3/18/2024 3:13:00 PM
.

Cơ quan báo chí cần tự có biện pháp bảo vệ bản quyền trước AI


Sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI) đang mang lại vô số lợi ích cho lĩnh vực truyền hình, song, sự bùng nổ của công nghệ mới cũng đặt ra những vấn đề lớn trong công tác bảo vệ bản quyền.

AI là công cụ hỗ trợ hữu ích đối với ngành báo chí

Bàn luận về AI trong sản xuất tác phẩm tương tác đa phương tiện, tại phiên thảo luận với chủ đề “Đầu tư, ứng dụng công nghệ hiệu quả tại các tòa soạn” diễn ra trong sáng 16/3, nhà báo Thi Uyên đến từ Báo Nhân Dân cho biết, trí tuệ nhân tạo, đặc biệt là AI tạo sinh đang giúp khắc phục nhược điểm của công nghệ.

Dẫn dự báo xu hướng báo chí, công nghệ, truyền thông năm 2024 của Viện Báo chí Reuters, nhà báo Thi Uyên chia sẻ: "AI tạo sinh đang được sử dụng trong báo chí với 8 mục đích chính: tóm tắt bài viết, tạo tiêu đề, biên tập, ghi chú và giải băng, biên dịch, tạo hình ảnh, tạo bài viết, tạo kênh truyền hình, người dẫn chương trình ảo".

Theo đó, AI đã giúp các toàn soạn tiết kiệm được thời gian, nhân lực và chi phí sản xuất - vốn là một trong những điểm yếu lớn của tác phẩm báo chí có tính năng tương tác đa phương tiện.

Cần chủ động trong việc bảo vệ bản quyền

Tại tọa đàm với chủ đề "Năng lực cạnh tranh của truyền hình trong thời đại AI" đã được Đài truyền hình Việt Nam tổ chức cùng trong sáng ngày 16/3.

Phát biểu tại tọa đàm, ông Nguyễn Văn Khánh, nhà phát triển và sử dụng AI tạo sinh trong lĩnh vực Multimedia nhận định, AI đang ngày càng trở nên phổ biến trong đời sống. Việc sử dụng công cụ này đã hỗ trợ cho cuộc sống, truyền hình rất nhiều. Đơn cử, việc phục dựng bối cảnh lịch sử, văn hóa của cha ông ngày xưa rất tốn kém và mất thời gian nhưng với AI đã trở nên rất đơn giản.

 Với những lợi ích và sự chính xác ngày càng được cải thiện của các công cụ trí tuệ nhân tạo,  AI đang thực sự giúp con người tiết kiệm công sức và thời gian sản xuất ra các sản phẩm truyền hình.

Tuy nhiên, công cụ này cũng đặt ra câu hỏi lớn. Theo đó, chia sẽ tại tọa đàm, Nhà báo Tạ Bích Loan (Đài Truyền hình Việt Nam) đặt vấn đề, khi AI tạo ra những sản phẩm ở nhiều lĩnh vực khác nhau thì liệu có phải là ăn cắp bản quyền không và ai sẽ là người chịu trách nhiệm cho vấn đề này?

Nhiều ý kiến của các diễn giả cho rằng, cuộc chiến tin giả được thực hiện qua các ứng dụng công nghệ, trong đó có AI đang là chủ đề nóng hổi. Hiện nay, việc tranh cãi về bản quyền, sở hữu trí tuệ giữa các sản phẩm do con người tạo ra và do AI tạo ra vẫn đang có nhiều tranh cãi. Tuy nhiên, khi đó, các sản phẩm từ cơ quan báo chí truyền thống sẽ có cơ hội để nâng cao thương hiệu của mình bởi “độ trung thực” của sản phẩm là điều độc giả rất chờ đợi trong nhu cầu thông tin của mình.

Các diễn giả cũng cho rằng, việc ứng dụng AI trong sản xuất các sản phẩm báo chí là rất hiệu quả, vì nó tạo ra sự giảm sức lao động cho con người. Việc sử dụng các công cụ này có thể sử dụng ở dạng miễn phí hoặc các phiên bản nâng cấp có trả phí đều có thể được ứng dụng linh hoạt để nâng cao chất lượng sản phẩm truyền hình.

Để bảo vệ bản quyền cho các tác phẩm truyền hình trong thời đại trí tuệ nhân tạo, các chuyên gia tại tọa đàm cho rằng, các nhà sản xuất cần ’đánh mã’ các tài liệu, tư liệu để các công cụ kiểm soát công nghệ về bản quyền “nhận dạng” và thông báo cho chủ sở hữu.

Chốt lại phiên tọa đàm này, nhà báo Tạ Bích Loan cho rằng, công cụ AI là rất hữu ích nhưng cũng có những mặt trái nên việc sử dụng cần có trách nhiệm và đạo đức, nhân văn để nó luôn là công cụ hỗ trợ đắc lực, giải phóng sức lao động cho con người. 

Nhanhieuviet (Theo Tạp chí Sở hữu Trí tuệ - Link gốc)

 

 

 

.
.
.
.

                             

TRUNG TÂM THÔNG TIN CÔNG NGHIỆP VÀ THƯƠNG MẠI VIỆT NAM - BỘ CÔNG THƯƠNG.

Giấy phép của Bộ Thông tin và Truyền thông số 55/GP-TTĐT, cấp ngày 02/6/2015.
Địa chỉ: 655 Phạm Văn Đồng - Bắc Từ Liêm - Hà Nội.
Điện thoại: 04 3934 1911  -  Email: info@nhanhieuviet.gov.vn