9/17/2019 8:37:00 AM
.

Truyền hình trả tiền đối mặt với vấn nạn vi phạm bản quyền


Dịch vụ truyền hình trả tiền ngày càng cạnh tranh khốc liệt. Cùng với đó, vấn nạn vi phạm bản quyền, dịch vụ không phép diễn ra tràn lan. Đó là lý do truyền hình OTT được xác định là hướng đi mới cho dịch vụ truyền hình trả tiền.

Mới đây, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Hiệp hội truyền hình trả tiền tổ chức hội thảo "Các giải pháp tăng doanh thu dịch vụ truyền hình trả tiền trước".

Tại hội thảo, các đại biểu đều cho rằng, truyền hình trả tiền truyền thống đang dần trở nên mờ nhạt và ngày càng gặp nhiều khó khăn, nhất là hiện nay khi mà sự cạnh tranh còn đến từ các doanh nghiệp viễn thông lớn. Bởi các những doanh nghiệp này có thế mạnh hơn so với các doanh nghiệp kinh doanh truyền hình truyền thống.

Theo thống kê của Phòng Quản lý dịch vụ, hiện Việt Nam có 36 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực phát thanh truyền hình với 279 kênh truyền hình trong nước (87 kênh phát thanh, 192 kênh truyền hình) và 70 kênh nước ngoài, với 16,7 triệu thuê bao truyền hình trả tiền. Doanh thu thuê bao từ dịch vụ ước hơn 8.000 tỷ/năm.

Tình trạng vi phạm bản quyền, vi phạm tên miền, ứng dụng lậu, dịch vụ không phép, giảm giá, khuyến mãi diễn ra tràn lan làm ảnh hưởng xấu đến thị trường truyền hình trả tiền trong thời gian qua.

Khi dịch vụ truyền hình trả tiền truyền thống ngày càng gặp nhiều khó khăn, sự nổi lên của truyền hình OTT (truyền hình trên Internet) được xem như một hướng đi mới và được đánh giá là một lĩnh vực có nhiều tiềm năng.

Trước thực trạng đó, ông Nguyễn Chấn - Trưởng phòng Quản lý dịch vụ cho biết, cần sớm goàn thiện, sử đổi, bổ sung chính sách pháp luật, đồng thời rà soát, chấn chỉnh kịp thời những bất cập thông qua phổ biến chính sách pháp luật, cũng như xử lý vi phạm, nhằm tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, tạo điều kiện để các doanh nghiệp phát triển.

Để gia tăng doanh thu đối với dịch vụ truyền hình trả tiền các doanh nghiệp cần cung cấp các nội dung hấp dẫn, đầu tư công nghệ để nâng cao chất lượng dịch vụ. Bên cạnh đó, cần quan tâm đến việc hợp tác dùng chung hạ tầng truyền dẫn, quản lý chất lượng tốt hơn để giảm giá thành dịch vụ.

Đặc biệt là chủ động đổi mới, nắm bắt xu thế để xây dựng mô hình kinh doanh hiệu quả trong kỷ nguyên CNTT, internet phát triển mạnh như hiện nay; cộng đồng doanh nghiệp cùng Bộ TT&TT phối hợp với các bộ ngành để giải quyết các vấn đề liên quan đến công nghệ, truyền thông, cạnh tranh, vi phạm bản quyền, trốn thuế,… Nhất là khi Nghị định 06 được ban hành, thì các vấn đề liên quan sẽ được giải quyết và trật tự trong lĩnh vực sẽ được thiết lập, tạo ra môi trường kinh doanh lành mạnh đối với ngành truyền hình trả tiền, đồng thời cũng có những chế tài cứng rắn xử lý vi phạm bản quyền và các vấn đề xung đột lợi ích giữa các bên.

Chia sẻ với báo chí, ông Chấn cho biết thêm: “Có thể thấy, thuê bao truyền hình trả tiền truyền thống phát triển rất chậm, cơ bản đã bão hòa. Trong khi đó, thuê bao truyền hình OTT phát triển như vũ bão, thuê bao năm sau gấp đôi năm trước.

Với xu hướng như vậy, dịch vụ truyền hình OTT sẽ ngày càng chiếm ưu thế. Dư địa để phát triển dịch vụ truyền hình OTT còn rất lớn, nhưng cạnh tranh ngày càng khốc liệt”.

Nhanhieuviet (Theo Tạp chí Sở hữu Trí tuệ và Sáng tạo)

.
.
.
.

                             

TRUNG TÂM THÔNG TIN CÔNG NGHIỆP VÀ THƯƠNG MẠI VIỆT NAM - BỘ CÔNG THƯƠNG.

Giấy phép của Bộ Thông tin và Truyền thông số 55/GP-TTĐT, cấp ngày 02/6/2015.
Địa chỉ: 655 Phạm Văn Đồng - Bắc Từ Liêm - Hà Nội.
Điện thoại: 04 3934 1911  -  Email: info@nhanhieuviet.gov.vn