Việc đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số, đổi mới tư duy, hiện các cơ sở đào tạo ngành Công Thương từng bước đáp ứng yêu cầu về đào tạo nhân lực chất lượng cao.
Chuyển đổi số toàn diện
Có thể khẳng định, trong những năm qua, các cơ sở đào tạo ngành Công Thương đã từng bước đối mới tư duy, nhận thức, nâng cao năng lực quản trị, tháo gỡ điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực, đẩy mạnh triển khai tự chủ đi vào chiều sâu và thực chất, gắn với mục tiêu nâng cao chất lượng và tối ưu hóa hiệu quả hoạt động.
Tại Hội nghị Tổng kết công tác đào tạo, bồi dưỡng năm học 2023 - 2024 và phương hướng nhiệm vụ năm học 2024 - 2025 do Bộ Công Thương tổ chức mới đây tại TP. Hồ Chí Minh, ông Trần Quang Huy - Uỷ viên Ban Cán sự Đảng, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Công Thương) - thông tin, các cơ sở đào tạo trực thuộc Bộ đã triển khai toàn diện các giải pháp bảo đảm chất lượng trong tuyển sinh, đào tạo, nghiên cứu khoa học; gắn kết chặt chẽ nhiệm vụ phát triển nguồn nhân lực với phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đồng thời đã có nhiều giải pháp huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài chính cho đào tạo và nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo; tăng cường hợp tác, khai thác các nguồn lực từ bên ngoài. “Chuyển đổi số cũng được tăng cường thông qua đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong toàn bộ hoạt động đào tạo từ hệ thống quản lý, tuyển sinh, đào tạo, đổi mới phương pháp dạy và học, lấy tiến bộ của người học làm thước đo cho chất lượng, hiệu quả giảng dạy”- ông Trần Quang Huy cho hay.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được cũng còn những tồn tại, hạn chế như hoạt động kiểm định chất lượng, thực hiện theo chuẩn chương trình đào tạo triển khai còn chậm; hoạt động nghiên cứu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo còn hạn chế...
Thành công từ đổi mới tư duy
Có thể khẳng định, năm học 2023-2024 là năm học thành công của các cơ sở đào tạo ngành Công Thương khi nhiều nội dung trong công tác đào tạo, tuyển sinh, hợp tác quốc tế, nghiên cứu khoa học… đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, tạo dựng uy tín cho khối trường thuộc Bộ Công Thương.
Đánh giá cao những kết quả đạt được của các cơ sở đào tạo trong năm học vừa qua, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng cho biết: Năm học 2023- 2024, tỷ lệ tuyển sinh đại học của các cơ sở giáo dục đại học đạt 91%, cao đẳng đạt 81%, trung cấp đạt 74% kế hoạch đề ra, là nỗ lực đáng được ghi nhận đối với các trường trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn về cạnh tranh tuyển sinh và phân cấp, phân luồng trong giáo dục hiện nay. Quy mô đào tạo của các trường, các năm gần đây tương đối ổn định, ngành nghề đào tạo đa dạng, mở mới kịp thời, đáp ứng yêu cầu thị trường lao động; bước đầu hình thành các ngành thế mạnh đặc thù khẳng định thương hiệu.
Đặc biệt, thành tích trong nghiên cứu khoa học là điểm sáng với 1.067 công trình do giáo viên và sinh viên các trường thực hiện. Số lượng bài báo khoa học đăng trên tạp chí quốc tế là 2.240 bài, từng bước nâng cao chất lượng, uy tín và vai trò của các trường trực thuộc Bộ trong hệ thống cơ sở đào tạo trên cả nước. “Chất lượng đội ngũ giảng viên được cải thiện với tỷ lệ 20,7% giảng viên có trình độ tiến sỹ, số lượng giảng viên trẻ đi học nước ngoài về tăng lên đã góp phần làm thay đổi phương pháp dạy và học theo mô hình của các nước tiên tiến” - Thứ trưởng thông tin.
“Hoạt động hợp tác quốc tế của các trường tiếp tục phát triển, duy trì, uy tín và chất lượng đào tạo của các cơ sở đào tạo trực thuộc Bộ đã được ghi nhận. Cụ thể, tại chương trình “Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050” của Chính phủ, 3 trường đại học (Đại học Công nghiệp Hà Nội, Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh, Đại học Điện lực) đã được dự kiến ưu tiên xem xét đầu tư phòng thí nghiệm bán dẫn để phục vụ đào tạo nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn”- Thứ trưởng Phan Thị Thắng cho biết.
Sẵn sàng cho những mục tiêu mới
Bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ Công Thương cũng đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế của việc triển khai kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng như: Tuyển sinh trình độ cao đẳng vẫn là bài toán khó cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp khu vực phía Bắc; ngành nghề đào tạo mở mới theo nhu cầu xã hội nhưng chất lượng chưa thực sự đáp ứng các yêu cầu đối với nguồn nhân lực của doanh nghiệp. Cơ sở hạ tầng mạng, trang thiết bị công nghệ thông tin của hầu hết các trường chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu chuyển đổi số trong giảng dạy và học tập, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng…
Trước những hạn chế, khó khăn trên, Thứ trưởng Phan Thị Thắng đề nghị năm học 2025, các cơ sở đào tạo ngành Công Thương cần phải thực hiện một số nhiệm vụ sau: Các trường tự chủ theo từng cấp độ đánh giá kết quả triển khai, rút kinh nghiệm và đề xuất giải quyết vướng mắc, tồn tại; tiếp tục đẩy mạnh tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong mọi mặt hoạt động. Tổ chức sắp xếp bộ máy đảm bảo tinh gọn, hiệu quả, tránh lãng phí. Đồng thời, cải thiện chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên, giảng viên và cán bộ quản lý; tăng cường hợp tác doanh nghiệp, hợp tác quốc tế để học tập, nâng cao trình độ, kinh nghiệm, kỹ năng sư phạm, khả năng nghiên cứu, ngoại ngữ, công nghệ thông tin,... cho đội ngũ nhà giáo, đặc biệt là giảng viên chương trình chất lượng cao.
Thứ trưởng yêu cầu các cơ sở đào tạo cần xây dựng đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo gồm: Đổi mới đồng bộ chương trình và phương thức đào tạo theo hướng hiện đại, hội nhập quốc tế hướng tới đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và công nghệ theo phương hướng phù hợp chiến lược tổng thể của quốc gia, của ngành Công Thương giai đoạn 2021-2030; thúc đẩy hợp tác và hội nhập quốc tế thông qua việc bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ làm công tác hợp tác quốc tế…
Nhanhieuviet (Theo Báo Công Thương - Link gốc)