7/5/2024 10:42:00 AM
.

Đồng yen mất giá, Nhật Bản lao đao


Ngày 3-7, đồng yen tiếp tục rớt giá, lần đầu tiên rơi xuống mức 161,96 yen đổi 1 USD kể từ tháng 12-1986. Giá trị đồng yen so với đồng euro cũng thấp nhất lịch sử, với 174,48 yen đổi 1 euro.

Với một quốc gia phụ thuộc nhiều vào thương mại như Nhật Bản, việc đồng nội tệ mất giá có thể mang lại nhiều lợi ích về thương mại và du lịch. Tuy nhiên do không thể tự chủ về tài nguyên, Nhật Bản vẫn có thể chịu tổn thất lớn từ sự biến động tỉ giá này.

Cơ hội lớn cho xuất khẩu

Thực tế việc đồng yen rớt giá kỷ lục là kết quả của xu hướng đã bắt đầu từ vài năm qua. Lý do chủ yếu đến từ việc Mỹ liên tục tăng lãi suất trong giai đoạn hậu COVID-19 để kiềm chế lạm phát. Điều này khiến giá trị của đồng USD tăng cao so với các đồng tiền khác.

Dù đã từ bỏ chính sách lãi suất âm hồi tháng 3 sau 17 năm theo đuổi, lãi suất của Nhật Bản vẫn chỉ ở mức từ 0 - 0,1%. Con số này rất thấp so với mức 5,25 - 5,5% của Mỹ. Do đó, Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs đánh giá khả năng đồng yen tăng giá mạnh trong vài tháng tới vẫn sẽ ở mức rất thấp.

Theo báo Japan Times, việc đồng yen mất giá có thể khiến giá trị hàng xuất khẩu của nước này giảm, từ đó làm tăng đáng kể lượng hàng xuất khẩu. Về lý thuyết, điều này có thể mang lại nguồn lợi lớn cho kinh tế Nhật vốn phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu hàng hóa.

Mặt khác đồng yen rẻ giúp tăng giá trị các nguồn thu từ việc đầu tư nước ngoài. Không ít tập đoàn hàng đầu của Nhật như Sony, Honda, Toyota... có những khoản đầu tư hải ngoại khổng lồ.

Khi đồng yen giảm, khoản doanh thu ngoại tệ này khi về đến Nhật sẽ quy đổi được nhiều tiền hơn, do đó vô hình trung trở nên giá trị hơn. Vào tháng 7-2023, tổng thu nhập quốc dân (GNI) Nhật Bản cao hơn tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đến tận 6% - chủ yếu do đồng yen giảm.

Lợi bất cập hại

Tuy nhiên, việc đồng yen mất giá quá nhanh cũng đang có dấu hiệu mang lại nhiều hệ lụy lớn cho nền kinh tế Nhật Bản. Nhật Bản là quốc gia nghèo tài nguyên, do đó hầu hết khoáng sản thô, nhiên liệu và một phần lương thực, phân bón của nước này đều phải nhập khẩu. Việc tiền trong nước hạ giá khiến các khoản chi phí đầu vào trên tăng đáng kể.

Trong một khảo sát của Hãng tin Bloomberg hồi tháng 5, hầu hết các doanh nghiệp Nhật đều khẳng định sức ép từ việc chi phí hàng hóa tăng đang buộc họ dồn một phần tác động sang người dùng, khiến giá cả thị trường tăng vọt. Kinh tế hộ gia đình đang là bên chịu thiệt nhất trong bối cảnh tiền lương ở xứ sở phù tang gần như giậm chân tại chỗ trong nhiều năm.

Tác động của vấn đề này nhân rộng khi kim ngạch thương mại của Nhật Bản liên tục nhập siêu thời gian qua. Từ chỗ xuất siêu 387 tỉ yen hồi tháng 3, Nhật Bản đã chuyển thành nhập siêu 462,5 tỉ yen (3 tỉ USD, tính theo tỉ giá tháng 5-2024) trong tháng 4.

Việc đồng yen biến động mạnh mẽ cũng ảnh hưởng tiêu cực đến vị thế độc đáo của đồng tiền này trong nhiều thập niên.

Trước giai đoạn mất giá, trong suốt vài chục năm đồng yen duy trì vị thế là đồng tiền giá trị thấp nhưng ổn định. Điều này khiến đồng yen trở thành lựa chọn thay thế USD hoặc euro những khi giá trị hai đồng tiền này biến động. Do đó, bất kỳ sự biến đổi kéo dài nào cũng góp phần khiến vị thế trên của đồng yen giảm sút.

Báo Financial Times đánh giá dù các nhà hoạch định kinh tế Nhật đã có một số biện pháp kiềm chế đà rơi của đồng yen, song cục diện "cuộc chơi" này không thật sự nằm trong tay Tokyo. Giá trị của đồng yen so với USD thực tế phụ thuộc nhiều vào chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hơn là Ngân hàng Nhật Bản (BoJ).

Ý thức được điều này, giới chức Nhật Bản cũng chưa thật sự tất tay để đẩy giá đồng yen. Ông Soichiro Tateishi, chuyên gia kinh tế tại Viện Nghiên cứu Nhật Bản, đánh giá: "Chính phủ có vẻ đang do dự trong việc can thiệp.

Ví dụ nếu các cơ quan tài chính đột nhiên nhảy vào lúc này, đồng yen có thể tăng lên mức 140 yen đổi 1 USD. Tuy nhiên, chênh lệch lãi suất quá lớn giữa Mỹ và Nhật Bản nhiều khả năng rồi cũng lại đưa mọi thứ về mức hiện tại".
Nhanhieuviet (Theo Báo Tuổi trẻ - Link gốc)


.
.
.
.

                   

TRUNG TÂM THÔNG TIN CÔNG NGHIỆP VÀ THƯƠNG MẠI VIỆT NAM - BỘ CÔNG THƯƠNG.

Giấy phép của Bộ Thông tin và Truyền thông số 113/GP-TTĐT, cấp ngày 03/6/2024.
Địa chỉ: 655 Phạm Văn Đồng - Bắc Từ Liêm - Hà Nội.
Điện thoại: 04 3934 1911  -  Email: info@nhanhieuviet.gov.vn