Bộ Công Thương đã gửi danh sách 70 nghệ nhân trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ lên Cổng thông tin điện tử Chính phủ lấy ý kiến của nhân dân.
Căn cứ quy định tại điểm c, khoản 2, Điều 16 Nghị định số 43/2024/NĐ-CP ngày 19/4/2024 của Chính phủ quy định chi tiết về xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ; Bộ Công Thương - Cơ quan thường trực Hội đồng cấp Nhà nước đã gửi Cổng thông tin điện tử Chính phủ danh sách 10 nghệ nhân ưu tú đề nghị xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, 59 cá nhân đề nghị xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” và 1 cá nhân đề nghị truy tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ đã được Hội đồng cấp Nhà nước họp, bỏ phiếu đồng ý, báo cáo, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, trình Chủ tịch nước quyết định tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ.
Thời gian lấy ý kiến công khai trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ là 20 ngày trước khi Hội đồng cấp Nhà nước báo cáo, trình Thủ tướng Chính phủ.
Trước đó, ngày 6/12, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã chủ trì cuộc họp Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng danh hiệu "Nghệ nhân nhân dân", "Nghệ nhân ưu tú" trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ.
Sau khi lắng nghe ý kiến của các thành viên Hội đồng, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, qua thảo luận, các thành viên Hội đồng có ý kiến cần đổi mới cách xét chọn để tôn vinh đúng, trúng, kịp thời, phản ánh thực chất, đa dạng đóng góp của các nghệ nhân cao tuổi. Có thể họ không đủ các tiêu chí theo quy định hiện hành nhưng thực chất có đóng góp rất lớn cho xã hội, hay ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn rất nhiều người tài giỏi cần được phát hiện, tôn vinh.
“Ý kiến này rất xác đáng, đổi mới cách tuyển chọn, phát hiện, điều này không chỉ quan trọng với các cá nhân trong cuộc mà còn có giá trị xã hội lớn”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng, từ đổi mới cách phát hiện, tuyển chọn, chúng ta cũng mạnh dạn đề xuất với Nhà nước điều chỉnh kịp thời các tiêu chuẩn, tiêu chí, điều kiện mới có thể phát hiện và tôn vinh kịp thời các cá nhân điển hình tiên tiến.
Cùng với đó, cần tiếp tục nghiên cứu và có cơ chế hỗ trợ xây dựng quảng bá sản phẩm của nghệ nhân nhằm lan toả ra xã hội, biến danh hiệu trở thành giá trị vật chất đủ lớn. Điều này sẽ đóng góp lớn cho kinh tế đất nước, ví dụ như du lịch hay xuất khẩu tại chỗ, đồng thời là cách quảng bá thương hiệu và đất nước con người Việt Nam. Đồng thời, hỗ trợ để nghệ nhân tiếp tục say mê truyền nghề tốt hơn, hiệu quả hơn.
Bộ trưởng giao nhệm vụ cho Cục Công Thương địa phương tiếp thu ý kiến này để xây dựng kế hoạch khuyến công hàng năm, tập trung hỗ trợ nghệ nhân truyền nghề rộng rãi ra cộng đồng. Cùng với việc tôn vinh, cần làm tốt công tác truyền thông để lan tỏa giá trị và ảnh hưởng của danh hiệu với các nghệ nhân.
Xem danh sách nghệ “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” được đề nghị xét tặng tại đây.
Nhanhieuviet (Theo Báo Công Thương - Link gốc)