7/19/2024 2:57:00 PM
.

Xúc tiến thương mại: Chắp cánh cho sản phẩm OCOP


Dù đã ghi nhận những kết quả cả về lượng và chất đối với các sản phẩm OCOP, tuy nhiên, để sản phẩm này có thể đứng vững trên thị trường, công tác xúc tiến thương mại cần phải được đặc biệt chú trọng.

Đa dạng các giải pháp để sản phẩm OCOP đến gần hơn với người tiêu dùng

Sau 6 năm triển khai Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (Chương trình OCOP), đến thời điểm hiện tại, sự đón của địa phương đối với chương trình rộng khắp khi được triển khai ở 63/63 tỉnh, thành với hơn 600 đơn vị cấp huyện, hơn 80% đơn vị cấp xã.

Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến tháng 6/2024, cả nước có 13.368 sản phẩm OCOP, con số sản phẩm hàng tháng đều tăng, cơ cấu sản phẩm cũng có sự thay đổi, trong đó có hơn 70% là được đánh giá 3 sao, khoảng 26% được đánh giá 4 sao còn lại là sản phẩm 5 sao.

Theo khảo sát, đánh giá tác động của Chương trình đối với kinh tế hàng năm, ông Đào Đức Huấn - Trưởng phòng OCOP, Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) – cho hay, một trong những tác động nổi trội nhất đó là thay đổi hiện trạng sản xuất của sản phẩm OCOP, đó là thay đổi về tư duy và quy trình sản xuất của các chủ thể OCOP.

Ví dụ, gần 2.000 chủ thể là hợp tác xã có sản phẩm OCOP, nghĩa là phải chuyển đổi từ kinh doanh đơn thuần sang sản xuất sản phẩm; các chuỗi sản phẩm OCOP ngày càng được liên thông qua liên kết vùng. Tính đến hết năm 2023, 34,6% các chủ thể đã có vùng nguyên liệu của mình. Đây là yếu tố tác động mạnh đến việc hình thành chuỗi liên kết.

Tiếp đến là sự thay đổi về chất lượng sản phẩm. Trong 4 năm gần đây có sự “nở rộ” của các sản phẩm OCOP trên thị trường và có những thay đổi về bao bì, chất lượng…

Bên cạnh đó, Chương trình OCOP có những đóng góp về mặt xã hội. Tính đến thời điểm hiện tại, gần 35% chủ thể có tăng lên về quy mô lao động, trong đó có 40% chủ thể là nữ và 18% chủ thể là người dân tộc điều hành…

Đặc biệt, Chương trình đã tạo nên những thay đổi về mặt thương mại mạnh mẽ, đã có phiên bán hàng trực tuyến trên TikTok chuyên cho các sản phẩm OCOP, qua đó lan tỏa hầu hết vào hệ thống phân phối, tạo điểm gặp gỡ giữa sản xuất và tiêu dùng…

Là địa phương có số lượng sản phẩm OCOP lớn nhất cả nước, đến nay, TP. Hà Nội đã đánh giá, phân hạng và chứng nhận được 2.711 sản phẩm OCOP trong đó có 6 sản phẩm OCOP 5 sao, 12 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 1.473 sản phẩm 4 sao, 1.220 sản phẩm 3 sao, trở thành điểm sáng và đi đầu của cả nước trong phát triển Chương trình OCOP.

Cùng với việc đánh giá phân hạng sản phẩm, công tác quảng bá, xúc tiến sản phẩm OCOP cũng được các đơn vị sở, ngành đẩy mạnh triển khai. Dưới góc độ ngành Công Thương, Sở Công Thương Hà Nội cho biết, trong thời gian qua, Sở Công Thương đã thường xuyên cung cấp thông tin, giới thiệu danh sách trên 2.200 sản phẩm OCOP Hà Nội đã được đánh giá, phân hạng đến các doanh nghiệp, siêu thị, Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP… của Hà Nội và các tỉnh, thành phố để tổ chức kết nối, tiêu thụ, góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của các đơn vị có sản phẩm OCOP trên địa bàn Thủ đô. Bên cạnh đó, triển khai Kế hoạch phát triển các Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP gắn với các địa điểm kinh doanh, du lịch làng nghề du lịch nông thôn trên địa bàn thành phố Hà Nội.

“Điểm OCOP tại các quận, huyện, thị xã có ý nghĩa quan trọng trong hệ thống phân phối của Thành phố, phục vụ nhu cầu người tiêu dùng với những sản phẩm OCOP của những đơn vị sản xuất uy tín đã được đánh giá, phân hạng… do đó, cần tiếp tục hỗ trợ công tác duy trì, vận hành các Điểm OCOP đang hoạt động trong việc chỉnh trang, quảng bá Điểm OCOP; Vận động Đơn vị quản lý, vận hành Điểm khai thác sản phẩm mới; phối hợp với Sở Công Thương giới thiệu sản phẩm OCOP Hà Nội và các tỉnh đến các Điểm OCOP để kết nối tiêu thụ sản phẩm phù hợp…”, đại diện Sở Công Thương Hà Nội cho hay.

Cùng với Hà Nội, tại Lào Cai, đến nay, toàn tỉnh có 205 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên (trong đó 10 sản phẩm 4 sao, 195 sản phẩm 3 sao) với số lượng 100 chủ thể. Trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố hiện có 8 trung tâm/điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP. Hiện nay, có 86/100 chủ thể OCOP (chiếm 86%) đã tham gia kênh bán hàng hiện đại và 96% số sản phẩm OCOP (196 sản phẩm) được đưa lên sàn thương mại điện tử, tạo gian hàng số và có tài khoản thanh toán điện tử.

Bên cạnh đó, thời gian qua, các sản phẩm OCOP của Lào Cai đã được giới thiệu, quảng bá qua các hoạt động, sự kiện xúc tiến thương mại, cụ thể như: Sự kiện giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các tỉnh miền núi phía Bắc; hội chợ OCOP Quảng Ninh; tuần lễ sản phẩm OCOP và sản phẩm đặc trưng vùng, miền tại Thành phố Hồ Chí Minh; hội chợ làng nghề Việt Nam lần thứ 19 trong khuôn khổ Festival bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam; tuần lễ nhận diện nông sản thực phẩm an toàn và sản phẩm OCOP của tỉnh Lào Cai tại thành phố Hà Nội; tuần hàng nông sản an toàn và sản phẩm OCOP tại Lào Cai; hội chợ đặc sản vùng miền Việt Nam tổ chức tại Hà Nội…

Tiếp sức cho sản phẩm OCOP

Đến nay, chương trình OCOP đã vượt mục tiêu Chính phủ đề ra đến năm 2025 phấn đấu có 10.000 sản phẩm, về thương mại Chương trình đã tăng bình quân 17% nhưng hạng Quốc gia tăng từ 20 - 40%.

Phiên chợ OCOP đầu tiên mà Việt Nam tổ chức tại Bắc Kạn thì doanh số mới chỉ đạt 300 triệu đồng, nhưng đến phiên thứ hai tại An Giang đã tăng 100 lần với hơn 1 triệu người theo dõi trên nền tảng trực tuyến.

Tuy nhiên, theo chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy, chương trình OCOP cần phải tiếp sức để vươn xa, tạo trục sản xuất nông sản để xuất khẩu, cạnh tranh sòng phẳng với các quốc gia trong khu vực và nâng cao giá trị gia tăng cho các chủ thể tham gia OCOP. 

Bởi theo ông Hoàng Trọng Thủy, hiện nay, sản phẩm OCOP vẫn còn tồn tại những hạn chế nhưng chúng ta hãy nhìn nhận vấn đề bao dung hơn. “Bản thân tôi khi xuống địa phương cảm thấy rất chạnh lòng khi thấy họ rất khó khăn về góc độ tiếp cận thị trường vì họ xuất phát là những người nông dân. Về mặt thương mại, hiện chỉ có một số siêu thị ưu tiên các sản phẩm OCOP. Chúng ta cần có cái nhìn bao dung, chia sẻ hơn vì đó là các sản phẩm OCOP, vì đó là các sản phẩm từ nông thôn, mang nhiều giá trị văn hóa vùng miền trong đó”.

Để thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa, giúp cho các sản phẩm OCOP tiếp tục vươn xa, PSG.TS. Mai Quang Vinh - Viện trưởng Viện Công nghệ xanh – cũng cho rằng, cần hỗ trợ cơ sở sản xuất nâng cao năng lực, đáp ứng yêu cầu thị trường. Theo đó, cần tăng cường liên kết giữa các sản phẩm. Nhà nước cần tìm lời giải, giúp các cơ sở liên kết với nhau trong chuỗi giá trị tạo sức mạnh thương hiệu và cạnh tranh trên thị trường. Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm OCOP trong các kênh trong và ngoài nước. Đồng thời cần khuyến khích các cơ sở sản xuất quan tâm đến bộ nhận diện thương hiệu, phát triển thương mại điện tử, kinh tế số, kinh tế chia sẻ để sản phẩm lan tỏa ra thị trường.

Liên quan đến công tác xúc tiến thương mại, ông Nguyễn Minh Tiến – Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) – cho hay, người tiêu dùng hiện nay không chỉ mua hàng qua kênh thương mại truyền thống mà còn đẩy mạnh tiêu dùng trên nền tảng thương mại điện tử, mạng xã hội,… Nhằm đa dạng hoá các hình thức xúc tiến thương mại, mở ra thị trường mới, gia tăng cơ hội tiếp cận khách hàng và mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội cho các địa phương, công tác xúc tiến thương mại đã và đang được triển khai với nhiều giải pháp. Trong đó, tại các hội chợ, phiên chợ…. Điểm nhất sẽ là hoạt động livestream bán nông đặc, sản phẩm OCOP trên nền tảng TikTok và các nền tảng mạng xã hội. Từ đó, các sản phẩm nông đặc sản các tỉnh/thành phố sẽ tạo được sự lan tỏa rộng khắp đến người tiêu dùng cả nước.

Việc chủ động các biện pháp xúc tiến thương mại, xúc tiến tiêu thụ hàng Việt nói chung và sản phẩm OCOP nói riêng sẽ tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức cho đa số người tiêu dùng Việt Nam trong việc ưu tiên lựa chọn và sử dụng hàng hóa do các doanh nghiệp trong nước sản xuất.

Ở góc độ Bộ Công Thương, ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) – cho hay, trong thời gian tới, Cục sẽ tiếp tục tăng cường các chương trình xúc tiến thương mại thị trường trong nước thông qua xây dựng, triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại tập trung, quy mô lớn, mang tính liên kết vùng cho sản phẩm, ngành hàng có thế mạnh của vùng tại các thị trường mục tiêu, tăng cường sự phối kết hợp nguồn lực từ các hoạt động xúc tiến và từ các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, tổ chức quốc tế…; kết hợp có hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại với xúc tiến đầu tư, văn hóa, du lịch,... Đây cũng là cách đi bền, chắc của hàng Việt nói chung và sản phẩm OCOP nói riêng.
Nhanhieuviet (Theo Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương - Link gốc)


.

                   

TRUNG TÂM THÔNG TIN CÔNG NGHIỆP VÀ THƯƠNG MẠI VIỆT NAM - BỘ CÔNG THƯƠNG.

Giấy phép của Bộ Thông tin và Truyền thông số 113/GP-TTĐT, cấp ngày 03/6/2024.
Địa chỉ: 655 Phạm Văn Đồng - Bắc Từ Liêm - Hà Nội.
Điện thoại: 04 3934 1911  -  Email: info@nhanhieuviet.gov.vn