5/5/2023 9:00:00 AM
.

Nâng cao vai trò của bảo hộ sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm OCOP


Với các sản phẩm đạt chuẩn Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), việc được bảo hộ sở hữu trí tuệ sẽ giúp sản phẩm càng được nâng tầm về giá trị và thương hiệu, tiếp cận tốt hơn với người tiêu dùng trong và ngoài nước.

 Cùng với sự phát triển của nền kinh tế tri thức, sở hữu trí tuệ đang ngày càng đóng vai trò quan trọng và là yếu tố cốt lõi để thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo, bảo đảm môi trường đầu tư, duy trì lợi thế cạnh tranh.

Thực tế tại các làng nghề cho thấy, việc được bảo hộ nhãn hiệu đã giúp kiểm soát chất lượng, nâng cao uy tín, giữ gìn danh tiếng và xúc tiến thương mại cho sản phẩm, góp phần nâng cao được giá trị sản phẩm, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người sản xuất; đồng thời, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, giữ gìn và phát huy giá trị sản phẩm của địa phương, tăng thu ngân sách địa phương góp phần phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Đối với người sản xuất, việc bảo hộ thương hiệu cho đặc sản địa phương sẽ giúp người sản xuất sản phẩm có được lợi thế cạnh tranh trên thị trường; giúp nhà sản xuất duy trì được lượng khách hàng truyền thống, thu hút khách hàng tiềm năng; tăng doanh số và lợi nhuận; giúp nhà sản xuất đưa sản phẩm thâm nhập thị trường thuận lợi, mở rộng thị trường xuất khẩu và giúp nhà sản xuất chống các hành vi cạnh tranh không lành mạnh (đối với các hành vi chỉ dẫn sai lệch nguồn gốc của sản phẩm).

Đặc biệt, với các sản phẩm đạt chuẩn OCOP, việc được bảo hộ sở hữu trí tuệ sẽ giúp sản phẩm càng được nâng tầm về giá trị và thương hiệu, tiếp cận tốt hơn với người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Việc đánh giá và phân hạng sản phẩm OCOP được thực hiện theo bộ tiêu chí quốc gia thống nhất theo Quyết định số 1048/QĐ-TTg, và Quyết định số 781/QĐ-TTg với 3 phần trọng tâm của bộ tiêu chí là sản phẩm và sức mạnh cộng đồng, khả năng tiếp thị và chất lượng sản phẩm. Những sản phẩm đã được bảo hộ sở hữu trí tuệ (bao gồm cả nhãn hiệu thương mại và nhãn hiệu cộng đồng – chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận) sẽ có khả năng đáp ứng được nhiều tiêu chí trong phân hạng sản phẩm OCOP. Nhận thức được tầm quan trọng của bảo hộ sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm OCOP, chương trình phát triển tài sản trí tuệ Quốc gia đã đặt mục tiêu đến năm 2030 ít nhất 60% sản phẩm OCOP được bảo hộ sở hữu trí tuệ.

Với Hà Nội, đây là địa phương có nhiều sản phẩm tiềm năng để khai thác và phát triển tài sản trí tuệ trong nông nghiệp, nông thôn. Hằng năm, Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội phối hợp tổ chức kiểm tra về ghi nhãn hàng hoá, tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, đặc biệt là các nội dung liên quan đến sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm; Kết hợp tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa và hướng dẫn các chủ thể sản xuất kinh doanh ở nông thôn về các quy định về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm tham gia phân hạng OCOP.

Thực tế cho thấy, việc xây dựng nhãn hiệu sản phẩm không khó nhưng “bài toán” giữ vững và phát triển nhãn hiệu là vấn đề nan giải. Đòi hỏi đơn vị cần xây dựng và thực hiện đúng quy chế quản lý sử dụng nhãn hiệu; Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người sản xuất, vai trò của các hội viên, giám sát chất lượng sản phẩm, tạo sự đoàn kết trong sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, tăng cường giới thiệu, quảng bá sản phẩm thông qua các phương tiện thông tin đại chúng để sản phẩm có tính lan tỏa, nhân rộng trên quy mô lớn.

Để bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp đối với nhãn hiệu của mình được bảo vệ và thực thi trên thị trường thì các tổ chức, cá nhân, bao gồm cả các tổ chức, cá nhân đang tham gia phát triển sản phẩm OCOP nên tiến hành đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, cụ thể là Cục Sở hữu trí tuệ.

Nhãn hiệu được bảo hộ là cơ sở, nền tảng để tổ chức, cá nhân tham gia vào các hệ thống chứng nhận như OCOP. Mặt khác, việc sản phẩm, dịch vụ được gắn tem chứng nhận OCOP sẽ tạo điều kiện để giá trị nhãn hiệu được nâng cao hơn, tạo niềm tin hơn cho người tiêu dùng.

Nhanhieuviet (Theo Tạp chí Sở hữu Trí tuệ - Link gốc)

Tin trong ngày
Các tin khác
.
.
.
.

                             

TRUNG TÂM THÔNG TIN CÔNG NGHIỆP VÀ THƯƠNG MẠI VIỆT NAM - BỘ CÔNG THƯƠNG.

Giấy phép của Bộ Thông tin và Truyền thông số 55/GP-TTĐT, cấp ngày 02/6/2015.
Địa chỉ: 655 Phạm Văn Đồng - Bắc Từ Liêm - Hà Nội.
Điện thoại: 04 3934 1911  -  Email: info@nhanhieuviet.gov.vn