11/28/2022 9:20:00 AM
.

Nhận diện hàng thật, hàng giả trước thềm Tết Nguyên đán


Nhân kỷ niệm 15 năm ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11/2007-29/11/2022), sáng 25/11/2022, Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương tiếp tục mở cửa Phòng Trưng bày nhận diện hàng thật - hàng giả, hàng vi phạm với chủ đề “Hàng giả, hậu quả thật”.

Phòng trưng bày được mở cửa từ 25 -30/11/2022, tại số 62 phố Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội với mục đích tuyên truyền sâu rộng, nhằm nâng cao nhận thức người tiêu dùng về các loại hàng hóa đang có mặt trên thị trường với phiên bản "hàng thật" và "hàng giả, hàng nhái".

Đây sẽ là một triển lãm được kỳ vọng là một kênh thông tin giúp người tiêu dùng phân biệt, nhận biết các dấu hiệu của hàng thật - hàng giả, từ đó góp phần vào công tác đấu tranh, ngăn chăn, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng gian lận thương mại.

Tổng Cục trưởng Trần Hữu Linh cho biết, chuẩn bị cho đợt cao điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2023 nói chung, ngoài kế hoạch cao điểm chống hàng giả, hàng lậu đã ban hành, lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) còn đặt trọng tâm vào công tác tuyên truyền phòng, chống hàng giả, tập trung vào các địa bàn trọng tâm, mặt hàng trọng điểm.

“Bên cạnh công tác kiểm tra, kiểm soát nhằm phát hiện ngăn chặn hàng giả, hàng lậu trong thị trường nội địa, lực lượng QLTT còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp trong cuộc chiến chống hàng giả, hàng lậu.

Từ cuối năm 2021 đến nay, Tổng cục thường xuyên duy trì mở cửa Phòng Trưng bày nhận diện hàng thật - hàng giả tại 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, Hà Nội để giúp người dân Thủ đô cũng như người tiêu dùng cả nước có thêm các giải pháp để nhận diện, phân biệt hàng thật - hàng giả”, Tổng Cục trưởng thông tin và nhấn mạnh, tới đây, 62 Tràng Tiền sẽ là địa chỉ “đỏ”, mở cửa thường xuyên cung cấp các dấu hiệu phân biệt hàng thật, hàng giả để giúp người dân nâng cao ý thức tự phòng tránh, đẩy lùi nạn sản xuất kinh doanh, sử dụng hàng giả; góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của các nhà sản xuất đối với các sản phẩm phục vụ người tiêu dùng.

Theo nhận xét của các cán bộ Tổng cục Quản lý thị trường, không chỉ các sản phẩm đắt tiền như hàng điện tử, điện thoại, quần áo, giày dép, mà ngay cả những sản phẩm tiêu dùng hàng ngày cũng bị làm giả.

Đơn cử như mì Hảo Hảo, mặc dù doanh nghiệp này chỉ bán gia vị kèm trong gói mì, nhưng trên thị trường lại xuất hiện rất nhiều gói gia vị nhái bán rời, nếu người tiêu dùng không tinh ý và nắm bắt đầy đủ thông tin sẽ rất dễ mua phải hàng giả.

Liên quan tới lĩnh vực này, mới đây, Tổng Cục Quản lý thị trường đã ký với nhiều đối tác, chủ sở hữu của nhiều thương hiệu lớn đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc… nhằm tăng cường công tác bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và chống hàng giả.

Song để làm chuyển biến từ gốc, đẩy lùi vấn nạn hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ, thì bên cạnh việc nâng cao năng lực, kiến thức chuyên sâu cho người dân, doanh nghiệp và các cán bộ thực thi nhiệm vụ, cũng cần sớm hoàn thiện các khuôn khổ pháp luật, đặc biệt là các biện pháp xử lý vi phạm hành chính về các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Cùng với đó, trang bị phương tiện, cơ sở vật chất, đặc biệt, phải ứng dụng công nghệ vào quá trình kiểm tra, kiểm soát, nhận diện các hành vi vi phạm để xử lý triệt để vấn nạn này.

Nhanhieuviet (Theo Tạp chí Sở hữu Trí tuệ - Link gốc)

Tin trong ngày
Các tin khác
.

                             

TRUNG TÂM THÔNG TIN CÔNG NGHIỆP VÀ THƯƠNG MẠI VIỆT NAM - BỘ CÔNG THƯƠNG.

Giấy phép của Bộ Thông tin và Truyền thông số 55/GP-TTĐT, cấp ngày 02/6/2015.
Địa chỉ: 655 Phạm Văn Đồng - Bắc Từ Liêm - Hà Nội.
Điện thoại: 04 3934 1911  -  Email: info@nhanhieuviet.gov.vn