6/26/2024 8:45:00 AM
.

‘Vô tư’ vi phạm khi sử dụng ký hiệu ® mà không xin phép


Hiện nay, không khó để bắt gặp ký hiệu ® trên logo của nhiều nhãn hàng, dịch vụ. Thế nhưng, không phải ai cũng hiểu hết ý nghĩa của ký hiệu này dẫn đến việc sử dụng một cách tùy tiện, trong khi đó cơ quan chức năng thì buông lỏng quản lý.

Các ký hiệu ®, ™, SM và © thường được tổ chức, cá nhân đính kèm với tên sản phẩm, thương hiệu hay bao bì. Đây là các ký hiệu liên quan đến sự bảo hộ của đối tượng sở hữu trí tuệ hay còn được gọi là “tình trạng pháp lý” của đối tượng đó. 

Tùy tiện sử dụng ký hiệu ® khi chưa đăng ký 

Ký hiệu ® (Registered) là quy ước chung của quốc tế thể hiện tình trạng pháp lý của một thương hiệu. Nghĩa là sản phẩm, nhãn hiệu hay bao bì đó đã được đăng ký bảo hộ tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.  

Ở Việt Nam, chúng ta thường bắt gặp nhiều thương hiệu sử dụng ký hiệu này sau tên của mình như Vinamilk, FPT, Nguyễn Kim, Trung Nguyên,… Doanh nghiệp sử dụng ký hiệu này để thể hiện đang sở hữu sản phẩm, nhãn hiệu một cách hợp pháp. Vì vậy, nếu chưa được bảo hộ thì không được dùng ký hiệu này. 

Thế nhưng, nhiều tổ chức lại ngang nhiên sử dụng ký hiệu ® đằng sau tên gọi khi chưa đăng ký bảo hộ để đánh lừa công chúng. Điển hình là một tổ chức khoa học công nghệ tư nhân với tên gọi “Viện Hàn lâm Y học”.  

Tổ chức này được cấp phép 4 hoạt động trong lĩnh vực khoa học công nghệ là: Nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong lĩnh vực y học; Sản xuất thử nghiệm, sản xuất kinh doanh sản phẩm là kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong lĩnh vực đăng ký; Dịch vụ khoa học và công nghệ theo lĩnh vực đăng ký; hợp tác trong và ngoài nước theo lĩnh vực đăng ký phù hợp với luật định. 

Không chỉ tự tiện sử dụng ký hiệu ® khi chưa đăng ký, việc lấy tên gọi “Viện Hàn lâm Y học” của tổ chức này cũng đã khiến giới khoa học có nhiều ý kiến trái chiều vì dễ gây hiểu nhầm với các cơ quan nghiên cứu học thuật hàng đầu thuộc Nhà nước.

Đặc biệt, nhiều ý kiến đặt ra giả thuyết nếu một tổ chức nghiên cứu về y học thuộc quản lý của Chính phủ thành lập sau có được đặt tên là "Viện Hàn lâm Y học Việt Nam" nữa không? Có vi phạm quyền sở hữu trí tuệ không?

Bà Nguyễn Thị Thu Sương - Quyền Trưởng phòng phòng Quản lý khoa học, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM - cho biết theo quy định hiện nay, tên gọi của tổ chức phải phù hợp với lĩnh vực hoạt động chính, không được trùng lặp với tổ chức khoa học công nghệ khác. Tên đầy đủ bằng tiếng Việt sẽ bao gồm hình thức của tổ chức (viện, trung tâm,…), lĩnh vực đăng ký hoạt động khoa học công nghệ và tên riêng của tổ chức. Tổ chức khoa học công nghệ, không phân biệt công lập hay không công lập, đều phải tự chịu trách nhiệm về việc lựa chọn tên của mình, bao gồm tên đầy đủ bằng tiếng Việt, tên giao dịch quốc tế và tên viết tắt.

Chia sẻ dưới góc độ cá nhân, ThS. Nguyễn Xuân Thanh - Viện Phó Viện hợp tác phát triển - cho rằng việc sử dụng cụm từ “viện hàn lâm” trong tên gọi của các tổ chức khoa học công nghệ tư nhân có thể gây nhầm lẫn. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến sự minh bạch trong cộng đồng khoa học mà còn có thể tạo ra sự hiểu lầm đối với công chúng.

Do đó, có lẽ cần có quy định cụ thể hoặc hướng dẫn rõ ràng về việc đặt tên cho các tổ chức khoa học công nghệ tư nhân để tránh tình trạng này. Việc này sẽ giúp bảo đảm tính chính xác và uy tín của các tổ chức nghiên cứu và khoa học trong mắt công chúng và cộng đồng khoa học. 

Viện Hàn lâm Y học cũng đã thừa nhận việc sử dụng ký hiệu ® khi chưa được bảo hộ là không đúng quy định. Hiện tổ chức này đã khắc phục bằng cách gỡ bỏ ký hiệu ra khỏi tên gọi của mình. 

Sử dụng ký hiệu ® thế nào cho đúng? 

Ký hiệu ® là sự khẳng định uy tín, chất lượng và độ tin cậy của những sản phẩm, dịch vụ mà doanh nghiệp mang lại. Đồng thời, ký hiệu này như một sự thông báo đến với các chủ thể kinh doanh khác về sự độc quyền của doanh nghiệp với nhãn hiệu, nếu như xâm phạm vào bản quyền nhãn hiệu này sẽ phải bị xử lý theo quy định của pháp luật. 

Một logo được gắn với ký hiệu ® cũng sẽ làm cho khách hàng cảm thấy tin tưởng, an tâm, không lo mua nhầm hàng giả, hàng nhái nên ký hiệu này cũng gián tiếp bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.

Như vậy, chỉ khi nào nhãn hiệu được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam ban hành Quyết định cấp văn bằng bảo hộ, các chủ sở hữu mới có thể gắn ký hiệu ® lên logo thương hiệu của mình. Đồng thời, việc chỉ dẫn tình trạng pháp lý của thương hiệu cần được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. 

Pháp luật Việt Nam đã có quy định rõ về biện pháp xử phạt với việc vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp tại Nghị định 99/2013/NĐ-CP.Cụ thể, tại Khoản 1, Điều 6 quy định việc chỉ dẫn sai về tình trạng pháp lý, phạm vi bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp được hiểu là việc sử dụng thông tin chỉ dẫn gây hiểu sai lệch rằng đối tượng đang được bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp tại Việt Nam mặc dù không được hoặc chưa được bảo hộ, kể cả trường hợp đối tượng đó tuy đã nộp đơn đăng ký nhưng chưa được cấp văn bằng bảo hộ, hoặc văn bằng bảo hộ đã bị huỷ bỏ, chấm dứt hiệu lực hoặc hết thời hạn bảo hộ.

Ví dụ: In trên sản phẩm, hàng hóa, bao bì hàng hóa, phương tiện kinh doanh, phương tiện dịch vụ chỉ dẫn gây hiểu sai lệch về việc sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu được bảo hộ như: “nhãn hiệu đã được đăng ký bảo hộ độc quyền”, “nhãn hiệu đã được bảo hộ”, “nhãn hiệu thuộc độc quyền của…”, kể cả việc sử dụng ký hiệu chữ ® (chỉ dẫn về việc nhãn hiệu đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu).

Cá nhân, tổ chức chưa tiến hành đăng ký bảo hộ nhãn hiệu mà tự ý sử dụng ký hiệu ® để đánh dấu nhãn hiệu của mình là độc quyền, đã đăng ký bảo hộ là hành vi chỉ dẫn sai về tình trạng pháp lý và phạm vi bảo hộ của nhãn hiệu. Với hành vi này, cá nhân có thể bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền 500.000 đến 1.000.000 đồng và phạt gấp 2 lần đối với tổ chức.

Ngoài ra, tổ chức, cá nhân vi phạm còn phải loại bỏ yếu tố vi phạm trên hàng hóa, phương tiện kinh doanh và cải chính công khai đối với hành vi vi phạm.

Do đó, khi sử dụng các ký hiệu “đánh dấu chủ quyền” trên nhãn hiệu của mình, các cá nhân, tổ chức cần tìm hiểu kỹ các quy định của pháp luật có liên quan để tránh hậu quả đáng tiếc vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu của mình.
Nhanhieuviet (Theo Tạp chí Sở hữu Trí tuệ - Link gốc)


.

                   

TRUNG TÂM THÔNG TIN CÔNG NGHIỆP VÀ THƯƠNG MẠI VIỆT NAM - BỘ CÔNG THƯƠNG.

Giấy phép của Bộ Thông tin và Truyền thông số 113/GP-TTĐT, cấp ngày 03/6/2024.
Địa chỉ: 655 Phạm Văn Đồng - Bắc Từ Liêm - Hà Nội.
Điện thoại: 04 3934 1911  -  Email: info@nhanhieuviet.gov.vn