11/13/2019 8:35:00 AM
.

Hành tím Vĩnh Châu được trao chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý


Ngày 10/11 vừa qua tại TP. Sóc Trăng, lễ Công bố và trao Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý “Vĩnh Châu” cho sản phẩm hành tím của tỉnh Sóc Trăng đã được diễn ra long trọng. Đây là chỉ dẫn địa lý thứ 75 được bảo hộ tại Việt Nam.

Ngày 10/11/2019, tại thành phố Sóc Trăng, UBND tỉnh Sóc Trăng đã long trọng tổ chức Lễ công bố Quyết định cấp và trao Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý (CDĐL) “Vĩnh Châu” cho sản phẩm hành tím.

Đây là CDĐL đầu tiên của tỉnh Sóc Trăng và là CDĐL thứ 75 được bảo hộ tại Việt Nam.

Hành tím là sản phẩm đặc sản của huyện Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng. Nó đã gắn bó với người dân địa phương hơn 50 năm, với điều kiện tự nhiên phù hợp như: đất đai, khí hậu… đã góp phần tạo nên danh tiếng, chất lượng của sản phẩm, mang lại những lợi thế trên thị trường và người tiêu dùng trong nước và quốc tế.

Đây cũng là một trong số các sản phẩm chủ lực, có giá trị kinh tế cao, giữ vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Sóc Trăng, góp phần quan trọng trong việc tạo việc làm, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho bà con nông dân.

Hiện diện tích trồng hành tím của Sóc Trăng là 6.500 hécta, được định hướng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, hữu cơ nhằm mang đến sản phẩm sạch cho người tiêu dùng.

Phát biểu tại Lễ công bố, Cục trưởng Đinh Hữu Phí cho biết, việc cấp CDĐL Vĩnh Châu cho sản phẩm hành tím là cơ sở pháp lý quan trọng để các doanh nghiệp, người sản xuất nâng cao danh tiếng, phát triển thị trường, bảo vệ những giá trị về chất lượng, nguồn gốc của sản phẩm đối với người tiêu dùng.

Đây cũng là kết quả của sự đóng góp và nỗ lực không nhỏ của các doanh nghiệp, người sản xuất trên cơ sở những chính sách, giải pháp đúng đắn của Đảng, Nhà nước về phát triển khoa học và công nghệ, tổ chức sản xuất, chế biến và thương mại hóa các sản phẩm của chủ lực địa phương. 

Ông Đinh Hữu Phí cũng lưu ý, việc bảo hộ CDĐL mới là bước khởi đầu trong quá trình tổ chức sản xuất, kinh doanh, quảng bá sản phẩm mang CDĐL bởi hầu hết quy mô sản xuất của các nông hộ nhỏ lẻ, tổ chức sản xuất nhỏ bé, công tác tổ chức sản xuất, liên kết chuỗi giá trị còn yếu, chất lượng nông sản chưa đồng đều, mức độ tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu còn hạn chế. Vì vậy, cần chú trọng vấn đề quản lý và sử dụng như thế nào để khai thác hết được những giá trị của CDĐL mang lại.

Trên cơ sở định hướng tổng thể cho các sản phẩm chủ lực của địa phương, tỉnh Sóc Trăng cần xây dựng những giải pháp đồng bộ, hiệu quả về tổ chức sản xuất, chế biến và thương mại phù hợp, cụ thể là định hướng về xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp, chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của địa phương; cần có những chính sách hỗ trợ về nguồn lực để quản lý các CDĐL trên địa bàn tỉnh; tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã về nguồn lực để đẩy mạnh hoạt động quảng bá, phát triển kênh thị trường cho người dân. tiếp cận thị trường một cách hiệu quả và bền vững, góp phần nâng cao thu nhập và đời sống người dân địa phương.

Nhanhieuviet (Theo Tạp chí Sở hữu Trí tuệ và Sáng tạo)

Tin trong ngày
Các tin khác
.
.
.
.

                             

TRUNG TÂM THÔNG TIN CÔNG NGHIỆP VÀ THƯƠNG MẠI VIỆT NAM - BỘ CÔNG THƯƠNG.

Giấy phép của Bộ Thông tin và Truyền thông số 55/GP-TTĐT, cấp ngày 02/6/2015.
Địa chỉ: 655 Phạm Văn Đồng - Bắc Từ Liêm - Hà Nội.
Điện thoại: 04 3934 1911  -  Email: info@nhanhieuviet.gov.vn