1/3/2012 4:36:00 PM
.

Tổng quan tình hình xuất khẩu năm 2011


 
 


Năm 2011, xuất khẩu ước đạt 95 tỷ USD, tăng 31,9% so với năm 2010. Sang năm 2012, Bộ Công Thương dự kiến kim ngạch xuất khẩu đạt 108,5 tỷ USD tăng 13% so với năm 2011.

Năm 2011, dự kiến một số mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 5 tỷ USD bao gồm: Dầu thô ước đạt 7,2 tỷ USD, thủy sản ước đạt 6,0 tỷ USD, Giày dép các loại ước đạt 6,3 tỷ USD, điện thoại các loại và linh kiện ước đạt 6,5 tỷ USD, hàng dệt và may mặc ước đạt 13,5 tỷ USD.

10 điểm vượt trội của xuất khẩu năm 2011. Đó là:

+Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt mức cao nhất từ trước tới nay.

+Kim ngạch xuất khẩu bình quân đầu người ước cả năm vượt 1.083 USD, cao hơn nhiều so với mức kỷ lục 831 USD đạt được vào năm 2010.

+Tỷ lệ xuất khẩu/GDP vượt qua mốc 80%, cao hơn nhiều sovowis tỷ lệ kỷ lục đạt được vào năm 2010 (70,9%).

+Tốc độ tăng kim ngạch XK đạtk 33%.

+Quy mô và tăng trưởng XK cao đạt được ở cả hai khu vực là khu vực kinh tế trong nước và khu vực có vốn FDI.

+Tăng trưởng XK đạt được ở hầu hết các mặt hàng chủ yếu

+ “Câu lạc bộ” những mặt hàng XK đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên đã có 20 thành viên, tăng 4 thành viên so với năm trước.

+Tăng trưởng XK một phần nhờ lượng tăng, một phần nhờ giá tăng.

+Có 23 thị trường đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên, trong đó có 7 thị trường đạt từ 2 tỷ USD trở lên, cao nhất là Mỹ, CHND Trung Hoa, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Malaysia, Australia.

+tốc độ tăng tổng KNXK cao hơn của tổng KNNK (33% so với 25%), nên nhập siêu đã giảm cả về kim ngạch, cả về tỷ lệ nhập siêu so với năm trước. Tỷ lệ nhập siêu năm 2011 còn 10,4% so với 17,5%.

Giá xuất khẩu

Xuất khẩu sang các thị trường đều có mức tăng trưởng khá cao. 11 tháng đầu năm xuất khẩu sang ASEAN tăng 30,6% và chiếm tỷ trọng 14,1%; Nhật Bản tăng 38,2% và chiếm 11%; Mỹ tăng 19,2% chiếm 17,6% và xuất khẩu sang EU tăng 48,2% và chiếm tỷ trọng 17%.

Xét về giá, so với cùng kỳ, giá bình quân nhiều nhóm/mặt hàng xuất khẩu tăng cao như: nhân điều tăng 45,2%, cà phê tăng 49,3%, chè các loại tăng 3,4%, hạt tiêu tăng 66,5%, gạo tăng 9,1%, sắn và sản phẩm từ sắn tăng 15,1%, cao su tăng 37,3%, than đá tăng 17,3%, dầu thô tăng 43,6%, xăng dầu các loại tăng 37,9%, quặng và khoáng sản khác tăng 19,3%, chất dẻo nguyên liệu tăng 18,2%, sắt thép tăng 13,0%,...

Giá xuất khẩu gạo đồ bình quân trong năm 2011 là 570 USD/tấn, thị trường XK chủ yếu là Nigeria, Trung Đông, Nga và các nước châu Phi. Năm 2012 dự kiến Việt Nam XK 400.000 tấn gạo đồ.

Ngành hàng

Hồ tiêu

Hiệp hội hồ tiêu Việt Nam vừa cho biết, xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam trong năm 2011 có nhiều thuận lợi về giá, nhờ đó, mặc dù sản lượng hồ tiêu xuất khẩu trong năm 2011 đạt 120.000 tấn, so với năm 2010 chỉ tăng 8% về sản lượng nhưng đã tăng đến 86% về giá trị, đạt 720 triệu USD.

Cụ thể, trong năm 2011, giá xuất khẩu hồ tiêu liên tục tăng cao, nếu như trong những tháng đầu năm 2011, giá hồ tiêu ở mức từ 80.000- 100.000 đồng/kg thì hiện nay giá hồ tiêu đang ở mức gần 150.000 đồng/kg và đây là mức giá cao nhất từ trước đến nay.

Về thị trường xuất khẩu, hiện Hoa Kỳ, Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất và Đức vẫn là 3 thị trường truyền thống lớn nhập khẩu hạt tiêu của Việt Nam. Đáng ghi nhận trong năm 2011, các nước sản xuất tiêu lớn của thế giới cũng đã phải mua tiêu của Việt Nam, trong đó có Ấn Độ, Indonesia và Malaysia...

Hiện Việt Nam vẫn là đứng đầu thế giới về sản lượng hồ tiêu sản xuất khẩu hàng năm.

Cà phê

Theo đánh giá của Vicofa, tình hình bão lũ từ nay đến cuối năm sẽ khiến tình trạng rụng quả sớm và việc phơi sấy sẽ gặp khó khăn hơn. Thêm vào đó, do giá cà phê trong niên vụ vừa qua luôn ở mức cao khiến cho lượng cà phê tồn kho tại các doanh nghiệp và trong dân thấp hơn nhiều so với những niên vụ trước, do vậy nguồn cung trong nước có thể khan hiếm vào cuối năm. Vicofa dự báo trong niên vụ 2011-2012, sản lượng cà phê của nước ta sẽ chỉ ở mức 1,1 triệu tấn (tương đương 18,33 triệu bao), chiếm khoảng 14-15% tổng sản lượng cà phê toàn cầu.

Hoa kỳ, Đức, Bỉ, Italia, Tây Ban Nha, Nhật Bản, Anh, Hàn quốc… là những thị trường chính xuất khẩu cà phê của Việt Nam, chiếm lần lượt 11,7%; 10%; 8,2%...

Cao su

Xuất khẩu cao su vẫn phụ thuộc lớn vào thị trường Trung Quốc, chiếm tới gần 60% tỷ trọng xuất khẩu. Các thị trường tiếp theo là Malaysia, Đài Loan và Hàn Quốc.

Dự kiến năm 2011, xuất khẩu 760 ngàn tấn cao su, trị giá trên 3 tỷ USD, giảm 2,8% về lượng,   tăng 25,6% về trị giá so với năm 2010.

Gỗ và sản phẩm

Mục tiêu đặt ra cho ngành gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu năm 2011 đạt 4 tỷ USD, nhưng 11 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này mới đạt 3,5 tỷ USD. Chỉ còn 1 tháng nữa là hết năm thì mục tiêu đặt ra khó hoàn thành.

Khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ trong những tháng cuối năm là chi phí đầu vào tăng mạnh. Về nguyên liệu, theo dự báo thì giá gỗ nguyên liệu năm nay tăng 20 - 30%, trong khi doanh nghiệp Việt Nam phải nhập khẩu đến 80% gỗ nguyên liệu. Cùng với các yếu tố tăng giá đầu vào khác nên giá thành sản phẩm đã tăng cao.

Hiện cả nước có 2.526 doanh nghiệp, cơ sở đồ gỗ và thủ công mỹ nghệ xuất khẩu, trong đó, chiếm 75% là cơ sở có số công nhân dưới 10 người. Vì vậy, theo nhận định của một số doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh đồ gỗ, thời gian tới số cơ sở nhỏ này có thể sẽ tự động giải tán vì không chịu được chi phí đầu vào tăng cao.

Trong khi giá xuất khẩu gỗ tại các thị trường Mỹ, EU, Nhật tăng không đáng kể, thêm vào đó, tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại cộng với khủng hoảng nợ công của một số quốc gia châu Âu như Hy Lạp, Ireland, Bồ Đào Nha,… cũng khiến cho nhu cầu tiêu dùng các loại hàng hóa sụt giảm trong đó có gỗ và các sản phẩm gỗ. Ngoài ra, trong thời gian tới, thị trường nhập khẩu đồ gỗ lớn của Việt Nam là Mỹ và EU sẽ áp dụng nhiều tiêu chuẩn mới đối với mặt hàng gỗ xuất khẩu vào các nước này, nhất là các quy định về nguồn gốc xuất xứ nguyên liệu (Đạo luật Lacey của Mỹ).

Dệt may

Kim ngạch dệt may năm 2011 dự kiến đạt 13,8 tỉ USD, tiếp tục là ngành có kim ngạch xuất khẩu cao nhất. Dệt may là ngành có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất, chiếm đến 17% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, nhập siêu cả nước tăng cao, giá cả nguyên vật liệu dệt may biến động thất thường thì ngành dệt may vẫn thực hiện xuất siêu khoảng 6,5 tỉ USD trong năm 2011, tăng trên 1,5 tỉ USD so với năm ngoái, đồng thời tỉ lệ nội địa hóa của ngành ước đạt 48%, tăng 2% so với tỉ lệ 46% của năm 2010.

Đạt được kết quả cao như trên là do các doanh nghiệp xuất khẩu đã dự báo thị trường tốt, tổ chức hoạt động đầu tư và sản xuất hiệu quả, đồng thời tạo dựng được niềm tin cũng như mối quan hệ thân thiết với các đối tác, khách hàng. Thứ đến, dù kinh tế vĩ mô năm 2011 gặp rất nhiều khó khăn nhưng kim ngạch xuất khẩu vào các thị trường Mỹ, EU và Nhật Bản vẫn tăng trưởng ổn định là do chọn đúng thị trường ngách để khai thác tốt lợi thế cạnh tranh của mình.

Đơn cử như tại Hàn Quốc, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này đã tăng đến 128% so với cùng kỳ 2010, đạt 753 triệu USD. Ngoài ra, một nguyên nhân quan trọng không kém là do hưởng lợi từ việc tăng giá bán hàng dệt may trong sáu tháng đầu năm 2011 với mức tăng trung bình 10-12%.

Thị trường xuất khẩu dệt may chính của VN trong năm 2012 vẫn sẽ là Mỹ, EU và Nhật Bản với cơ cấu chiếm dưới 80% tỉ trọng xuất khẩu chung toàn ngành. Dự báo về số lượng đơn hàng vẫn có khả năng duy trì tốc độ tăng trưởng trung bình của giai đoạn 2007-2011. Mục tiêu xuất khẩu đặt ra cho năm 2012 ở mức khoảng 15 tỉ USD, tăng 10-12% so với năm 2011.

Thủy sản

Trong tháng 11/2011 sụt giảm nhẹ 3,66% so với tháng trước đó, đạt 582 triệu USD, nhưng vẫn tăng trên 20% so với cùng tháng năm ngoái; đưa kim ngạch cả 11 tháng đầu năm lên 5,53 tỷ USD, chiếm 6,33% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá cả nước, tăng 23% so với cùng kỳ và đạt 98,7% kế hoạch đề ra cho năm 2011. Dự báo, nhiều khả năng xuất khẩu thủy sản của Việt Nam năm nay khó đạt 6 tỷ USD như dự kiến, có thể cả năm xuất khẩu thủy sản chỉ đạt khoảng 5,8 tỷ USD, thấp hơn so với mức dự kiến ban đầu 200 triệu USD. Nguyên nhân là do thiếu nguyên liệu chế biến tại các nhà máy. Không chỉ các doanh nghiệp chế biến hải sản thiếu nguyên liệu, mà các doanh nghiệp cá tra, tôm nguồn thủy sản nuôi trồng cũng đang thiếu nguyên liệu cho chế biến và xuất khẩu.

.
.
.
.
.
.

                             

TRUNG TÂM THÔNG TIN CÔNG NGHIỆP VÀ THƯƠNG MẠI VIỆT NAM - BỘ CÔNG THƯƠNG.

Giấy phép của Bộ Thông tin và Truyền thông số 55/GP-TTĐT, cấp ngày 02/6/2015.
Địa chỉ: 655 Phạm Văn Đồng - Bắc Từ Liêm - Hà Nội.
Điện thoại: 04 3934 1911  -  Email: info@nhanhieuviet.gov.vn