Các doanh nghiệp xuất khẩu trái cây Việt không ăn Tết ở quê nhà mà miệt mài đi mở thị trường bằng việc tham gia Hội chợ Fruit Logistica 2024 tại Đức.
Xuyên Tết đưa trái cây Việt đến trời Tây
Trong 3 ngày từ 7-9/2/2024 (nhằm ngày 28, 29 và 30 tháng Chạp), 6 doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất - chế biến rau quả xuất khẩu gồm Công ty Thanh long Hoàng Hậu, Công ty MTV AntFarm, Công ty XNK Golden Bee, Viet Tropical Fruit, Công ty Phước Hỷ, Công ty Thương mại Dịch vụ Trái cây Thiên nhiên (Natural Fruit) đã tham gia Hội chợ Fruit Logistica 2024 tại Berlin, Đức để tìm kiếm khách hàng, mở thị trường.
Đây là hoạt động nằm trong chuỗi chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, do Hiệp hội xuất khẩu Rau quả Việt Nam (Vinafruit) phối hợp với Thương vụ - Đại sứ quán Việt Nam tại CHLB Đức tổ chức.
Tại hội chợ này, Vinafruit tổ chức 7 gian hàng cho các doanh nghiệp Việt Nam, trong đó 6 gian hàng là của các doanh nghiệp tham gia trực tiếp, riêng gian hàng thứ 7 là của Vinafruit giới thiệu sản phẩm cho 2 doanh nghiệp gồm Công ty Pico AgriViet và Công ty XNK Vinagrin - do không kịp thu xếp tham gia.
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương sau 3 ngày tham gia Fruit Logistica 2024, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit) - cho biết: Sở dĩ các doanh nghiệp Việt tham gia Fruit Logistica 2024 vì đây là hội chợ lớn nhất thế giới chuyên về lĩnh vực trái cây tươi, khô và chế biến (tại nhiều hội chợ quy mô khác cũng có lĩnh vực rau quả nhưng lại xen lẫn đa ngành). Việc tham dự cũng nhằm giúp sản phẩm rau quả của Việt Nam hiện diện liên tục ở thị trường 500 triệu dân, đồng thời cũng là dịp quảng bá trái cây thơm ngon của Việt Nam cho người dân EU biết. Đặc biệt, là dịp cho doanh nghiệp gặp lại khách hàng cũ, kết nối khách hàng mới đến từ Ấn Độ, Trung Đông, EU… nhằm tiến tới những thỏa thuận hoặc hợp đồng kinh doanh trong tương lai.
Theo ông Nguyên, tại các chuỗi siêu thị lớn hàng đầu của Đức như AsRopa, Netto, Edeka, Selgros đã nhập khẩu và phân phối nhiều sản phẩm hoa quả của Việt Nam, đặc biệt là sầu riêng, bưởi da xanh. Ngoài ra còn có một số mặt hàng khác như chanh leo tươi, mít sấy khô, chuối sấy, thanh long sấy khô cũng được quan tâm để xuất khẩu. Tuy vậy không phải người tiêu dùng nào cũng có dịp thưởng thức hết những sản phẩm này. Do vậy doanh nghiệp Việt đã trực tiếp mang sản phẩm trái cây tươi đến hội chợ để người tiêu dùng nếm thử, qua đó giúp họ cảm nhận được vị ngon của sản phẩm.
“Ở Việt Nam đang là Tết Nguyên đán Giáp Thìn nhưng các doanh nghiệp rau quả đã hoãn ăn Tết để mang sản phẩm tới Fruit Logistica 2024 giới thiệu, quảng bá nhằm mở rộng kinh doanh. Thậm chí, sau hội chợ họ sẽ tiếp tục đi một số nước EU thăm khách hàng cũ và tìm hiểu khách hàng mới cũng như tham quan công nghệ chế biến bảo quản mới được trưng bày tại hội chợ để mở mang kiến thức. Vì thế dù hội chợ diễn ra trong thời điểm Tết song các doanh nghiệp tham gia đều thích thú và hài lòng với chuyến đi lần này”- ông Nguyên chia sẻ.
Sầu riêng, mít, thanh long… hút khách
Cũng theo ông Đặng Phúc Nguyên, những doanh nghiệp tham gia hội chợ đều đã xuất khẩu sản phẩm qua EU. Trong đó, có doanh nghiệp xuất khẩu khoảng 2 triệu USD/năm, thậm chí có doanh nghiệp xuất khẩu đạt 5-6 triệu USD/năm. Điều đáng mừng là trong suốt thời gian diễn ra hội chợ, khu gian hàng của các doanh nghiệp Việt Nam đã thu hút sự chú ý của khách hàng.
“Sản phẩm của mỗi nước tham gia hội chợ này đều có hương vị riêng. Tuy vậy những sản phẩm rau quả của Việt Nam như mít, sầu riêng, chanh dây, thanh long với nét riêng của xứ nhiệt đới nên thu hút nhiều khách hàng tại hội chợ. Nhìn chung khách hàng rất thích thú rau quả Việt bởi ngoài thưởng thức họ còn chụp hình và lấy thông tin doanh nghiệp để sau này có liên lạc”- ông Nguyên phấn khởi nói.
Theo đánh giá của các doanh nghiệp tham gia hội chợ, châu Âu là thị trường nhập khẩu rau quả lớn thứ ba của Việt Nam, sau Trung Quốc và ASEAN. Đây cũng là thị trường có tiêu chuẩn rất cao về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm bởi họ kiểm soát rất chặt vấn đề này. Song những năm gần đây doanh nghiệp đã dần quen với các tiêu chuẩn khắt khe này và có sự chuẩn bị kỹ lưỡng trong việc kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật cùng các tiêu chuẩn khác mà EU đưa ra. Từ đó giúp xuất khẩu rau quả sang EU tăng trưởng đều đặn qua các năm.
Thống kê từ Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho thấy, nếu như năm 2022 xuất khẩu rau quả vào EU đạt 200 triệu USD, thì tới năm 2023 con số này đã tăng lên 300 triệu USD (tăng khoảng 20%) và dự kiến trong năm 2024 này sẽ tiếp tục tăng 20%.
“Doanh nghiệp Việt ý thức được tầm quan trọng của việc kiểm soát theo tiêu chuẩn khắt khe tại EU nên đã sản xuất ra những sản phẩm đáp ứng được yêu cầu mà EU đưa ra. Tuy vậy trong năm 2024 doanh nghiệp xuất khẩu rau quả nói chung, xuất khẩu mặt hàng quả tươi như dừa tươi, bưởi da xanh.... đi EU nói riêng đang phải đối mặt với thách thức mới từ căng thẳng tại khu vực Biển Đỏ. Song với những nỗ lực trong năm qua, chúng tôi tin rằng trong năm 2024 các doanh nghiệp sẽ tìm được hướng thích nghi tốt nhất, từ đó giúp kim ngạch xuất khẩu rau quả sang EU tăng ít nhất là 20% so với năm 2023, cao hơn có thể tăng tới 30%”- ông Đặng Phúc Nguyên chia sẻ thêm.
Nhanhieuviet (Theo Báo Công Thương - Link gốc)