4/8/2024 9:31:00 AM
.

Những kết quả đáng ghi nhận trong quản lý Nhà nước về sở hữu trí tuệ


Tại Hội nghị quản lý Nhà nước về sở hữu trí tuệ năm 2024, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết, năm 2023, hoạt động quản lý Nhà nước về sở hữu trí tuệ đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, trong đó nổi bật là việc hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật.

Mới đây, tại Hà Nội, Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội tổ chức Hội nghị quản lý Nhà nước về sở hữu trí tuệ năm 2024.

Đây là sự kiện thường niên được Cục Sở hữu trí tuệ tổ chức nhằm tổng kết, đánh giá công tác quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ năm 2023 và định hướng cho hoạt động sở hữu trí tuệ trong thời gian tới.

Sự kiện cũng đã trở thành diễn đàn quan trọng của Ngành Khoa học và Công nghệ nhằm đánh giá, tổng kết, rút kinh nghiệm về hoạt động sở hữu trí tuệ ở các địa phương, doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học trong cả nước.

Trong phát biểu khai mạc Hội nghị quản lý Nhà nước về sở hữu trí tuệ năm 2024, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết, năm 2023, hoạt động quản lý Nhà nước về sở hữu trí tuệ đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, trong đó nổi bật là việc hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật. Các hoạt động hỗ trợ xác lập, bảo vệ, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ, đặc biệt là cho các sản phẩm chủ lực, đặc sản địa phương được đẩy mạnh; số lượng đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp được xử lý tăng 13,2% so với năm 2022…

Theo báo cáo của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới, Việt Nam được xếp hạng thứ 46/132 quốc gia và nền kinh tế về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2023 (tăng 2 bậc so với năm 2022) và là một trong 7 quốc gia thu nhập trung bình đạt được nhiều tiến bộ nhất về đổi mới sáng tạo trong thập niên qua.

Hà Nội là địa phương đứng đầu cả nước trong xây dựng và khai thác tài sản trí tuệ. Năm 2023, số lượng đơn đăng ký sở hữu công nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội là 17.539. Số lượng chứng nhận sở hữu công nghiệp đã được cấp đạt 9.338 đơn.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt thẳng thắn đánh giá, bối cảnh hiện tại đang đặt ra nhiều yêu cầu hơn với hoạt động quản lý Nhà nước về sở hữu trí tuệ trong năm 2024 và các năm tiếp theo. Nhiều hoạt động quản lý Nhà nước về sở hữu trí tuệ đang đứng trước thách thức phải đổi mới để nâng cao hơn nữa, như vấn đề tốc độ và chất lượng xử lý đơn xác lập quyền sở hữu công nghiệp; công tác thực thi quyền sở hữu công nghiệp; hiệu quả của hoạt động quản lý tài sản trí tuệ sau khi được bảo hộ, đặc biệt là đối với các sản phẩm chủ lực, tiềm năng của địa phương…

Cũng tại hội nghị, Phó cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, ông Nguyễn Văn Bảy cho biết, chỉ trong năm 2023, Cục Sở hữu trí tuệ đã tiếp nhận 156.413 đơn các loại (tăng 11% so với 140.903 đơn trong năm 2022), bao gồm 84.753 đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp (10.295 đơn sáng chế/giải pháp hữu ích; 3.738 đơn kiểu dáng công nghiệp; 60.929 đơn nhãn hiệu quốc gia và 9.441 đơn nhãn hiệu quốc tế; 14 chỉ dẫn địa lý và 336 đơn đăng ký quốc tế có nguồn gốc Việt Nam) và 71.660 các loại đơn/yêu cầu khác (tăng 14,1%).

Trong số 156.413 đơn đã tiếp nhận, Cục đã xử lý được 125.778 đơn các loại, trong đó có: 74.130 đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp (8.451 đơn sáng chế/giải pháp hữu ích; 3.105 đơn kiểu dáng công nghiệp; 52.968 đơn nhãn hiệu quốc gia và 9.271 đơn nhãn hiệu quốc tế đăng ký; 7 đơn chỉ dẫn địa lý và 328 đơn đăng ký quốc tế có nguồn gốc Việt Nam), tăng khoảng 13,2% so với năm 2022; ngoài ra còn 51.648 đơn/yêu cầu khác (tăng 6,6%); Cục cũng đã cấp 36.977 văn bằng bảo hộ sở hữu công nghiệp các loại (giảm 12,5% so với năm 2022).

Năm 2023 cũng đã đánh dấu những nỗ lực của các địa phương trong công tác thực thi quyền sở hữu công nghiệp với mục đích đẩy lùi nạn hàng giả, hàng xâm phạm đến các quyền sở hữu công nghiệp, điều này có thể dễ dàng nhận thấy qua việc số vụ xử lý và số tiền phạt tăng lên một cách rõ rệt. Theo báo cáo của các địa phương, cả nước đã có có 3.049 vụ xâm phạm quyền đã được xử lý (chủ yếu là đối với nhãn hiệu) với tổng số tiền phạt là 36.735.363.000 đồng và hơn 340.000 sản phẩm bị xử lý, tăng 213% về số vụ và 204% tổng số tiền phạt so với năm 2022 (1.430 vụ với tổng số tiền phạt hơn 18 tỷ đồng).

Hoạt động hỗ trợ thực thi quyền sở hữu trí tuệ cũng đã được Cục sở hữu trí tuệ quan tâm, đẩy mạnh thông qua việc cung cấp 306 ý kiến chuyên môn cho các cơ quan thực thi quyền (tăng 40% so với năm 2022); tham dự 07 vụ việc đã kết thúc giải quyết tại tòa án.

Trong tình hình hiện nay, khi tính hiệu quả của công tác thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia hoặc đàm phán để ký kết đang có xu hướng đặt ra các yêu cầu ngày càng cao và khắt khe hơn, thì vấn đề cải thiện hiệu quả hoạt động của hệ thống thực thi quyền sở hữu trí tuệ của nước ta đang trở thành nhiệm vụ có tính cấp bách. Để làm được điều này đòi hỏi cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tập huấn, bồi dưỡng các kiến thức chuyên môn về sở hữu công nghiệp đối với cán bộ các cơ quan thực thi quyền sở hữu công nghiệp, thiết lập cơ chế phối hợp chặt chẽ, trao đổi thông tin, kinh nghiệm giữa các cơ quan thực thi quyền sở hữu công nghiệp với nhau và với các cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp ở cả trung ương và địa phương.

Trong khi đó, công tác quản lý nhà nước ở Trung ương đối với các hoạt động sáng kiến, sáng tạo được thực hiện thông qua việc góp ý kiến, tư vấn cho các bộ, ngành, địa phương; tham gia các lớp tập huấn về sáng kiến do các bộ, ngành, địa phương tổ chức. Ngoài ra, Bộ KH&CN cũng đang phối hợp với các cơ quan liên quan chuẩn bị tổ chức Chương trình Sáng kiến vì cộng đồng lần thứ 5 vào năm 2024.

Ở địa phương, hoạt động thúc đẩy phong trào sáng kiến, sáng tạo được triển khai ở hầu hết các địa phương, chủ yếu dưới hình thức tổ chức các hội thi, trao giải thưởng sáng tạo kỹ thuật trên địa bàn tỉnh (thường niên hoặc 2 năm 1 lần). Trong năm 2023, đã có 28 Hội thi Sáng tạo kỹ thuật, 24 Hội thi sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng và 15 cuộc thi sáng tạo khác được các địa phương tổ chức với hàng nghìn giải pháp tham dự cùng hàng trăm giải thưởng được trao. Thông qua các hội thi đã ghi nhận được những thành quả sáng tạo của các tác giả góp phần cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất, đem lại lợi ích kinh tế - xã hội.

Theo báo cáo từ các địa phương năm 2023, cả nước đã có 121.613 giải pháp được đề nghị công nhận sáng kiến, 94.174 sáng kiến được công nhận trong đó 3.154 sáng kiến được công nhận phạm vi ảnh hưởng cấp tỉnh, tổng số tiền làm lợi do áp dụng sáng kiến là gần 200 tỷ đồng, số tiền trả thù lao, trả thưởng cho các tác giả sáng kiến là hơn 6 tỷ đồng và có 2.538 cán bộ được nâng lương trước thời hạn do có sáng kiến được công nhận. Có thể thấy trong thời gian qua, hoạt động sáng kiến trong cả nước đã thành một phong trào rộng khắp, thể hiện sức sáng tạo mạnh mẽ của người lao động Việt Nam.

Nhanhieuviet (Theo Tạp chí Sở hữu Trí tuệ - Link gốc)


.
.
.
.

                             

TRUNG TÂM THÔNG TIN CÔNG NGHIỆP VÀ THƯƠNG MẠI VIỆT NAM - BỘ CÔNG THƯƠNG.

Giấy phép của Bộ Thông tin và Truyền thông số 55/GP-TTĐT, cấp ngày 02/6/2015.
Địa chỉ: 655 Phạm Văn Đồng - Bắc Từ Liêm - Hà Nội.
Điện thoại: 04 3934 1911  -  Email: info@nhanhieuviet.gov.vn