8/14/2017 10:51:00 AM
.

Nhập siêu - tác động từ các FTA


 

Giảm thuế NK theo cam kết của các Hiệp định thương mại tự do (FTA) giúp cho Việt Nam mở rộng thị trường XK, đồng thời cũng là cơ hội để đa dạng hóa thị trường NK. Tuy nhiên, đây cũng là nguyên nhân chính khiến cho nhập siêu của Việt Nam từ các đối tác này ngày càng tăng cao.

Hàn Quốc “thế chân” Trung Quốc

Kể từ khi gia nhập WTO đến năm 2011, Việt Nam luôn nhập siêu lớn. Tình hình này phần nào được cải thiện hơn kể từ năm 2011 đến nay khi nhập siêu đã giảm dần, thậm chí còn có thời điểm xuất siêu. Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, giai đoạn 2011-2016, tốc độ tăng trưởng kim ngạch NK đạt khoảng 12,8%/năm, thấp hơn tốc độ tăng trưởng kim ngạch XK 16,1%/năm. Trong khi giá trị XK tăng khoảng 1,82 lần (gần 80 tỷ USD) thì giá trị NK tăng chậm hơn 1,63 lần (68 tỷ USD), từ mức 106,7 tỷ USD lên 174,8 tỷ USD. Tỷ trọng XNK trong tổng mức mức luân chuyển hàng hóa cũng thay đổi theo hướng tăng dần tỷ trọng XK và giảm dần tỷ trọng NK.

Bên cạnh đó, cán cân thương mại được cải thiện, tỷ lệ nhập siêu/XK bình quân giai đoạn 2011-2016 chỉ là 1,52%. Năm 2011, Việt Nam nhập siêu 9,8 tỷ USD, bằng 10,2% kim ngạch XK, nhưng trong các năm tiếp theo, cán cân thương mại thặng dư 4 năm (năm 2012, 2013, 2014 và 2016) và nhập siêu khoảng 3,55 tỷ USD trong năm 2015 với tỷ lệ nhập siêu/XK ở mức thấp 2,19%.

Tuy nhiên, trong một báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ do ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công Thương ký, cơ quan này cũng thừa nhận, cán cân thương mại được kiểm soát tốt và đạt thặng dư trong vài năm nhưng xuất siêu chưa bền vững, cán cân thương mại hàng năm khó đoán định do tăng trưởng NK phụ thuộc nhiều vào cầu trong nước, nhất là cầu đầu tư.

Trên thực tế, việc nhập siêu hay xuất siêu của một nền kinh tế là chuyện bình thường. Song với Việt Nam, câu chuyện này dường như không còn bình thường bởi nhập siêu luôn phụ thuộc vào một thị trường là Trung Quốc. Với những năm xuất siêu thì con số xuất siêu cũng chỉ rất ít và không bền vững khi chủ yếu phụ thuộc vào khối DN FDI.

Câu chuyện nhập siêu phụ thuộc lớn vào thị trường Trung Quốc được nhiều chuyên gia lên tiếng cảnh báo bởi nền kinh tế sẽ dễ bị ảnh hưởng khi thị trường NK chính bị tác động, dù là nhỏ. Chính vì thế, một trong những hạn chế của tình trạng nhập siêu là cơ cấu thị trường chậm chuyển dịch theo hướng tăng NK ở các nước công nghệ cao. Thị trường NK chủ yếu là châu Á - Thái Bình Dương nên công nghệ, máy móc, thiết bị  NK đa số là công nghệ trung gian. Thị trường Âu - Mỹ còn chiếm tỷ trọng chưa cao nên chưa tiếp cận được nhiều công nghệ nguồn, công nghệ cao. Đặc biệt, nhập siêu từ một số thị trường còn lớn, tuy nhiên Việt Nam chủ yếu NK nguyên nhiên vật liệu phục vụ sản xuất hàng hóa từ các thị trường này và đạt thặng dư thương mại ở các khu vực thị trường khác như Mỹ, EU…

Việc Việt Nam chuyển sang nhập siêu lớn nhất từ Hàn Quốc trong 7 tháng đầu năm 2017 phần nào giải tỏa lo âu của giới chuyên gia trong việc Việt Nam quá phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 7 tháng đầu năm 2017, NK từ Hàn Quốc đạt 26,4 tỷ USD, trong khi XK chỉ đạt 7,74 tỷ USD. Như vậy, nhập siêu từ Hàn Quốc đã vươn lên 18,66 tỷ USD (cao hơn số nhập siêu từ Trung Quốc, 16 tỷ USD).

Chuyển vùng nhập siêu để “thay máu” nền kinh tế

Có thể thấy, việc ký kết các FTA giúp cho Việt Nam đa dạng thị trường NK hơn. Bởi lẽ, một trong những nội dung quan trọng của FTA là cam kết mở cửa thị trường hàng hóa, loại bỏ phần lớn thuế NK. Do vậy, nhập siêu của Việt Nam từ thị trường Trung Quốc đang chững lại, giảm dần, thay vào đó nhập siêu của Việt Nam đang tăng mạnh từ Hàn Quốc và các nước ASEAN.

Con số này ngày càng tăng do Việt Nam đã thực hiện nhiều cam kết xóa bỏ thuế quan đối với Hàn Quốc trong khuôn khổ FTA Việt Nam - Hàn Quốc, đặc biệt là mức thuế NK ưu đãi mặt hàng xăng dầu được giảm về 0-5%... Cùng với đó, quan hệ thương mại giữa Việt Nam với các nước thành viên ASEAN ngày càng tăng lên do thuế quan nhiều mặt hàng trong các nước ASEAN về Việt Nam được xóa bỏ. Việt Nam đang nhập siêu 3,13 tỷ USD từ các nước ASEAN trong 6 tháng đầu năm 2017. Đáng chú ý, Việt Nam đang bị thâm hụt thương mại với tất cả các nền kinh tế lớn trong khu vực như Thái Lan, Singapore, Indonesia hay Malaysia. Dự kiến, mức nhập siêu của Việt Nam tại các thị trường như Thái Lan, Singapore, Malaysia sẽ tăng lên ở nhóm mặt hàng xăng dầu, ô tô, máy móc và hàng tiêu dùng cao.

Bên cạnh tín hiệu tích cực của việc giảm thuế theo các cam kết hội nhập là giúp Việt Nam đa dạng hóa thị trường NK thì các cam kết này đang thể hiện nhiều điểm bất cập, nhìn từ con số nhập siêu của Việt Nam.

Hiện nay, mặt hàng NK chủ yếu là các loại máy móc, thiết bị, dụng cụ và linh kiện cũng như các nguyên liệu đầu vào phục vụ cho các ngành sản xuất trong nước và đặc biệt là các ngành sản xuất sản phẩm XK. Ba mặt hàng NK chính vẫn là máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; nguyên phụ liệu ngành dệt, may, da giày- đầu vào của một nền kinh tế. Thế nhưng những mặt hàng này đang được NK ở các nước có trình độ công nghệ không cao, điều đó sẽ ảnh hưởng lớn đến năng lực cạnh tranh của Việt Nam. Chính điều này kéo theo tình trạng NK máy móc, thiết bị, công nghệ thấp và trung bình, tiêu hao nhiều năng lượng và gây ô nhiễm môi trường.

Còn theo ông Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), tình trạng nhập siêu từ các nước này liên quan đến đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng như sự lựa chọn đối tác và công nghệ. Hiện các nước đầu tư lớn nhất tại Việt Nam là từ những nước trên, tức Hàn Quốc, Trung Quốc và ASEAN.

Nhập siêu của Việt Nam theo nhận định của giới chuyên gia sẽ còn kéo dài. Tuy nhiên, trong bối cảnh Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng bằng việc ký kết nhiều FTA thế hệ mới với đối tác quan trọng như Mỹ, EU…, có một điều chắc chắn rằng, Việt Nam phải chuyển nhập siêu sang các quốc gia có nền kinh tế phát triển, có công nghệ cao để “thay máu” nền kinh tế. Nếu không, Việt Nam sẽ mãi là nước đi sau, nhất là trong thời buổi cách mạng công nghiệp 4.0, công nghệ là yếu tố đi đầu, tài nguyên, lao động không còn là yếu tố quyết định.

Nhanhieuviet (Theo Báo Hải quan)

.

                             

TRUNG TÂM THÔNG TIN CÔNG NGHIỆP VÀ THƯƠNG MẠI VIỆT NAM - BỘ CÔNG THƯƠNG.

Giấy phép của Bộ Thông tin và Truyền thông số 55/GP-TTĐT, cấp ngày 02/6/2015.
Địa chỉ: 655 Phạm Văn Đồng - Bắc Từ Liêm - Hà Nội.
Điện thoại: 04 3934 1911  -  Email: info@nhanhieuviet.gov.vn