuất khẩu tôm tận dụng cơ hội từ EVFTA


Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) sẽ là cú huých cho xuất khẩu tôm của Việt Nam, nếu doanh nghiệp đáp ứng những tiêu chuẩn khắt khe về chất lượng, nguồn gốc xuất xứ… và đặc biệt chú ý đến tiêu chuẩn về phát triển bền vững.

Kỳ vọng tạo đột phá

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư ngay khi EVFTA ký kết, ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch CTCP Thực phẩm Sao Ta, doanh nghiệp chuyên chế biến xuất khẩu tôm vui vẻ cho biết, cơ hội với EVFTA là lợi thế cạnh tranh của tôm Việt ở EU sẽ mạnh hơn bao giờ hết.

Theo ông Lực, trong các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết từ nhiều năm qua, EVFTA có tác động mạnh nhất đối với ngành tôm.

“EVFTA giúp lợi thế cạnh tranh tôm Việt ở EU mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Điều này thể hiện ở 2 nội dung:

Thứ nhất, là tôm Việt Nam bán vào EU chủ yếu là tôm chế biến, ít đối thủ cạnh tranh, hiện chỉ có Thái Lan và Indonesia.

Thứ hai, là thuế suất của tôm chế biến rất cao (10 - 20%), điều này khiến các đối thủ vừa nêu khó cạnh tranh vì chêch lệch giá thành nhập khẩu quá cao. Lợi thế nữa là trình độ chế biến tôm của các doanh nghiệp Việt Nam thuộc cấp cao. Họ có thể tận dụng cơ hội này chiếm lĩnh khúc thị phần cao cấp”, ông Lực cho hay.

Cũng theo ông Lực, thu nhập đầu người ở khu vực EU cao, sản phẩm càng nhiều tiện ích thì càng được ưa chuộng. Điều này cũng có nghĩa là phân khúc thị trường cao cấp rất rộng, đủ dư địa để các doanh nghiệp tôm Việt Nam lựa chọn những hệ thống phân phối thủy sản vừa tầm cung ứng.

Cùng đánh giá tác động của EVFTA với ngành tôm Việt, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Xuất khẩu và Chế biến thủy sản Việt Nam (Vasep) cho biết, ngoài những lợi ích cơ bản là thuế xuất nhập khẩu, việc tham gia EVFTA sẽ giúp ngành tôm Việt Nam có cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu, tăng khả năng cạnh tranh so với đối thủ chưa có FTA với EU. Cùng với đó là thu hút đầu tư nước ngoài, nâng cao công nghệ sản xuất và chất lượng sản phẩm. Có điều kiện tham gia vào chuỗi cung ứng khu vực nhờ sự dịch chuyển đầu tư của các tập đoàn đa quốc gia. Môi trường kinh doanh và thể chế ổn định, minh bạch hơn.

“Một khía cạnh nữa là các vấn đề về tiếp cận thị trường cũng như các vấn đề về vệ sinh an toàn thực phẩm và môi trường sẽ cụ thể hơn, trên cơ sở thiết lập một chiến lược về hoạt động xuất khẩu thủy sản vào thị trường này”, ông Hòe cho biết.

Doanh nghiệp cần làm gì

Theo đại diện Vasep, để tận dụng được ưu đãi, doanh nghiệp cần đặc biệt chú trọng thực hiện và đáp ứng các quy định, tiêu chuẩn về lao động và môi trường, các vấn đề liên quan đến phát triển bền vững.

Ngành tôm là ngành lao động đặc thù và đang sử dụng lao động vị thành niên tại một số công đoạn chế biến đơn giản và nhẹ nhàng. Tuy nhiên, khi tham gia EVFTA, các quy tắc về lao động sẽ chặt chẽ hơn, đòi hỏi doanh nghiệp phải thay đổi để thích ứng yêu cầu đặt ra.

EU chiếm khoảng 30% tổng giá trị nhập khẩu tôm của toàn thế giới. Nhập khẩu tôm của EU dao động từ 6-8 tỷ USD/năm. Theo số liệu của Trung tâm Thương mại thế giới (ITC), năm 2018, nhập khẩu tôm vào EU đạt hơn 7 tỷ USD, tăng 0,5% so với năm 2017.

EU cũng là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn thứ 2 của Việt Nam, sau Mỹ. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2018, kim ngạch xuất khẩu tôm của Việt Nam sang EU đạt 840 triệu USD.

Cụ thể, theo cam kết trong EVFTA, nhóm các nguyên tắc về điều kiện lao động bao gồm: quyền tự do liên kết và thương lượng tập thể của người lao động và người sử dụng lao động, xóa bỏ lao động cưỡng bức và lao động bắt buộc, cấm sử dụng lao động trẻ em, xóa bỏ các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất, xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử về việc làm và nghề nghiệp.

Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng cần tăng cường hợp tác, chú trọng liên kết chuỗi để nâng cao năng suất, chất lượng, kiểm soát tốt an toàn vệ sinh thực phẩm; cần chủ động tìm hướng hợp tác với các đối tác nước ngoài, đổi mới công nghệ để tham gia vào dây chuyền cung ứng toàn cầu.

Bổ sung ý kiến, Chủ tịch CTCP Thực phẩm Sao Ta cho biết, muốn vào được những hệ thống phân phối cao, các doanh nghiệp tôm của Việt Nam phải đáp ứng một số tiêu chuẩn, cụ thể về nguồn tôm nguyên liệu. Đa số hệ thống phân phối cao cấp không chỉ đòi hỏi việc truy xuất nguồn gốc, mà còn yêu cầu tôm cung ứng phải nuôi đạt chuẩn ASC (là tiêu chuẩn nghiêm ngặt nhất áp dụng cho nuôi trồng thủy sản). Để đạt chuẩn này, các cơ sở nuôi phải có tiềm lực tài chính mạnh mới đáp ứng việc đầu tư theo quy định và quy mô nuôi phải khá lớn mới chia sẻ được chi phí đầu tư.

Cũng theo Chủ tịch CTCP Thực phẩm Sao Ta, EU chiếm hơn 20% tổng giá trị xuất khẩu tôm Việt đi các thị trường, điều đó nói lên nỗ lực của các doanh nghiệp tôm Việt Nam các năm qua. Các thương nhân tôm Việt Nam không ai là không vui mừng khi EVFTA được ký kết.

“Niềm vui này của các doanh nghiệp tôm sẽ trọn vẹn hơn khi có sự đồng hành kịp thời của Chính phủ và các bộ, ngành liên quan. Tôi nghĩ đó là kiến nghị sớm sửa đổi một số điều khoản trong Bộ luật Lao động cho tương đồng khi hội nhập, sửa đổi sớm quy định tích tụ tập trung đất đai trong Luật Đất đai, hình thành các trang trại nuôi lớn đạt chuẩn theo yêu cầu của thị trường, quan tâm hơn đến việc thông thoáng tín dụng cho ngành nuôi tôm…”, ông Hồ Quốc Lực bày tỏ.

Nhanhieuviet (Theo Baodautu.vn)

.
.
.
.
.
.

                             

TRUNG TÂM THÔNG TIN CÔNG NGHIỆP VÀ THƯƠNG MẠI VIỆT NAM - BỘ CÔNG THƯƠNG.

Giấy phép của Bộ Thông tin và Truyền thông số 55/GP-TTĐT, cấp ngày 02/6/2015.
Địa chỉ: 655 Phạm Văn Đồng - Bắc Từ Liêm - Hà Nội.
Điện thoại: 04 3934 1911  -  Email: info@nhanhieuviet.gov.vn