12/15/2020 11:15:00 AM
.

Việt Nam tự tin đủ năng lực xuất khẩu gạo cho nhiều thị trường lớn


Từ quốc gia thiếu đói, Việt Nam đã vươn lên vị trí xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới và tự tin có đủ năng lực xuất khẩu gạo cung cấp cho nhiều thị trường lớn trên thế giới.

Tăng giá trị gạo Việt bằng chủng loại phẩm cấp cao

Trao đổi với PV Lao Động, TS Nguyễn Quốc Toản – Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – NNPTNT) nhấn mạnh: Giá trị xuất khẩu gạo tăng cao trong thời gian qua và có sự đột phá về giá trong năm 2020 thể hiện hướng tái cơ cấu ngành lúa gạo đang thành công và đặc biệt chúng ta có những thích ứng kịp thời trong bối cảnh đại dịch COVID-19.

“Trong khi các nước cùng có chung mặt hàng xuất khẩu, đặc biệt là các nước “đối thủ” bị các vấn đề do bị ảnh hưởng của dịch bệnh như thiếu nhân lực, thiếu nhân công, thiếu logistics… thì chúng ta đã tận dụng được mọi lợi thế để làm tốt câu chuyện xuất khẩu gạo” – TS Nguyễn Quốc Toản nhấn mạnh.

Ông cũng đánh giá, giá gạo 5% tấm của Việt Nam xuất bán đạt mức 493-497USD/tấn, đây là mức cao nhất trong 9 năm qua. Đây cũng đánh dấu giá trị gạo xuất khẩu của Việt Nam đã tăng mạnh mặc dù sản lượng xuất khẩu đã giảm bớt so với cùng kỳ năm trước nhưng giá trị tăng vọt.

Theo ông Nguyễn Như Cường – Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT), để đạt được kết quả nêu trên là cả quá trình dài không ngừng đổi mới, cải tiến của ngành lúa gạo. Bộ NNPTNT đã ban hành đề án tái cơ cấu ngành lúa gạo tại Quyết định số 1898/QĐ- BNN- TT ngày 23.5.2016, cùng với đó bộ có các chương trình khoa học công nghệ về nghiên cứu chọn tạo các giống lúa năng suất, chất lượng và thích ứng với biến đổi khí hậu, đặt hàng nghiên cứu các gói kỹ thuật canh tác.

“Hiện nay bộ đang giao cục Trồng trọt rà soát, đánh giá đề án tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo đã ban hành để phù hợp với tình hình biến đổi khí hậu, thị trường và nhu cầu an ninh lương thực trong giai đoạn mới.

Tuy nhiên các nhiệm vụ chính vẫn là tiếp tục nghiên cứu chọn tạo giống mới, ngắn ngày chất lượng phù hợp với thị trường trong nước và thế giới, thích ứng với biến đổi khí hậu, các quy trình canh tác giảm đầu vào như giống, phân bón thuốc bảo vệ thực vật, nước... đảm bảo an toàn thực phẩm”– ông Nguyễn Như Cường nói.

Gạo Việt năm 2021 vẫn tăng trưởng cả về lượng và giá trị

Với tư cách là người từng nhiều năm lăn lộn trên thương trường mang hạt gạo ra thế giới, doanh nhân Phạm Thái Bình – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An - cho rằng, hiệu ứng của Hiệp định EVFTA giữa Việt Nam với Liên minh Châu Âu đã tác động rất tích cực đến khách mua gạo Việt Nam, không chỉ ở Châu Âu mà ở các quốc gia phát triển khác cũng tăng mua gạo Việt Nam, chính vì vậy năm 2021 xuất khẩu gạo của Việt Nam vẫn có chiều phát triển tốt.

Những cánh đồng mẫu lớn nâng chất lượng và nâng tầm gạo Việt khi xuất khẩu ra thế giới. Ảnh: Lộc Trời

TS Nguyễn Quốc Toản tự tin cho rằng Việt Nam đủ năng lực xuất khẩu gạo cung cho nhiều thị trường lớn và khó tính.

"Chúng ta tiếp tục tái cấu trúc ngành gạo theo hướng tập trung vào dư địa có lợi thế như chủng loại gạo thơm, đặc biệt là gạo hữu cơ"-TS Nguyễn Quốc Toản nhấn mạnh.

Tính chung 11 tháng đầu của năm 2020, sản lượng xuất khẩu ước đạt hơn 5,7 triệu tấn gạo, trị giá hơn 2,8 tỉ USD, so với cùng kì năm 2019 giảm 2,52% về lượng nhưng tăng 13% về giá trị, năm 2020 là năm thành công của ngành gạo Việt Nam.

Nhanhieuviet (Theo Vũ Long/laodong.vn – Link gốc)

.
.
.
.
.
.

                             

TRUNG TÂM THÔNG TIN CÔNG NGHIỆP VÀ THƯƠNG MẠI VIỆT NAM - BỘ CÔNG THƯƠNG.

Giấy phép của Bộ Thông tin và Truyền thông số 55/GP-TTĐT, cấp ngày 02/6/2015.
Địa chỉ: 655 Phạm Văn Đồng - Bắc Từ Liêm - Hà Nội.
Điện thoại: 04 3934 1911  -  Email: info@nhanhieuviet.gov.vn