7/15/2022 11:48:00 AM
.

Yên Bái nâng tầm hạt gạo địa phương


Gạo Séng Cù Mường Lò, gạo nếp Tú Lệ… từ lâu đã nổi tiếng thơm ngon, là sản vật quý hiếm và cũng là niềm tự hào của bà con dân tộc vùng núi Tây Bắc, trong đó có Yên Bái. Giờ đây, gạo đặc sản của tỉnh Yên Bái đang ngày càng vươn xa, đến với mọi miền của Tổ Quốc và được người tiêu dùng ưa chuộng.

Là tỉnh miền núi nên không có những cánh đồng bao la, bát ngát như các tỉnh miền xuôi, nhưng đổi lại, đất và người Yên Bái với tiềm năng đất, nước, khí hậu, với sự cần cù, chịu khó, bằng phương thức canh tác truyền thống đã tạo nên một nét riêng biệt trong canh tác lúa nước gắn với những giống lúa đặc sản, đặc trưng cho đời sống văn hóa của đồng bào mỗi dân tộc. Và đằng sau mỗi sản phẩm trên thị trường còn là một câu chuyện dài về hành trình từ thay đổi tư duy, tập quán canh tác của nhân dân cho đến sự hỗ trợ vào cuộc tích cực của chính quyền các cấp.

Chính quyền, các nhà khoa học, người nông dân và các doanh nghiệp đã cùng nhau nỗ lực chung tay xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu gạo đặc sản cho các địa phương trên địa bàn tỉnh Yên Bái. Theo đó, chính quyền địa phương đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất có thể tiếp cận nhanh, dễ dàng các nguồn hỗ trợ nhằm phát huy tiềm lực về đất đai, tài chính, khoa học - kỹ thuật để phát triển thị trường, tham gia chặt chẽ, hiệu quả vào lộ trình xây dựng thương hiệu nông sản. Bên cạnh đó, các hoạt động xúc tiến thương mại, nhằm quảng bá những sản phẩm có thương hiệu trong đó có sản phẩm gạo được tỉnh tăng cường, giúp đưa các sản phẩm gạo địa phương vươn ra các thị trường lớn hơn. Nông dân cũng dần từ bỏ thói quen sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, chuyển đổi theo hướng sản xuất hàng hóa, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để có điều kiện liên kết sản xuất lớn. 

Đến nay, tỉnh Yên Bái đã xây dựng được vùng tập trung chuyên canh trồng lúa theo chuỗi giá trị có diện tích 5.000 ha; xây dựng được 8 sản phẩm gạo đạt sản phẩm OCOP từ 3 - 4 sao, trong đó: gạo nếp Tú Lệ, gạo Séng cù Mường Lò đã đạt sản phẩm OCOP 4 sao; ngoài ra còn có các sản phẩm OCOP 3 sao như: gạo nếp Lào Mu Khánh Thiện (Lục Yên) với diện tích 60 ha, sản lượng 80 tấn; gạo nếp Tan Khau Phạ (Mù Cang Chải) diện tích 60 ha, sản lượng 70 - 90 tấn; gạo Bạch Hà (xã Bạch Hà, huyện Yên Bình); gạo nếp 87 xã Hát Lừu, huyện Trạm Tấu…  Các sản phẩm này đã hoàn thiện được bao bì, logo, nhãn, mác, truy xuất nguồn gốc, tạo dựng được tên tuổi, uy tín trên thị trường.

Ngoài ra, tỉnh cũng quan tâm tới công tác xác lập quyền sở hữu trí tuệ cho sản phẩm gạo như: Chỉ dẫn địa lý gạo Mường Lò, nhãn hiệu chứng nhận gạo nếp 87, nhãn hiệu tập thể gạo Bạch Hà, gạo Chiêm hương Đại Phú An, gạo nếp Tú Lệ… 

Gạo Bạch Hà

Từ thế kỷ trước gạo Bạch Hà đã được người dân trong và ngoài huyện biết đến bởi hai câu thơ về ẩm thực của huyện Yên Bình: “Cơm làng Má, cá Đào Kiều, gạo Bạch Hà, gà Linh Môn”.

Đây là các sản phẩm nông nghiệp nổi tiếng từ ngàn xưa của huyện Yên Bình nói riêng và của tỉnh Yên Bái nói chung. Chất lượng các loại gạo ở xã Bạch Hà dẻo, thơm ngon hơn hẳn các xã khác, đặc biệt là các loại gạo thơm nên người dân trong xã thường làm quà biếu cho người thân vào dịp Tết hoặc thăm hỏi họ hàng và là sản vật để dâng hiến thần linh trong “Lễ Cơm mới” của đồng bào dân tộc Cao Lan cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.

Xã Bạch Hà nằm lọt trong lòng 3 dãy núi: Núi Là cao 958m, núi Lẻn cao hơn 500m và núi Hàm Rồng cao trên 700m. Cánh đồng Bạch Hà rộng hơn 150 ha được hình thành từ triệu triệu năm do Ngòi Cáp, ngòi Gò Chùa và suối Hàm Rồng chuyên chở phù sa từ các dãy núi bồi đắp nên. Các nhà khoa học gọi Bạch Hà là vùng đất dốc tụ vô cùng màu mỡ. Vì thế, lúa ở đây tốt bời bời, từ ngàn đời nay đã nổi tiếng là vùng gạo trắng, cơm dẻo thơm ngon nhất phủ Yên Bình bên dòng sông Chảy.

Do nằm dưới chân các dãy núi, nên Bạch Hà có tiểu vùng khí hậu tương đối ôn hòa, nhiệt độ trung bình hàng năm 22,9 độ C, ngày nắng đêm lạnh, tạo ra sự chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm khá lớn, khiến cho cây lúa tích trữ được năng lượng, đây chính là yếu tố giúp cho hạt gạo Bạch Hà thơm ngon.

Từ ngàn đời nay, người dân Bạch Hà vẫn trung thành với lối canh tác truyền thống, sử dụng nhiều phân hữu cơ, hạn chế dùng phân hóa học và các loại thuốc bảo vệ thực vật. Khi lúa đứng cây chuẩn bị làm đòng, cây lúa đã tỏa hương thơm ngào ngạt, khi lúa đã chín mà hương lúa vẫn thơm lừng, một nhà thổi cơm thì cả thôn đều biết.

Sản lượng lúa xã Bạch Hà đạt 1.506 tấn/năm đảm bảo lượng lương thực cho 4.091 nhân khẩu của xã; đồng thời mỗi năm còn dư thừa khoảng trên 550 tấn thóc bán ra thị trường (quy ra diện tích khoảng 50 ha/vụ để phát triển sản xuất hàng hóa). Nhiều hộ dân đã tính toán cân đối diện tích sản xuất lúa đảm bảo lương thực cho gia đình và bố trí diện tích dư thừa gieo cấy các giống lúa thơm để xuất bán trao đổi hàng hóa vào dịp Tết. Bởi vậy những năm gần đây đã bắt đầu hình thành các khu đồng sản xuất lúa thơm chất lượng cao tại các thôn: Gò Chùa, Hồ Sen, Phai Thao, Hàm Rồng, Ngọn Ngòi với quy mô khoảng 50 ha/vụ.

Với mục tiêu xây dựng sản phẩm gạo Bạch Hà trở thành thương hiệu có uy tín trên thị trường, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân phát triển sản xuất và kinh doanh gạo Bạch Hà, đồng thời nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông, lâm nghiệp trên địa bàn huyện Yên Bình, từ tháng 3/2017, UBND huyện Yên Bình đã phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Trường Đại học Nông, lâm Thái Nguyên, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam và các nhà khoa học nghiên cứu về gạo Bạch Hà và xây dựng Dự án: Xác lập quyền đối với Nhãn hiệu tập thể “Gạo Bạch Hà” cho sản phẩm gạo của xã Bạch Hà, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái.

Sau hơn một năm nỗ lực, ngày 26/10/2018 xã Bạch Hà, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể “Gạo Bạch Hà” cho sản phẩm gạo của xã Bạch Hà. Đây là cơ sở quan trọng để huyện Yên Bình quản lý tốt hơn chất lượng, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường thông qua bộ nhận diện nhãn hiệu, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm và thu nhập cho người nông dân. Đối với người tiêu dùng, sẽ yên tâm hơn khi được sử dụng sản phẩm đảm bảo chất lượng, biết rõ nguồn gốc xuất xứ.

Gạo Séng Cù Mường Lò


Gạo Mường Lò là đặc sản nức tiếng ai cũng biết ở vùng Tây Bắc. Đầu năm 2019, UBND tỉnh công nhận gạo Séng cù Mường Lò là sản phẩm OCOP 4 sao.

Nguồn nước tưới từ núi cao tạo nên hương vị "Gạo Mường Lò” thơm ngon, đậm đà, có mùi thơm nhẹ của hương nếp cốm.

Mường Lò cánh đồng rộng thứ nhì Tây Bắc có diện tích trên 3.100 ha. Sản lượng lúa của cánh đồng Mường Lò đạt từ 30 - 32.000 tấn/năm; trong đó, các loại lúa đặc sản hàng hóa khoảng 10.000 tấn/năm. Đặc biệt, gạo Séng cù đã và đang tạo nên danh tiếng của đặc sản Mường Lò.

Trong cơ cấu giống lúa của Mường Lò, hiện nay, Séng cù là sản phẩm hàng hóa chủ lực (chiếm trên 35% diện tích), có năng suất, chất lượng cao, được canh tác từ lâu và người dân có thể chủ động nguồn giống. 

Kinh nghiệm của người dân có ý nghĩa rất lớn, góp phần làm cho danh tiếng của gạo Mường Lò, bởi quá trình định cư lâu đời tại đây, người Thái đen đã có một hệ thống các tri thức bản địa quý giá trong sản xuất lúa kết hợp với các luật tục bảo vệ nguồn nước, môi trường, bảo vệ nguồn giống quý hiếm để phát triển nông nghiệp bền vững như hiện nay. Bên cạnh kỹ thuật trồng, chăm sóc được tích lũy từ lâu đời, người dân Mường Lò đã tích cực tiếp thu và ứng dụng có hiệu quả các tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong chăm sóc, thu hoạch, chế biến để tạo ra sản phẩm có chất lượng tốt.

Gạo Séng Cù Mường Lò với hương vị đậm đà thơm ngon, hạt gạo dài, trắng đục, căng tròn, có hàm lượng dinh dưỡng cao. Khi nấu chín cho cơm dẻo, thơm, nếm vào mới cảm nhận được hết hương vị của bát cơm, vẫn dẻo ngon khi cơm nguội; điều đặc biệt là không chỉ khi nấu chín cơm mới có mùi thơm, mà từ khi còn là hạt thóc, hạt gạo đã ẩn chứa trong mình những hương thơm đặc biệt. Chính vì mang những đặc trưng riêng nên gạo Séng Cù ngày nay đã vang danh khắp vùng, nổi tiếng là gạo ngon nhất và trở thành gạo đặc sản của vùng Mường Lò. Séng Cù là một trong những loại gạo mang lại giá trị kinh tế cao nhất vùng.

Với nhiều yếu tố nổi bật và được thị trường công nhận, ngày 22/01/2018, Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm gạo “Mường Lò” của cánh đồng Mường Lò, tỉnh Yên Bái; trong đó gạo Séng Cù góp phần quan trọng xây dựng nên thương hiệu này.

Hiện nay, gạo Séng Cù được trồng nhiều ở các xã, phường thuộc thị xã Nghĩa Lộ và huyện Văn Chấn như: Phường Trung Tâm, phường Tân An, phường Pú Trạng, phường Cầu Thia, xã Nghĩa An, xã Nghĩa Phúc, xã Nghĩa Lợi, xã Thanh lương, xã Thạch Lương, xã Sơn A, xã Hạnh Sơn, xã Phúc Sơn, xã Phù Nham. Đạt năng suất và chất lượng kinh tế cao, từ khi gieo trồng, gạo Séng Cù đã nhanh chóng trở thành đặc sản của địa phương và đến nay được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh đánh giá cao.

Gạo Nếp Tú Lệ

Gạo Nếp Tú Lệ là đặc sản Yên Bái nổi tiếng, đặc biệt nhất là loại nếp này mỗi năm chỉ được người dân nơi đây trồng 1 vụ. Có thể nói Gạo Nếp Tú Lệ là sản vật trời ban cho mảnh đất nơi đây. Nếp Tú Lệ bổ sung nhiều dưỡng chất thiết yếu cho cơ thể.

Nếp Tú Lệ còn gọi là nếp Tan Lả (theo tiếng của người Thái) là loại gạo nếp đặc sản chỉ có ở thung lũng Tú Lệ, Văn Chấn, Yên Bái. Ai đã từng thăm Yên Bái vào Nghĩa Lộ, lên Tú Lệ, Mù Cang Chải sẽ cảm nhận được sự trong lành của khí hậu, bao la hùng vĩ của núi đồi và tấm lòng hồn hậu, mến khách của người dân Tây Bắc.

Từ gạo nếp có thể chế biến nhiều món ngon như cơm nếp, xôi, bánh chưng, bánh dày, các món chè, hoặc cất rượu nếp, ngâm rượu cần. Khi thưởng thức Gạo nếp Tú Lệ ta sẽ giảm bớt triệu chứng đau bao tử, yếu bao tử đặc biệt là người bị viêm loét bao tử không thể tiêu thụ cơm tẻ. Bên cạnh đó Gạo Nếp Tú Lệ còn có tác dụng đề phòng một số bệnh như ung thư tuyến tính, trực tràng.

Là một thương hiệu gạo quen thuộc trên thị trường, gạo nếp Tú Lệ (huyện Văn Chấn) không những là sản phẩm OCOP 4 sao của tỉnh mà còn được bảo hộ trí tuệ về nhãn hiệu tập thể và chỉ dẫn địa lý. Huyện Văn Chấn cũng đang tiến hành hỗ trợ HTX Dịch vụ nông nghiệp Tú Lệ xây dựng vùng sản xuất lúa đặc sản chất lượng cao theo tiêu chuẩn chứng nhận VietGAP với quy mô diện tích 50 ha. Đây là bước đi tiếp theo của huyện sau khi kết thúc Đề án Phát triển vùng đặc sản lúa nếp Tú Lệ giai đoạn 2016 - 2020.

Nếp Tú Lệ được xếp vào một trong những loại nếp ngon nhất nước ta, đồ lên thành xôi có vị thơm ngọt và dẻo, rời từng hạt chứ không dính chặt lấy nhau như đa phần các loại nếp thường khác. Nếp Tú Lệ còn gọi là nếp Tan Lả (theo tiếng của người Thái) là loại gạo nếp đặc sản chỉ có ở thung lũng Tú Lệ, Văn Chấn, Yên Bái.Gạo nếp ở đây rất ngon, dẻo thơm nổi tiếng là vì cánh đồng lúa được tưới mát bởi con suối đầu nguồn Mường Lùng, lúa được gieo trồng trên một nền đất hiếm, tầng phong hóa mỏng, nồng độ kali cao, thung lũng Tú Lệ lại nằm gọn giữa ba ngọn núi cao là Khau Phạ, Khau Thán và Khau Song nên biên độ dao động nhiệt độ trong ngày lớn, thời gian đêm dài hơn ngày. Thêm nữa là cấu tạo của đất Tú Lệ tơi xốp, dễ thấm nước và khí hậu trong lành, thuận lợi cho cây lúa phát triển tự nhiên nên cây nếp Tan Lả trồng xuống bén rễ xanh non mơn mởn. Chính vì vậy nếp Tan Tú Lệ được coi là gạo sạch và có mùi thơm rất lạ. Điều đặc biệt hơn nữa là không nơi nào trồng được loại lúa này mà cho thứ gạo thơm, dẻo như vùng thung lũng Tú Lệ.

Với năng suất bình quân đạt 40 - 42 tạ/ha, giá bán khoảng 40.000 đồng/kg gạo, 18.000 đồng/kg thóc, trung bình 1.000 m2 đất trồng lúa, nông dân thu 7,5 triệu đồng, lãi 4,5 triệu đồng. Gạo nếp Tú Lệ đã trở thành sản phẩm hàng hóa giúp người dân phát triển kinh tế, ổn định đời sống, từng bước thoát nghèo bền vững, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã hiện giảm còn 5%.

Gạo Nếp Lào Mu

Khánh Thiện là một xã nằm ở phía Bắc của huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái. Tại đây có điều kiện tự nhiên, đất đai màu mỡ, khí hậu nhiệt đới gió mùa thuận lợi cho phát triển trồng trọt, chăn nuôi. Trong đó, cây lúa nếp Lào Mu là một trong những cây trồng bản địa, đã vươn mình trở thành đặc sản của xã Khánh Thiện, bởi giá trị chất lượng và độ ngon của sản phẩm.

Lúa nếp Lào Mu là giống lúa bản địa, gắn với truyền thống văn hóa, lịch sử phát triển nghề trồng lúa của người dân ở xã Khánh Thiện. Được người dân địa phương trồng chủ yếu trên nương rẫy theo phương thức canh tác truyền thống. Nhờ có lợi thế đất đai màu mỡ, khí hậu nhiệt đới gió mùa, cùng với sự khéo léo, cần mẫn chăm sóc của người dân địa phương, nên cây lúa nếp Lào Mu mang những đặc trưng riêng, mà không một vùng trồng lúa nào có được.

Cây lúa nếp Lào Mu chỉ được canh tác một vụ trong một năm, thời gian sinh trưởng từ 135 đến 165 ngày (trồng từ tháng 5 đến tháng 6 âm lịch và thu hoạch vào tháng 10 âm lịch hàng năm). Lúa nếp Lào Mu có chiều cao khoảng 140 – 170cm/cây, gốc to, hình dạng đứng, lá hình thon dài. Bông dạng chụm, chiều dài bông từ 20 – 22cm, số hạt chắc trên một bông lúa trung bình khoảng 105 -107 hạt. Hạt thóc nếp Lào Mu, có hình tròn hơi dẹt, màu vàng nâu sẫm, nhấm thử thấy ngọt mát lan tỏa đầu lưỡi như sữa. Năng suất trung bình từ 150 – 170 kg/sào.

Hạt gạo nếp Lào mu có đặc điểm hạt to, mẩy, tròn, đặc biệt khi đồ lên thành xôi thì có một lớp dầu tự nhiên tiết ra từ hạt gạo nên xôi sẽ không bị dính và có vị thơm ngọt, mềm, dẻo, xôi nếp để một đến hai ngày thậm chí lâu hơn nhưng vẫn mềm, dẻo. Hiện nay, Gạo nếp Lào Mu có giá bán khá cao và mang lại lợi ích kinh tế cho người trồng. Bên cạnh đó nhu cầu của người tiêu dùng đối với loại gạo này ngày càng cao, nhưng sản lượng Gạo nếp Lào Mu còn khá nhỏ nên chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường.

Cây lúa nếp Lào Mu chỉ được canh tác một vụ trong một năm và được bà con dân tộc Tày tại xã Khánh Thiện trồng chủ yếu trên nương rẫy theo phương thức canh tác truyền thống. Nhờ có lợi thế đất đai màu mỡ, khí hậu nhiệt đới gió mùa, cùng với sự khéo léo, cần mẫn chăm sóc của người dân địa phương, nên cây lúa nếp Lào Mu cho ra hạt gạo mang những đặc trưng riêng, mà không một vùng trồng lúa nào có được. Hạt gạo nếp Lào mu có đặc điểm hạt to, mẩy, tròn, đặc biệt khi đồ lên thành xôi thì có một lớp dầu tự nhiên tiết ra từ hạt gạo nên xôi sẽ không bị dính và có vị thơm ngọt, mềm, dẻo, xôi nếp để một đến hai ngày thậm chí lâu hơn nhưng vẫn mềm và dẻo.

Gạo nương tím Hmông Trạm Tấu

Gạo nương tím Hmông Trạm Tấu có màu tím rất bắt mắt, đặc biệt là hạt cơm mềm dẻo, ngon ngọt và thoang thoảng hương thơm tự nhiên , vị đậm đà đặc trưng, không hề bị ngấy và dễ ăn, khác hẳn với những loại gạo tẻ được trồng trên những vùng đất khác.

Quy trình thu hoạch và xay xát gạo nương tím hoàn toàn truyền thống, còn nguyên lớp cám nên ăn rất béo và nhiều chất dinh dưỡng, tốt cho sức khoẻ.  Gạo được đồng bào Hmông trồng trên vùng cao nên không dùng trừ sâu hay phân bón hoá học, gạo sạch hữu cơ hoàn toàn an toàn. Hàm lượng đường trong gạo thấp hơn so với gạo trắng, có lợi cho người tiểu đường và béo phì , tim mạch . Đặc biệt giúp dễ tiêu hoá cho người già và trẻ nhỏ.

.

                             

TRUNG TÂM THÔNG TIN CÔNG NGHIỆP VÀ THƯƠNG MẠI VIỆT NAM - BỘ CÔNG THƯƠNG.

Giấy phép của Bộ Thông tin và Truyền thông số 55/GP-TTĐT, cấp ngày 02/6/2015.
Địa chỉ: 655 Phạm Văn Đồng - Bắc Từ Liêm - Hà Nội.
Điện thoại: 04 3934 1911  -  Email: info@nhanhieuviet.gov.vn